Sunday, June 10, 2018

Công ty cho cán bộ, công nhân viên vay trước lương: có được không?


Hỏi: Công ty chúng tôi là Cty TNHH Nhà nước liên doanh với nước ngoài, vậy nếu BGĐ quyết định cho CBCNV vay trước lương với hình thức như thế này thì theo các luật sư có hợp pháp không? Căn cứ vào điều luật nào?

1.Cho CBCNV vay trước 6 tháng lương, theo lãi suất gửi tiết kiệm 12 tháng tại NH, mỗi tháng sẽ trừ hết lương của CBCNV

2. Cho vay mà không tính lãi, mỗi tháng sẽ trừ hết lương của CBCNV

Nếu trường hợp người lao động chưa trả hết nợ mà nghỉ việc không báo trước thì Công ty phải xử lý khoản nợ đó thế nào? Những người ký cho vay có trách nhiệm thế nào trong việc duyệt cho vay mà không thu hồi được nợ trước pháp luật? Theo điều luật số mấy? Lưu ý Công ty chúng tôi không phải là Công Ty Tài chính. Chân thành cám ơn. ( Hoa H.)

Luật sư Trần Hồng Phong trả lời:

Trước hết, cho dù công ty có nguồn gốc từ liên doanh, thì cán bộ, nhân viên trong công ty của chị về nguyên tắc đều là “người lao động”, không phải là cán bộ công chức Nhà nước.

Theo tôi, việc công ty có điều kiện về tài chính, cho cán bộ, nhân viên vay tiền, với mức vay khoảng 6 tháng lương, là điều đáng ghi nhận. Vì đây có thể xem là việc hỗ trợ, giúp sức cho người lao động, nhất là những người có hoàn cảnh khó khăn. Điều nay về nguyên tắc không có gì sai trái. Giao dịch vay mượn tiền (có thể xem là quan hệ vay mượn tài sản) giữa cá nhân với cá nhân, tổ chức với cá nhân …vv - được qui định tại Bộ luật dân sự.

(Tuy nhiên, tôi cũng nghĩ rằng số tiền cho vay phải thuộc một Quĩ nào đó, chẳng hạn là Quĩ phúc lợi, được công ty thành lập hợp pháp, mục đích và tiêu chí sử dụng rõ ràng, chặt chẽ và nên có sự trao đổi, thông qua với Ban chấp hành công đoàn).

Cần có sự phân biệt rạch ròi giữa quan hệ vay mượn tiền và quan hệ tiền lương. Đây là hai việc có bản chất hoàn toàn khác nhau, không nên lẫn lộn và “cấn trừ” với nhau – vì có thể sai luật, nếu “cấn trừ” không đúng. Vì theo qui định tại Bộ luật lao động, công ty không được “cấn trừ” các khoản tạm ứng hay nợ của người lao động quá 30% lương hàng tháng. Do vậy, nếu công ty có ý định cấn trừ tới 100% lương là sai luật. Chưa kể nếu như vậy thì người lao động sẽ lấy gì mà sống, mà làm việc ? Hay nói cách khác, không nên nói rõ là “trừ” hết vào tiền lương, mà nên thỏa thuận cho người lao động trả trong 9 tháng, 12 tháng chẳng hạn. Còn việc trả như thế nào là do sự tự giác, tự chủ của người lao động.

Người lao động có thể lĩnh lương xong, sau đó tự mình trích ra bao nhiêu đó để tự mình “trả góp” khoản vay. Không nên “trả” theo kiểu kế toán tiền lương tự động chuyển tiền lương thành tiền trả nợ.

Vấn đề cho vay có lãi cũng cần phải xem xét kỹ lưỡng. Vì nếu lãi suất thật thấp - ở mức hỗ trợ, để có nguồn kinh phí để quản lý, duy trì Quĩ thì không đáng nói. Nhưng nếu lãi suất ở mức cao, được xem là khoản “lợi nhuận kinh doanh” thì không ổn. Chưa kể nếu vậy thì cần phải khai báo doanh thu, mà về bản chất thì lại trở thành hoạt động theo kiểu tín dụng đen, trái pháp luật và mất đi ý nghĩa “hỗ trợ” người lao động.

Về hình thức, việc cho vay tiền phải thể hiện bằng văn bản rõ ràng. Chẳng hạn là Hợp đồng vay tiền. Trong hợp đồng cần ghi rõ thời hạn vay, số tiền, lãi suất, cách trả, cách giải quyết tranh chấp nếu không trả đúng hạn …vv. Trong Hợp đồng vay tiền có thể ghi “nếu không trả nợ đúng hạn thì công ty có quyền trừ vào tiền lương, mỗi tháng 30% cho đến khi trả hết nợ”.

Nếu đã có hợp đồng vay mượn rõ ràng, thì sau này lỡ người lao động nghỉ việc, không trả nợ … - công ty có quyền căn cứ vào hợp đồng kiện ra Tòa án, thu hồi nợ.

Người “ký cho vay” - theo tôi nghĩ người này nên là giám đốc (người đại diện theo pháp luật của công ty), vì không còn ai khác thích hợp hơn. Về trách nhiệm của người này, theo tôi nghĩ đây không phải là hành vi đơn phương, mà là chủ trương, đường lối của công ty, được Công đoàn ủng hộ - nên vị này cũng không có trách nhiệm cá nhân ( mà nếu có thì chắc cũng chẳng ai dám ký, vì không khéo lại “rước họa vào thân”). Nếu có rủi ro, thất thoát thì cũng xem như là thiệt hại chung của công ty, cùng khắc phục.

Lưu ý trên đây cũng chỉ là những ý kiến trao đổi về mặt nguyên tắc. Nếu Công ty chị thực sự sẽ triển khai, theo tôi nên nhờ luật sư hỗ trợ thêm, nhất là về văn bản (hợp đồng), để chặt chẽ, đúng luật. Thân mến. www.ecolaw.vn


Chuyên mục Luật sư tư vấn Ecolaw do các luật sư của công ty luật hợp danh Ecolaw thực hiện. Quí vị hãy gửi câu hỏi theo địa chỉ ecolaw2@gmail.com để được giải đáp hoàn toàn miễn phí – trừ trường hợp câu hỏi quá phức tạp hoặc không rõ ràng. Thông tin càng chi tiết, cụ thể - nội dung tư vấn càng chính xác, hiệu quả. Phần lớn các câu hỏi – đáp (được mã hóa để bảo mật) sẽ được đăng trên website này nhằm mục đích phổ biến kiến thức pháp luật phổ thông cho mọi người.  
Quí vị có thể click vào menu “Luật sư tư vấn” để tìm đọc thêm các vấn đề mà mình quan tâm.
Lưu ý: bài viết trên thuộc lĩnh vực “Thương mại – Doanh nghiệp”

CÔNG TY LUẬT ECOLAW – ĐỊA CHỈ TIN CẬY CỦA MỌI NGƯỜI
23 Lê Lư, P. Phú Thọ Hoà, Q. Tân Phú, TP. Hồ Chí Minh
Email: ecolaw1@ecolaw.vn - website: www.ecolaw.vn