Thursday, August 7, 2014

Thông báo trả đơn khởi kiện

Nói chung, khi trong cuộc sống xảy ra những vấn đề tranh chấp (giữa cá nhân – cá nhân, cá nhân – tổ chức …) thì bên cho rằng quyền lợi của mình bị xâm phạm có quyền và thường nhờ pháp luật giải quyết bằng cách gửi Đơn khởi kiện đến tòa án.

Tuy nhiên, không phải bất kỳ tranh chấp nào cũng thuộc thẩm quyền giải quyết (xét xử) của tòa án. Tòa án chỉ nhận đơn khởi kiện khi vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án. Những vụ việc, tranh chấp nào thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án được ghi rõ trong Bộ luật tố tụng dân sự, tố tụng hành chính… Vì vậy, nếu tòa án xác định rằng đơn kiện không thuộc thẩm quyền của mình thì tòa sẽ từ chối việc thụ lý bằng cách ban hành một văn bản có tên là “Thông báo trả đơn kiện” gửi cho đương sự.


Dưới đây là một Thông báo trả đơn kiện do TAND Quận 5 TP.Hồ Chí Minh ban hành.





Phân tích pháp lý của luật sư Trần Hồng Phong :

1. Việc trả lại đơn khởi kiện được qui định tại điều 168 Bộ luật tố tụng dân sự. Theo đó, Toà án trả lại đơn khởi kiện trong các trường hợp sau đây:

a) Thời hiệu khởi kiện đã hết;

b) Người khởi kiện không có quyền khởi kiện hoặc không có đủ năng lực hành vi tố tụng dân sự;

c) Sự việc đã được giải quyết bằng bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Toà án hoặc quyết định đã có hiệu lực của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, trừ trường hợp vụ án mà Toà án bác đơn xin ly hôn, xin thay đổi nuôi con, thay đổi mức cấp dưỡng, mức bồi thường thiệt hại hoặc vụ án đòi tài sản cho thuê, cho mượn, đòi nhà cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ mà Toà án chưa chấp nhận yêu cầu do chưa đủ điều kiện khởi kiện;

d) Hết thời hạn được thông báo quy định tại khoản 2 Điều 171 Bộ luật tố tụng dân sự mà người khởi kiện không đến Toà án làm thủ tục thụ lý vụ án, trừ trường hợp có lý do chính đáng;

đ) Chưa có đủ điều kiện khởi kiện;

e) Vụ án không thuộc thẩm quyền giải quyết của Toà án.

Khi trả lại đơn khởi kiện, Toà án phải có văn bản kèm theo ghi rõ lý do trả lại đơn khởi kiện.

2. Theo đó, có thể thấy có khá nhiều trường hợp tòa án trả lại đơn kiện, mà nội dung sự việc ghi trong Thông báo ở trên là một ví dụ. Đó là việc một đương sự nộp đơn kiện, yêu cầu một trường đại học (nơi đương sự này học) phải cấp bằng đại học chính qui cho mình. Theo chúng toy được biết thì trường chỉ cấp bằng tại chức. Trong trường hợp này, về nguyên tắc người sinh viên này phải khiếu nại trường trước. Sau đó, nếu trường vẫn không giải quyết hoặc giải quyết không thỏa đáng thì gửi Đơn khiếu nại lên Bộ giáo dục và đào tạo… Vì mâu thuẫn giữa hai bên không hay đúng hơn là “chưa” phải là một “tranh chấp dân sự”.

3. Tuy nhiên, không phải bao giờ việc Tòa trả lại đơn kiện cũng là đúng. Trên thực tế có rất nhiều trường hợp tòa án đã trả lại đơn kiện sai luật. Về lý do thì rất nhiều, nhưng chủ yếu là do trình độ, cách đánh giá của bộ phận thụ lý đơn “có vấn đề”. Chính vì vậy, luật cũng qui định đương sự có quyền khiếu nại về việc trả lại đơn khởi kiện. Theo đó, trong thời hạn ba ngày làm việc kể từ ngày nhận được đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ kèm theo do Toà án trả lại, người khởi kiện có quyền khiếu nại với Chánh án Toà án đã trả lại đơn khởi kiện.

4. Trong thời hạn ba ngày làm việc kể từ ngày nhận được khiếu nại về việc trả lại đơn khởi kiện, Chánh án Toà án phải ra một trong các quyết định sau đây: Giữ nguyên việc trả lại đơn khởi kiện; hoặc nhận lại đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ kèm theo để tiến hành việc thụ lý vụ án. Trên thực tế, công ty luật hợp danh Ecolaw đã nhiều lần khiếu nại về việc Tòa trả lại đơn khởi kiện và việc khiếu nại thành công.

5. Tuy vậy, “sợ” nhất là gặp phải những trường hợp Tòa cương quyết trả lại đơn và đương sự ( người có quyền lợi bị xâm hại) không biết phải khiếu nại hay nộp đơn ở đâu. Vì cơ quan nào cũng từ chối, chỉ qua chỉ lại. Chính vì hệ thống pháp luật của Việt Nam chưa đầy đủ, còn khiếm khuyết rất nhiều, nên việc không biết kiện ở đâu, không có cơ quan nào nhận giải quyết là chuyện khá … bình thường ! Chẳng hạn hiện nay, Hiến pháp qui định công dân có quyền biểu tình, nhưng nếu ai biểu tình thì sẽ bị công an ngăn cản, bị cấm hoặc thậm chí bị bắt. Nhưng nếu khiếu nại thì chẳng cơ quan nào giải quyết.