Thursday, August 14, 2014

Hòa giải trong dân sự khác hòa giải trong lao động



Hỏi : Hiện tôi đang định khởi kiện một vụ án tranh chấp đất đai (còn chồng tôi cũng đang định khởi kiện một vụ án Lao động). Tuy nhiên sắp tới là phiên hòa giải ở cơ sở. Tôi muốn nhờ luật sư tư vấn cho tôi một số câu hỏi như thế này:

1. Nếu hòa giải ở cơ sở thành mà bên kia không chịu thực hiện cam kết thì sau này có được khởi kiện ra tòa nữa không ? Vì tôi được biết là hòa giải ở cơ sở thì không có gì bắt buộc để họ phải thực hiện cả. Và nếu sau này ra tòa mà lại hòa giải tiếp thì có chế tài để bắt các bên thực hiện cam kết không? (nếu hòa giải thành tại tòa án) có được nhờ cơ quan thi hành án không?

2. Hòa giải trong Dân Sự và Lao động có gì khác nhau không? Cụ thể là những điều tôi vừa hỏi có gì khác nếu áp dụng nó trong một vụ án lao động? ( Lê Thùy V., Huế).


Luật sư Nguyễn Công Khán trả lời :

Hòa giải trong tranh chấp lao động theo như chị nói là hòa giải ở cơ sở do Hội đồng hòa giải lao động cơ sở hoặc hòa giải viên lao động tiến hành. Đây được coi là một thủ tục cần thiết trước khi khởi kiện vụ án về lao động, nếu không có thủ tục này thì tòa sẽ trả hồ sơ mà không thụ lý.

Điều 166 Bộ luật lao động sửa đổi, bổ sung năm 2006 cũng qui định về các trường hợp tòa án sẽ thụ lý giải quyết vụ án lao động, cụ thể như sau:

“1. Toà án nhân dân giải quyết các tranh chấp lao động cá nhân mà Hội đồng hoà giải lao động cơ sở hoặc hoà giải viên lao động hoà giải không thành hoặc không giải quyết trong thời hạn quy định tại khoản 1 Điều 165a của Bộ luật này. (Thời hạn giải quyết là 3 ngày kể từ ngày có đơn)

2. Toà án nhân dân giải quyết những tranh chấp lao động cá nhân sau đây mà không bắt buộc phải qua hoà giải tại cơ sở:

a) Tranh chấp về xử lý kỷ luật lao động theo hình thức sa thải hoặc về trường hợp bị đơn phương chấm dứt hợpđồng lao động;

b) Tranh chấp về bồi thường thiệt hại, trợ cấp khi chấm dứt hợp đồng lao động;

c) Tranh chấp giữa người giúp việc gia đình với người sử dụng lao động;

d) Tranh chấp về bảo hiểm xã hội quy định tại điểm b khoản 2 Điều 151 của Bộ luật này;

đ) Tranh chấp về bồi thường thiệt hại giữa người lao động với doanh nghiệp, tổ chức sự nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.”

Như vậy, trước hết chị cần xem trường hợp của chồng chị có thuộc diện phải bắt buộc phải qua hòa giải cơ sở hay không, nếu không thì có thể kiện thẳng ra tòa án để được đảm bảo thi hành án sau này.


Vấn đề chị đưa ra là hoàn toàn đúng, là một kẻ hở của pháp luật nước ta hiện nay. Thực tế, rất nhiều trường hợp đã có biên bản hòa giải thành ở Hội đồng hòa giải cơ sở nhưng phía người sử dụng lao động không chịu thi hành, bên kia đành phải quay lại hội đồng hòa giải cơ sở như từ đầu (nếu không thuộc các trường hợp bắt buộc phải qua hòa giải cơ sở kể trên). Bởi vì biên bản hòa giải thành của Hội đồng hòa giải lao động cơ sở không thuộc đối tượng thi hành án (Điều 1 và Điều 2 Luật thi hành án dân sự năm 2008). Do đó, nó không được đảm bảo thi hành bằng các chế tài hay sự cưỡng chế nhà nước.

Theo tôi, để đảm bảo quyền khởi kiện của mình, ngay trong biên bản hòa giải thành, chồng chị nên đề nghị ghi thêm nội dung: “trong thời hạn bảy ngày, nếu bên có nghĩa vụ không thực hiện nghĩa vụ của mình, thì bên có quyền lợi bị xâm phạm có quyền khởi kiện tại tòa án mà không cần phải tiếp tục thủ tục hòa giải lần thứ hai”.

Hòa giải dân sự khác hòa giải lao động:

Hòa giải trong tố tụng dân sự là thủ tục bắt buộc trong việc giải quyết các vụ án dân sự tại tòa án ở nước ta. Việc này thực ra chính là dành cho các bên thêm một cơ hội để thực hiện quyền tự quyết, tự dàn xếp với nhau

Việc hòa giải được tiến hành sau khi vụ án đã được thụ lý giải quyết và trước khi vụ án được đưa ra xét xử. Nếu hai bên đạt được thỏa thuận, tức là hòa giải thành - thì thẩm phán sẽ lập biên bản hòa giải thành và ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự. Quyết định này có giá trị pháp lý tương đương như một bản án (Điều 188 Bộ Luật tố tụng dân sự năm 2004) và được đảm bảo thi hành bởi pháp luật thi hành án (Điều 2 và Điều 4 Luật thi hành án dân sự năm 2008).

Một điều cần lưu ý là dù đã ký Biên bản hòa giải thành tại Tòa án, thì các bên vẫn có quyền thay đổi ý kiến – giống như “kháng cáo” án sơ thẩm vậy – trong vòng 7 ngày kể từ ngày ký vào biên bản. T

Như vậy, có thể thấy hòa giải trong luật lao động khác hòa giải trong vụ án dân sự. Hòa giải trong tranh chấp lao động cơ sở chỉ là điều kiện để tòa án xem xét có thụ lý vụ án hay không. Trong khi đó, hòa giải trong vụ án dân sự là qui trình giải quyết vụ án, nếu hòa giải thành thì tòa án kết thúc vụ án mà không cần phải đưa ra xét xử. Xin lưu ý với chị là trong vụ án lao động cũng có thủ tục hòa giải và nó giống như những gì tôi trình bày ở phần hòa giải trong vụ án dân sự.

Ý cuối : riêng đối với các tranh chấp về đất đai, còn có thêm một qui định theo kiểu “lệ làng” – không qui định trong luật tố tụng dân sự - đó là hòa giải tại cấp phường, xã. Qui định này là nhằm mục đích “lọc” bớt các vụ tranh chấp đất đai. Theo đó, ở nhiều địa phương, khi có tranh chấp về đất đai, có thể tòa sẽ không nhận đơn ngay mà “bắt” đương sự về hòa giải tại UBND phường (nơi có mảnh đất đang tranh chấp). Sau đó, nếu không hòa giải thành, có – thể hiện tại “Biên bản hòa giải (không thành)” – thì cán bộ địa chính phường sẽ ghi thêm một câu “chuyển tòa án giải quyết”. Khi đó, tòa mới chịu nhận đơn. Trân trọng. www.ecolaw.vn


Chuyên mục Luật sư tư vấn Ecolaw do các luật sư của công ty luật hợp danh Ecolaw thực hiện. Quí vị hãy gửi câu hỏi theo địa chỉ ecolaw2@gmail.com để được giải đáp hoàn toàn miễn phí – trừ trường hợp câu hỏi quá phức tạp hoặc không rõ ràng. Thông tin càng chi tiết, cụ thể - nội dung tư vấn càng chính xác, hiệu quả. Phần lớn các câu hỏi – đáp (được mã hóa để bảo mật) sẽ được đăng trên website này nhằm mục đích phổ biến kiến thức pháp luật phổ thông cho mọi người.  
Quí vị có thể click vào menu “Luật sư tư vấn” để tìm đọc thêm các vấn đề mà mình quan tâm.
Lưu ý: bài viết trên thuộc lĩnh vực “Lao động”

CÔNG TY LUẬT HỢP DANH ECOLAW – ĐỊA CHỈ TIN CẬY CỦA MỌI NGƯỜI

843 Lê Hồng Phong, P.12, Quận 10, TP. Hồ Chí Minh
Email: ecolaw1@gmail.com - website: www.ecolaw.vn