Thursday, August 7, 2014

Quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung

Trong giai đoạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm trong một vụ án hình sự, nếu sau khi nghiên cứu hồ sơ vụ án và nhận thấy hồ sơ chưa đầy đủ, cần phải xem xét thêm một số vấn đề liên quan … thì vị thẩm phán ( người được phân công xét xử) có thể trả hồ sơ về cho Viện kiểm sát để điều tra bổ sung. Việc này được thực hiện thông qua một văn bản tố tụng gọi là “Quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung”.

Dưới đây là một Quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung của TAND Quận 10, TP. Hồ Chí Minh.






-----------------------------------------------

Phân tích pháp lý của luật sư Trần Hồng Phong:

1. Theo qui định tại Bộ luật tố tụng hình sự, một vụ án hình sự thông thường trải qua 4 giai đoạn cơ bản gồm: khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và thụ hình. Sau khi kết thúc điều tra (do cơ quan công an thực hiện), hồ sơ vụ án được chuyển qua Viện Kiểm Sát Nhân Dân cùng cấp để nơi đây ra bản Cáo Trạng (văn bản kết tội, đưa ra truy tố bị can). Sau đó, hồ sơ sẽ được chuyển sang Tòa án để chuẩn bị xét xử.

2. Tại Tòa án, trước khi đưa vụ án ra xét xử, thẩm phán sẽ nghiên cứu hồ sơ, xem hồ sơ đã hoàn chỉnh, OK chưa. Nếu “không còn gì để nói nữa” thì Tòa án sẽ ra Quyết định đưa vụ án ra xét xử.

3. Tuy nhiên, tại Điều 179 Bộ luật tố tụng hình sự qui định về trường hợp trả hồ sơ để điều tra bổ sung như sau:

1. Thẩm phán ra quyết định trả hồ sơ cho Viện kiểm sát để điều tra bổ sung trong những trường hợp sau đây:
a) Khi cần xem xét thêm những chứng cứ quan trọng đối với vụ án mà không thể bổ sung tại phiên tòa được;
b) Khi có căn cứ để cho rằng bị cáo phạm một tội khác hoặc có đồng phạm khác;
c) Khi phát hiện có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng.
Những vấn đề cần điều tra bổ sung phải được nêu rõ trong quyết định yêu cầu điều tra bổ sung.

2. Nếu kết quả điều tra bổ sung dẫn tới việc đình chỉ vụ án thì Viện kiểm sát ra quyết định đình chỉ vụ án và thông báo cho Tòa án biết.

Trong trường hợp Viện kiểm sát không bổ sung được những vấn đề mà Tòa án yêu cầu bổ sung và vẫn giữ nguyên quyết định truy tố thì Tòa án vẫn tiến hành xét xử vụ án.

4. Cần lưu ý là sau khi Tòa án trả hồ sơ về cho Viện Kiểm Sát. Viện Kiểm Sát không phải là nơi có thẩm quyền bổ sung những nội dung mà Tòa án yêu cầu mà phải chuyển tiếp về cơ quan công an – là nơi có trách nhiệm điều tra. Theo đó, cơ quan công an sẽ tiến hành điều tra những nội dung mà Tòa án yêu cầu và ra một văn bản bổ sung Bản kết luận điều tra trước đó của mình. Rồi hồ sơ sẽ được chuyển lại lên Viện Kiểm Sát. Để Viện Kiểm Sát bổ sung những nội dung mới điều tra thêm vào bản Cáo Trạng của mình, rồi chuyển lên Tòa án lần thứ hai.

5. Luật không qui định rõ là Tòa án có quyền trả hồ sơ bao nhiêu lần là tối đa. Do vậy, có không ít vụ án Tòa đã trả hồ sơ nhiều lần.

6. Tuy nhiên luật hiện nay không qui định nếu Viện Kiểm Sát hay Công an “không thèm” thực hiện yêu cầu bổ sung của Tòa án hay nói chính xác hơn là không thèm làm hết trách nhiệm đối với yêu cầu của Tòa án thì sẽ bị chế tài gì, cho nên có không ít vụ án hồ sơ cứ bị chuyển lên trả xuống nhiều lần mà chẳng được bổ sung gì thêm. Ví dụ như vụ án Nhà báo Hoàng Hùng bị vợ đốt, mặc dù Tòa án đã trả hồ sơ, yêu cầu bổ sung tình tiết có đồng phạm hay không. Nhưng phía Viện Kiểm Sát và công an hầu như chẳng bổ sung gì thêm. Nên cuối cùng tòa đành chịu, vẫn phải xử theo bản Cáo Trạng của Viện Kiểm Sát. Theo tôi, đây là một “lỗ hổng” trong luật tố tụng hình sự ở Việt Nam. Vì đã giao quyền hành quá lớn (và lại không bị ai giám sát) cho cơ quan công an.

 ----------------------------------------------------

Bài liên quan:

 Vụ học sinh chết oan và “kẽ hở” trong pháp luật hình sự