Thursday, August 7, 2014

Quyết định hoãn phiên tòa

Quyết định hoãn phiên tòa là một văn bản tố tụng, do chủ tọa phiên tòa thay mặt hội đồng xét xử ký ban hành, sau khi Hội đồng xét xử xem xét các tình huống thực tế ngay trước khi xét xử hoặc thậm chí ngay trong phiên tòa xét xử - đối chiếu với các qui định tại Bộ luật tố tụng dân sự về việc hoãn phiên tòa.

Dưới đây là một quyết định hoãn phiên tòa (phiên tòa phúc thẩm) do TAND tỉnh Đồng Nai ban hành.







------------------------------------------
Phân tích pháp lý của luật sư Trần Hồng Phong:


1. Theo qui định tại Bộ luật tố tụng dân sự, có rất nhiều trường hợp/tình huống có thể dẫn đến việc hoãn phiên tòa. Chẳng hạn như:
- Trong trường hợp phải thay đổi những người tiến hành tố tụng như : Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, Thư ký Toà án, Kiểm sát viên – do vi phạm các qui định của pháp luật và đương sự đề nghị, phát hiện.

- Trong trường hợp phải thay đổi người giám định, người phiên dịch.

- Vắng mặt nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan, người kháng cáo … - nếu việc vắng mặt này là “lần thứ nhất” và có lý do chính đáng.

- Vắng mặt người bảo vệ quyền lợi (luật sư) - nếu việc vắng mặt này là “lần thứ nhất” và có lý do chính đáng. Đây là tình huống cũng thường gặp. Chẳng hạn luật sư có thể bị “trùng” lịch xét xử với một vụ án khác. Trong trường hợp này luật sư có quyền gửi đơn xin hoãn phiên tòa.

- Sự vắng mặt của nhân chứng cũng có thể dẫn đến việc hoãn phiên tòa. Nếu sự có mặt của nhân chứng tại phiên tòa là quan trọng, cần thiết.

2. Thời hạn hoãn phiên toà nói chung không quá 30 ngày, kể từ ngày ra quyết định hoãn phiên toà.

3. Quyết định hoãn phiên toà phải có các nội dung chính sau đây: a) Ngày, tháng, năm ra quyết định; b) Tên Toà án và họ, tên những người tiến hành tố tụng; c) Vụ án được đưa ra xét xử; d) Lý do của việc hoãn phiên toà; đ) Thời gian, địa điểm mở lại phiên toà.

4. Quyết định hoãn phiên toà phải được chủ toạ phiên toà thay mặt Hội đồng xét xử ký tên và thông báo công khai cho những người tham gia tố tụng biết; đối với người vắng mặt thì Toà án gửi ngay cho họ quyết định đó, đồng thời gửi cho Viện kiểm sát cùng cấp.

5. Trên thực tế, có không ít đương sự/luật sư đã vận dụng một cách “linh hoạt” và “sáng tạo” những qui định nêu trên để kéo dài thời gian xét xử, có thêm thời gian chuẩn bị chứng cứ, theo hướng có lợi cho mình.

6. Tuy nhiên, chính vì việc hoãn phiên tòa có phần khá “thoáng” như vậy, nên không ít phiên tòa, vì nhiều lý do, cứ phải hoãn đi, hoãn lại thậm chí cả chục lần, gây khó khăn, bức xúc cho nhiều người. Nói chung, nếu ai đã “vô phúc đáo tụng đình”, thì cần phải chấp nhận việc mình là nạn nhân của việc hoãn phiên tòa như là “một phần tất yếu của cuộc sống”.