Monday, September 8, 2014

Băn khoăn về bản Di chúc của bà Nội


Hỏi: Kính gửi Công ty luật hợp danh Ecolaw. Tôi có một việc tha thiết muốn nhờ sự trợ giúp của các chuyên gia luật như sau :

Gia đình nhà bà tôi có 6 người con, một người bị tàn tật. Trước khi bà tôi mất có nói sau này khi mất đi ai nuôi người con tàn tật bà tôi để lại nhà cho. Tuy nhiên khi bà tôi lâm bệnh nặng một người chú trong gia đình không tốt đã làm di chúc cho bà tôi với nội dung để lai căn nhà cho chú ấy. Di chúc có người làm chứng là ông tổ trưởng dân phố và cán bộ địa chính phường. Tuy nhiên ngoại trừ ông chú đó thì không có người con nào nữa. Bố tôi là trưởng nên trước nay bà tôi vẫn giao giữ sổ đỏ và nuôi người cô tàn tật.Vậy mong các luật sư tư vấn giúp cho gia đình chúng tôi. Xin chân thành cảm ơn! (Nguyen Th. H)


Luật sư Trần Hồng Phong trả lời:

Vụ việc bạn nêu thuộc dạng tranh chấp về di sản thừa kế (căn nhà của bà nội bạn) và khá phức tạp. Hay nói chính xác hơn là khá “khó” đối với phía gia đình bạn.

Trước hết là bởi vì theo thông tin bạn nêu thì bà nội bạn có để lại một bản di chúc, mà bản di chúc này lại có 2 người làm chứng, trong đó có một cán bộ địa chính phường – tức là người có hiểu biết về pháp luật. ( Theo qui định thì di chúc có thể được lập tại UBND Phường, có mặt cán bộ tư pháp và Phường sẽ chứng thực vào Di chúc. Tuy nhiên có lẽ bản Di chúc mà bạn nêu không thuộc trường hợp này, mà chỉ thuộc dạng “di chúc bằng văn bản, có người làm chứng”, không có chứng thực). Trong khi đó, việc bạn cho biết bà nội từng nói rằng “ai nuôi người cô tàn tật thì được hưởng căn nhà” chỉ là “lời nói gió bay” – không có bằng chứng xác thực.

Điều 669 Bộ luật dân sự có qui định về trường hợp “Người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc ». Theo đó, nếu người nào là « con đã thành niên mà không còn khả năng lao động » thì vẫn được hưởng phần di sản bằng 2/3 suất của một người thừa kế theo pháp luật, nếu di sản được chia theo pháp luật, trong trường hợp họ không được người lập di chúc cho hưởng di sản hoặc chỉ cho hưởng phần di sản ít hơn 2/3 suất đó.

Qui định trên có thể hiểu nôm na như sau: Giả sử bà nội bạn không để lại di chúc, thì khi bà nội qua đời sẽ được chia đều cho 6 người con, mỗi người sẽ được nhận 1/6 di sản. Tuy nhiên nay bà nội đã làm Di chúc cho người chú, và giả sử rằng Di chúc này là đúng luật, có giá trị pháp lý – thì dù được công nhận và được hưởng di sản, người chú của bạn vẫn phải trích ra một phần bằng 2/3 của kỷ phần 1/6 nói trên cho “người con bị tàn tật” (người cô) – như thông tin bạn nêu.

Riêng đối với bố bạn ( và cả những người anh chị em khác của bố bạn – trừ người chú đã được bà nội làm Di chúc cho hưởng tài sản) – gọi chung là những người “đồng thừa kế” có thể và có quyền “tranh chấp” để được hưởng di sản của bà nội.

Muốn vậy, những “đồng thừa kế” phải chứng minh được rằng bản Di chúc nói trên là không có giá trị pháp lý. Tức là phải chỉ ra những điểm sai sót, vi phạm trong bản Di chúc này. Tất nhiên là để chứng minh được thì điều tiên quyết và cần thiết là bản Di chúc ấy phải thực sự có những sai sót, bất thường. Chứ không phải do mình tự “nghĩ” ra rồi nói tự nói rằng bản Di chúc ấy không có giá trị.

Mà muốn vậy, trước hết các đồng thừa kế phải nộp Đơn khởi kiện (tranh chấp di sản thừa kế) ra Tòa án. Lưu ý là thời gian khởi kiện về Di sản thừa kế là 10 năm, kể từ thời điểm mở di sản (cũng chính là thời gian bà nội bạn qua đời). Nếu quá 10 năm thì muốn kiện cũng không kiện được nữa.

Điều 652 Bộ luật dân sư qui định những điều kiện để một bản Di chúc được xem là hợp pháp khi ( chỉ nêu những điểm chính và sát với trường hợp của gia đình bạn):

- Người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe doạ hoặc cưỡng ép;

- Nội dung di chúc không trái pháp luật, đạo đức xã hội; hình thức di chúc không trái quy định của pháp luật.

- Di chúc của người bị hạn chế về thể chất hoặc của người không biết chữ phải được người làm chứng lập thành văn bản và có công chứng hoặc chứng thực.

Theo đó, bạn có thể hình dung về cơ hội « chiến thắng » của bố bạn là bao nhiêu phần trăm. Chẳng hạn : khi lập di chúc bà nội bạn có thực sự minh mẫn, sáng suốt không ? Bà nội bạn có biết chữ không ? (nếu không biết chữ thì Di chúc phải được công chứng/chứng thực) …

Tất cả những điều mà tôi nêu trên đây cũng chỉ là những nội dung khái quát, định hướng. Nếu thực sự có ý định tranh chấp về di sản của bà nội, gia đình bạn nhất thiết cần trực tiếp liên hệ với luật sư để được tư vấn, đánh giá cụ thể, toàn diện hơn. Và bạn/gia đình cũng cần tự mình tìm hiểu, nghiên cứu thêm Bộ luật dân sự 2005, phần qui định về Di chúc, Di sản thừa kế ...- để hiểu biết thêm về các qui định của pháp luật. Chúc mọi việc tốt đẹp. www.ecolaw.vn


Chuyên mục Luật sư tư vấn Ecolaw do các luật sư của công ty luật hợp danh Ecolaw thực hiện. Quí vị hãy gửi câu hỏi theo địa chỉ ecolaw2@gmail.com để được giải đáp hoàn toàn miễn phí – trừ trường hợp câu hỏi quá phức tạp hoặc không rõ ràng. Thông tin càng chi tiết, cụ thể - nội dung tư vấn càng chính xác, hiệu quả. Phần lớn các câu hỏi – đáp (được mã hóa để bảo mật) sẽ được đăng trên website này nhằm mục đích phổ biến kiến thức pháp luật phổ thông cho mọi người.  
Quí vị có thể click vào menu “Luật sư tư vấn” để tìm đọc thêm các vấn đề mà mình quan tâm.
Lưu ý: bài viết trên thuộc lĩnh vực “Dân sự, tranh chấp dân sự”

CÔNG TY LUẬT HỢP DANH ECOLAW – ĐỊA CHỈ TIN CẬY CỦA MỌI NGƯỜI

843 Lê Hồng Phong, P.12, Quận 10, TP. Hồ Chí Minh
Email: ecolaw1@gmail.com - website: www.ecolaw.vn