Sunday, June 10, 2018

Đem tài sản cá nhân bảo lãnh cho công ty vay tiền, nay công ty phá sản, tài sản có bị ảnh hưởng?


Hỏi: Kính nhờ Quý Công ty giải đáp thắc mắc giùm tôi , sự việc như sau : Cuối năm 2011, tôi có bảo đảm thế chấp cho công ty người bạn ( công ty cổ phần kinh doanh ô tô ) bằng tài sản BDS ( bất động sản, đất nền sổ đỏ ) để tăng vốn điều lệ. Giữa tôi và công ty có thỏa thuận như sau : Thời hạn bảo đảm cho công ty 18 tháng. Tôi sẽ lấy lại BDS và báo trước công ty 1 tháng. Toàn bộ lãi suất phát sinh trong qua trình thế chấp BDS với Bank đều do bên được bảo đảm ( công ty CP kinh doanh ô tô ) trực tiếp thanh toán. Biên bản thỏa thuận : Công ty sẽ dùng hết tất cả nguồn thu và tài sản để thanh toán cho bên bảo đảm tài sản ( tôi ) trong trường hợp công ty có nguy cơ phá sản.


Đến nay tôi yêu cầu công ty trả lại tài sản BDS cho tôi , thì công ty đã không còn khả năng thanh toán ( chưa nộp đơn phá sản ). Và để giảm thiệt hại cho BDS của tôi, thì tôi cũng đồng ý đưa tiền cho công ty để thanh toán cho Bank và lấy hồ sơ BDS của tôi lại.

Giữa Bank và công ty có cam kết trong hợp đồng và kế ước cho vay như sau: Công ty phải giải quyết hồ sơ sản phẩm ( hồ sơ xe ô tô ) xong rồi mới giải quyết hồ sơ BDS.

Theo tôi được biết thì khả năng công ty tuyên bố phá sản rất cao và lúc này thì BDS của tôi công ty không có khả năng thanh toán. Vậy với vai trò là người bị hại, tôi có thể yêu cầu Bank giải quyết trường hợp tôi về miếng đất BDS này không ?Tôi đồng ý thanh toán số tiền thế chấp quy đổi bởi BDS này và lãi suất phạt kèm theo.

Nay, kính nhờ Quý luật sư xem xét trường hợp của tôi: Nếu công ty phá sản thì BDS của tôi có ảnh hưởng gì không ? (tôi đồng ý Bank thanh toán 100% số tiền thế chấp và lãi suất phạt quá hạn ) và về phía Bank có hỗ trợ cho người bị hại như tôi không ? Rất mong được trả lời. Tôi xin chân thành cám ơn ( Truong B)

Luật sư Trần Hồng Phong trả lời:

Vụ việc anh hỏi để có thể giải quyết theo tôi khá phức tạp về mặt thủ tục. Hơn nữa, điều tiên quyết là các bên đều phải có thiện ý, tìm được tiếng nói chung. Nếu không sẽ phải đưa nhau ra tòa án, sẽ rất phiền phức, mà thiệt hại lại càng lớn.

Do anh không gửi cho chúng tôi các tài liệu có liên quan, nên tôi chỉ có phân tích và trả lời trên sự đánh giá có phần chủ quan và phiến diện như sau:

Giữa công ty và Ngân hàng có một hợp đồng tín dụng (vay) thời hạn 18 tháng, được anh đứng ra bảo đảm bằng tài sản của mình. Điều này có nghĩa là trong trường hợp công ty không thể trả nợ khi tới hạn, thì ngân hàng sẽ có quyền bán đấu giá tài sản bảo đảm để thu hồi nợ. Phần dư còn lại sẽ trả lại cho chủ bất động sản. Theo đó, thì giữa anh và ngân hàng phải có một bản Hợp đồng bảo lãnh, trong đó nêu rõ quyền và nghĩa vụ của anh. Tôi không thấy anh đề cập đến vấn đề này.

Tuy nhiên, theo thông tin anh nêu thì giữa công ty và ngân hàng có thỏa thuận là phải giải quyết “hồ sơ sản phẩm” xong thì mới giải quyết hồ sơ BDS. Việc này tôi thấy có phần khó hiểu. Vì chuyện hồ sơ sản phẩm với việc vay tiền là hai chuyện khác nhau. Nay cái này lại liên quan đến cái kia là sao? Phải chăng là ngoài việc vay tiền, công ty còn vay những khoản khác liên quan đến việc bán hàng ? Và BDS của anh cũng “bảo đảm” luôn những khoản vay này? Anh hãy đối chiếu với hợp đồng bảo lãnh của anh xem sao. Nếu trong hợp đồng bảo lãnh, anh cũng cam kết “bảo lãnh” cho các khoản vay khác, thì anh cũng phải chịu trách nhiệm.

Trong thư, anh có đề cập đến việc muốn lấy lại BDS, nhưng việc anh đòi công ty trả là không đúng chỗ . Vì người đang giữ BDS của anh là ngân hàng chứ không phải là công ty. Nếu chưa đến hạn hợp đồng và nay anh muốn lấy lại BDS trước, thì cho dù là anh chịu trả toàn bộ khoản tiền vay (của công ty), kể cả tiền lãi, tiền phạt … - thì anh vẫn phải làm việc thống nhất với công ty. Sau đó mới làm việc với ngân hàng. Vì về mặt danh chính ngôn thuận, tuy là tiền của anh, nhưng người trả và thanh lý hợp đồng chí là công ty ( chủ thể của hợp đồng vay) chứ không phải là anh.

Có thể nói, trong sự việc này, anh là người nắm đàng lưỡi, rất nhiều rủi ro và tiềm ẩn nguy cơ thiệt hại. Thậm chí có thể là cả thiệt hại đơn lẫn thiệt hại kép - trong bối cảnh công ty có thể phá sản nay mai. Lý do cơ bản là vì anh đã không “nắm” được gì của công ty cả, trong khi lại tự nguyện đem tài sản của mình ra bảo lãnh cho công ty.

Việc anh hỏi “nếu công ty phá sản thì BDS của tôi có ảnh hưởng gì không ?” – tôi nghĩ là có. Về nguyên tắc, công ty đã được anh bảo lãnh số tiền vay – nên “số tiền vay” mà công ty đang nợ ngân hàng chính là số tiền công ty sẽ nợ anh – nếu nay anh bỏ tiền ra để thanh toán nợ “giúp” công ty trước – cũng chính là bảo đảm “an toàn” cho BDS của mình. Sau đó anh mới đi đòi/ hoặc kiện đòi công ty trả nợ cho mình. Như vậy, vấn đề công ty sẽ trả được cho anh bao nhiêu tiền, lấy từ tài sản nào – chính là cơ sở để xác định anh có bị thiệt hại gì không. Còn nếu nay anh không ứng trước để trả nợ ngân hàng – thì rõ ràng là sẽ anh hưởng trực tiếp đến BDS của anh, như tôi là đã từ đầu.

Theo tôi nghĩ, trong bối cảnh hiện nay, anh cần phải khẩn trương và chủ động thỏa hiệp với các bên, giải quyết sớm, tháo “ngòi nổ”. Chúc anh có thể giải quyết quyền lợi của mình một cách thuận lợi và tốt nhất. www.ecolaw.vn


Chuyên mục Luật sư tư vấn Ecolaw do các luật sư của công ty luật hợp danh Ecolaw thực hiện. Quí vị hãy gửi câu hỏi theo địa chỉ ecolaw2@gmail.com để được giải đáp hoàn toàn miễn phí – trừ trường hợp câu hỏi quá phức tạp hoặc không rõ ràng. Thông tin càng chi tiết, cụ thể - nội dung tư vấn càng chính xác, hiệu quả. Phần lớn các câu hỏi – đáp (được mã hóa để bảo mật) sẽ được đăng trên website này nhằm mục đích phổ biến kiến thức pháp luật phổ thông cho mọi người.  
Quí vị có thể click vào menu “Luật sư tư vấn” để tìm đọc thêm các vấn đề mà mình quan tâm.
Lưu ý: bài viết trên thuộc lĩnh vực “Thương mại – Doanh nghiệp”

CÔNG TY LUẬT ECOLAW – ĐỊA CHỈ TIN CẬY CỦA MỌI NGƯỜI
23 Lê Lư, P. Phú Thọ Hoà, Q. Tân Phú, TP. Hồ Chí Minh
Email: ecolaw1@ecolaw.vn - website: www.ecolaw.vn