Tuesday, September 9, 2014

Áp dụng 4 ngày nghỉ định kỳ trong tháng như thế nào khi có ngày lễ và nghỉ thai sản?


Hỏi: Xin quí luật sư cho tôi hỏi về luật lao động : theo qui định tại điều 72 Bộ luật lao động (dưới đây) thì mỗi tháng người lao động được nghỉ định kỳ 4 ngày, vậy được áp dụng thế nào? Các ngày nghỉ lễ, nghỉ thai sản …vv có được tính là thời giờ nghi ngơi trong 4 ngày qui định của luật không? Ví dụ: trong 1 tháng người lao động phải được bố trí 4 ngày nghỉ định kỳ theo qui định, nhưng trong tháng đó lại có 1 ngày nghỉ lễ + 2 ngày nghỉ thai sản – sẽ có một số tình huống sau:

a/ Người đó phải được bố trí nghỉ cả 7 ngày (4 ngày nghỉ định ký + 1 ngày nghỉ lễ + 2 ngày nghỉ thai sản)


b/ Người đó được bố trí nghỉ 4 ngày (1 ngày nghỉ định kỳ + 1 ngày nghỉ lễ + 2 ngày thai sản) và được xem là đã có 4 ngày nghỉ ngơi tương ứng với 4 ngày nghỉ định kỳ.

Tôi tìm nhưng chưa thấy tài liệu nào nói rõ về vấn đề này. Kính mong các luật sư giải thích giúp. Ngoài ra tôi cũng xin hỏi là có thể “gộp” các ngày nghỉ lại với nhau hay không? Tôi xin chân thành cám ơn (Nguyen Ng. S)

Luật sư Trần Hồng Phong trả lời:

Bộ luật lao động (BLLĐ) qui định như sau:

Điều 72 : “Mỗi tuần NLĐ được nghỉ ít nhất 1 ngày, hoặc bình quân 1 tháng ít nhất 4 ngày (nếu không thể nghỉ hàng tuần)”.

Điều 73 : “NLĐ được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương đối với những ngày lễ. Nếu những ngày nghỉ đó trùng vào ngày nghỉ hàng tuần thì NLĐ được nghỉ bù vào ngày tiếp theo”.

Như vậy, công ty phải sắp xếp sao đó trên tinh thần bảo đảm trong 1 tháng NLĐ phải có ít nhất 4 ngày nghỉ (đây là ngày nghỉ “hàng tuần”/“cố định”). Những ngày nghỉ này không liên quan gì đến những ngày nghỉ khác như : lễ, tết…Nếu ngày lễ, tết trùng vào ngày nghỉ cố định thì (luật quy định) NLĐ sẽ được nghỉ bù vào ngày tiếp theo.

Ngoài ra, đối với lao động nữ thì còn có những qui định riêng ( như về nghỉ thai sản, chế độ khám thai, lao động nhẹ hơn trong thời kỳ mang thai …vv) – đây là những qui định bắt buộc phải thực hiện và là phần “cộng thêm” so với những qui định nói ở trên.

Như vậy, tóm lại là không có chuyện do các ngày nghỉ trùng nhau thì NLĐ bị “cắt” bớt ngày nghỉ nào đó mà luật qui định. Hay nói cách khác là phương án b do anh đưa ra là không đúng.

Lưu ý là nếu ngày nghỉ “đứt quãng”, chẳng hạn như thứ Hai nghỉ, thứ Ba đi làm, thứ Tư lại nghỉ thì hai bên (công ty và người lao động) có thể tự thỏa thuận (linh hoạt) bằng cách nghỉ “gộp”. Ví dụ: thay vì nghỉ thứ Hai, đi làm thứ Ba, tiếp đó nghỉ thứ Tư – thì có thể thỏa thuận nghỉ thứ Hai và thứ Ba, đi làm thứ Tư – miễn là vẫn bảo đảm được nghỉ đủ (không bị cắt xén). Thân mến. www.ecolaw.vn


Chuyên mục Luật sư tư vấn Ecolaw do các luật sư của công ty luật hợp danh Ecolaw thực hiện. Quí vị hãy gửi câu hỏi theo địa chỉ ecolaw2@gmail.com để được giải đáp hoàn toàn miễn phí – trừ trường hợp câu hỏi quá phức tạp hoặc không rõ ràng. Thông tin càng chi tiết, cụ thể - nội dung tư vấn càng chính xác, hiệu quả. Phần lớn các câu hỏi – đáp (được mã hóa để bảo mật) sẽ được đăng trên website này nhằm mục đích phổ biến kiến thức pháp luật phổ thông cho mọi người.  
Quí vị có thể click vào menu “Luật sư tư vấn” để tìm đọc thêm các vấn đề mà mình quan tâm.
Lưu ý: bài viết trên thuộc lĩnh vực “Lao động”

CÔNG TY LUẬT HỢP DANH ECOLAW – ĐỊA CHỈ TIN CẬY CỦA MỌI NGƯỜI

843 Lê Hồng Phong, P.12, Quận 10, TP. Hồ Chí Minh
Email: ecolaw1@gmail.com - website: www.ecolaw.vn