Tuesday, September 9, 2014

Bị đồng nghiệp vu khống, tôi phải làm gì để bảo vệ danh dự của mình?


Hỏi: Thưa luật sư, tôi là một nhân viên bán hàng trong một trung tâm thương mại. Vừa qua có một sự việc xảy ra với tôi,và những người đồng nghiệp làm chung với tôi.

Hôm đó tôi bán hàng, và chiều ngày hôm đó có 1 trong những người khách lúc sáng tôi bán quay lại trả hàng, tôi lấy lại hàng và trả lại tiền cho người ta, có bằng chứng là tờ hoá đơn trả hàng. Nhưng những người đồng nghiệp của tôi (trong thời gian qua ăn chặn hàng sale của khách hàng làm ảnh hưởng đến công ty và cũng đã biết tôi biết việc làm sai trái của họ), nên khi tôi trả hàng lại cho khách, cả 3 người khi tôi hết ca đi về, người làm chung với tôi còn ở lại, cùng bàn bạc với 2 người làm ca sau, bỏ hết chứng cứ và tạo hiện trường giả để đổ tội cho tôi là ăn cắp, xúc phạm đến danh dự và nhân phẩm của tôi.


Khi đưa về công ty, công ty đã xác định sự việc (tôi trả hàng lại cho khách là có, tôi đã nhận lỗi với công ty và được công ty nói đó là sai sót của tôi, và tôi không ăn cắp hàng như những người kia nói) và nói là hành động lấy tiền của khách của 3 người kia là nghiêm trọng, họ ăn chặn số tiền đó tự chia nhau mà không trả về công ty là đáng tội. Nhưng họ cho là việc đó không quan trọng và vẫn 1 mực quay qua buộc tội tôi, nói cho nhiều người biết nhằm làm nhục nhân phẩm của tôi, chà đạp danh dự tôi.

Qua sự việc tôi kể trên, tôi xin luật sư tư vấn cho tôi được biết, tôi phải làm gì để đòi lại công bằng cho mình, và cho 3 người đó biết việc làm sai của mình để sửa đổi, và nhận việc vu khống tôi là sai, phải xin lỗi tôi. Tôi xin luật sư hãy chỉ, nói rõ và giúp tôi đòi lại công bằng. Xin chân thành cảm ơn (Truong Th)

Luật sư Trần Hồng Phong trả lời:

Danh dự, uy tín cá nhân được pháp luật bảo vệ. Khi một cá nhân bị người khác có hành vi nói xấu, đặt điều không đúng sự thật làm ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của mình – đây là hành vi vi phạm pháp luật, thì người đó có quyền yêu cầu người vi phạm chấm dứt hành vi vi phạm, xin lỗi.

Ở mức độ nghiêm trọng hơn, nếu người vi phạm cố tình bịa đặt, loan truyền những điều mà mình biết rõ là bịa đặt, nhằm xúc phạm danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác thì thậm chí còn có dấu hiệu hình sự, phạm vào tội “vu khống”, có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự, phạt tù – theo qui định tại Điều 122 Bộ luật hình sự.

Như vậy, nếu những điều bạn trình bày là chính xác, thì trước hết bạn nên nhờ Ban giám đốc công ty xác nhận (bằng văn bản) là bạn không có hành vi “ăn cắp” như 3 người đồng nghiệp của bạn bịa đặt ra. Sau đó, bạn trực tiếp gặp và đề nghị ba người này phải xin lỗi bạn và hứa sẽ không đặt điều, nói xấu như vậy nữa. Đồng thời cam kết sẽ “thông báo” cho mọi người là mình đã nói không đúng sự thật và đã xin lỗi bạn. Nếu 3 người này vẫn tiếp tục nói xấu như vậy thì bước đầu bạn có thể làm đơn tố cáo gửi tới Ban giám đốc công ty, yêu cầu xử lý kỷ luật, có biện pháp nhắc nhở, chấn chỉnh.

Nếu công ty không giải quyết (đề nghị bạn chuyển đơn tới cơ quan Nhà nước có thẩm quyền) và họ vẫn cố tình không xin lỗi thì bạn có thể chọn biện pháp cứng rắn nhất là làm đơn tố cáo gửi tới Cơ quan công an tại địa phương nơi 3 người đó cư trú ( Công an cấp quận/huyện) – tố cáo và đề nghị khởi tố vụ án hình sự, truy cứu trách nhiệm hình sự đối với 3 người trên về hành vi vu khống.

Tuy nhiên, theo tôi nghĩ thì bạn cũng không nhất thiết phải quá cứng nhắc, mà nên giải quyết trên tinh thần nhẹ nhàng nhưng cương quyết. Phân tích rõ cho họ thấy hành vi đặt điều nói xấu người khác như vậy là hoàn toàn trái pháp luật - ở mức độ nghiêm trọng. Bạn cũng có thể dùng ý kiến tư vấn này gửi đến 3 người đồng nghiệp “nói xấu” của mình, yêu cầu họ suy nghĩ và xin lỗi. Chúc bạn giải quyết tốt đẹp sự việc. www.ecolaw.vn

-------------------------------------------------------

Qui định của pháp luật:

Tội vu khống

1. Người nào bịa đặt, loan truyền những điều biết rõ là bịa đặt nhằm xúc phạm danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác hoặc bịa đặt là người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ một năm đến bảy năm:
a) Có tổ chức;
b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
c) Đối với nhiều người;
d) Đối với ông, bà, cha, mẹ, người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục, chữa bệnh cho mình;
đ) Đối với người thi hành công vụ;
e) Vu khống người khác phạm tội rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng.
3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ một triệu đồng đến mười triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.

(Điều 122 Bộ luật hình sự)


Chuyên mục Luật sư tư vấn Ecolaw do các luật sư của công ty luật hợp danh Ecolaw thực hiện. Quí vị hãy gửi câu hỏi theo địa chỉ ecolaw2@gmail.com để được giải đáp hoàn toàn miễn phí – trừ trường hợp câu hỏi quá phức tạp hoặc không rõ ràng. Thông tin càng chi tiết, cụ thể - nội dung tư vấn càng chính xác, hiệu quả. Phần lớn các câu hỏi – đáp (được mã hóa để bảo mật) sẽ được đăng trên website này nhằm mục đích phổ biến kiến thức pháp luật phổ thông cho mọi người.  
Quí vị có thể click vào menu “Luật sư tư vấn” để tìm đọc thêm các vấn đề mà mình quan tâm.
Lưu ý: bài viết trên thuộc lĩnh vực “Hành chính – Hình sự”

CÔNG TY LUẬT HỢP DANH ECOLAW – ĐỊA CHỈ TIN CẬY CỦA MỌI NGƯỜI

843 Lê Hồng Phong, P.12, Quận 10, TP. Hồ Chí Minh
Email: ecolaw1@gmail.com - website: www.ecolaw.vn