Khi có căn cứ hoặc tự cho rằng vụ án mà mình đang phụ trách giải quyết không thuộc thẩm quyền của Tòa án này, thẩm phán phụ trách vụ án sẽ ra một văn bản tố tụng có tên gọi là Quyết định chuyển hồ sơ vụ án, theo đó chuyển hồ sơ vụ án sang Tòa án khác để tiếp tục giải quyết.
Dưới đây là một Quyết định chuyển hồ sơ vụ án của TAND Quận 3 TP.HCM trong một vụ án dân sự.
------------------------------------------------------
Phân tích pháp lý của luật sư Trần Hồng Phong:
1. Về nguyên tắc, quyết định chuyển hồ sơ vụ án nếu thực sự có căn cứ, đúng luật thì đây là điều cần thiết. Vì nếu Tòa xét xử, tuyên án nhưng sau này phát hiện ra là tòa không có thẩm quyền thụ lý giải quyết, thì bản án sẽ bị hủy vì vi phạm tố tụng, xem như vụ án phải trở lại từ đầu, rất mất thời gian.
2. Trên thực tế, quá trình chuyển hồ sơ vụ án thường làm “phát sinh” thêm nhiều vấn đề phiền phức và làm cho quá trình giải quyết vụ án kéo dài thêm ít nhất nửa năm trời. Do vậy, giá chi mà Tòa thụ lý đúng hoặc hướng dẫn ngay từ đầu thì sẽ đỡ khổ cho đương sự biết bao nhiêu.
3. Tuy nhiên, cũng không loại trừ trường hợp tòa ra quyết định chuyển hồ sơ vụ án vì những lý do “tế nhị” hay thậm chí có yếu tố tiêu cực. Bản thân tôi đã và đang tham gia một vụ án dân sự mà chỉ riêng quá trình chuyển hồ sơ vụ án đã “tiêu tốn” hết mấy năm trời. Ban đầu tòa án quận Gò Vấp (TP.HCM) thụ lý và xét xử sơ thẩm. Sau đó Tòa án TP.HCM xét xử phúc thẩm tuyên hủy án sơ thẩm trả về cho tòa Gò vấp xét xử lại. Chưa xử, tòa Gò Vấp chuyển qua tòa quận 3. Rồi tòa quận 3 chuyển qua tòa quận Phú Nhuận. Rồi tòa quận Phú Nhuận chuyển về lại tòa quận 3. Rồi tòa quận 3 chuyển lên tòa Thành phố. Tới nay, đã trên 5 năm trôi qua, đương sự đã đẻ thêm 2 đứa con, đi mòn 5 đôi dép. Mà vụ án vẫn chưa xét xử xong và thậm chí còn có khả năng hủy án lần nữa. Bó tay ! May quá đương sự thông cảm chưa đến nỗi "đuổi" luật sư.
4. Ngay như trong vụ án đề cập trong quyết định trong bài viết này. Ban đầu tòa quận 3 thụ lý, rồi ra quyết định chuyển hồ sơ qua tòa quận 1. Rồi tòa quận 1 chuyển lại về tòa quận 3. Rồi nay tòa quận 3 lại chuyển về lại tòa quận 1. Các tòa cứ “đá bóng” ầm ầm như vậy. Mặc cho đương sự gặp biết bao phiền phức, khó khăn, tốn kém. Vẫn biết rằng cuối cùng sẽ biết có người chuyển đúng, tức là có người chuyển sai. Nhưng chắc chắn sẽ chẳng có thẩm phán nào phải chịu trách nhiệm, phải bồi thường cho những thiệt hại mà mình đã gây ra cho đương sự do chuyển sai. Đó là “kẽ hở” của pháp luật vậy.
5. Rồi cũng có trường hợp Tòa chuyển hồ sơ vụ án vì “mắc lừa” một bên đương sự. Một trong những chiêu “phá” án, kéo dài thời gian giải quyết vụ án là làm sao để tòa ra quyết định chuyển hồ sơ vụ án. Vì vậy, các đương sự thường sẽ tìm ra những lý do đôi khi rất kỳ lạ để đề nghị tòa chuyển hồ sơ vụ án. Rất “nhức đầu” cho bên kia.
6. Theo qui định tại Bộ luật tố tụng dân sự, thời gian giải quyết một vụ án là khoảng 4 tháng. Án quá 4 tháng chưa giải quyết xong sẽ được gọi là “án quá hạn”. Hiện nay, hầu như 90% vụ án đều quá hạn. Giải quyết vấn nạn này như thế nào là câu hỏi chưa có lời giải đáp.
-------------------------------------------
Bài liên quan:
Đơn khiếu nại quyết định chuyển hồ sơ vụ án