Friday, August 1, 2014

Qui định về kinh doanh dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài

Ls. Trần Hồng Phong giới thiệu

Nghị định 126/2007/NĐ-CP  và Thông tư số 21/2007/TT-BLĐTBXH qui định về doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Đây là các văn bản hướng dẫn thi hành Luật người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (năm 2006).

Ngày càng có nhiều người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài (ảnh minh họa)

Qui định chung

Hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài là ngành, nghề kinh doanh có điều kiện. Doanh nghiệp chỉ được phép hoạt động khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp “Giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài” (Giấy phép).

Doanh nghiệp được cấp Giấy phép phải trực tiếp tổ chức hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Nói nôm na là không giao cho người khác làm thay.

Về nguồn vốn: 100% vốn điều lệ của doanh nghiệp phải là của các tổ chức, cá nhân Việt Nam. Tức là nhà đầu tư nước ngoài không được tham gia hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực này.

Những khu vực, ngành nghề và công việc bị cấm đưa đi làm việc ở nước ngoài gồm:

- Khu vực có chiến sự hoặc có nguy cơ xảy ra chiến sự, khu vực bị nhiễm xạ, khu vực bị nhiễm độc, khu vực đang có dịch bệnh đặc biệt nguy hiểm.

- Khu vực mà nước tiếp nhận lao động cấm người lao động nước ngoài đến làm việc.

- Những nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm không phù hợp với thể trạng của người Việt Nam; công việc ảnh hưởng đến thuần phong mỹ tục của Việt Nam thuộc Danh mục cấm quy định kèm theo Nghị định 126/2007.

1. Điều kiện để được cấp Giấy phép:

Điều kiện để doanh nghiệp được cấp Giấy phép là:

- Có “Đề án” hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài;

- Có bộ máy chuyên trách để bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho người lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài và hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài - theo quy định của Bộ LĐTBXH. (Nếu là doanh nghiệp lần đầu tham gia hoạt động trong lĩnh vực này thì phải có phương án tổ chức bộ máy chuyên trách).

- Người lãnh đạo điều hành hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài phải có trình độ từ đại học trở lên, có ít nhất 3 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực này.

- Có 1 tỷ đồng - tiền ký quỹ tại Ngân hàng thương mại nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính.

- Vốn pháp định: 05 tỷ đồng.

2. Hồ sơ cấp Giấy phép:

Hồ sơ nộp tại Cục Quản lý lao động ngoài nước (thuộc Bộ LĐTBXH), gồm:

- Văn bản đề nghị cấp Giấy phép của doanh nghiệp (theo mẫu).

- Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh;

- Giấy tờ chứng minh đủ điều kiện về vốn theo quy định;

- Giấy xác nhận ký quỹ của ngân hàng thương mại nơi doanh nghiệp ký quỹ;

- Đề án hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo quy định. (xem nội dung đề án ở mục sau)

- Sơ yếu lý lịch của người lãnh đạo điều hành hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài kèm theo giấy tờ chứng minh đủ điều kiện.

- Phương án tổ chức (đối với doanh nghiệp lần đầu tham gia hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài) hoặc báo cáo về tổ chức bộ máy hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài và bộ máy bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho người lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài;

- Danh sách trích ngang cán bộ chuyên trách trong bộ máy hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, gồm các nội dung: họ tên, ngày tháng năm sinh, chức vụ, trình độ chuyên môn, trình độ ngoại ngữ, nhiệm vụ được giao.

3. Nội dung đề án hoạt động:

Đề án phải bao gồm những nội dung sau đây:

- Tên giao dịch, địa chỉ giao dịch, loại hình doanh nghiệp, ngành nghề kinh doanh, vốn và cơ cấu vốn, chủ sở hữu doanh nghiệp hoặc người đại diện doanh nghiệp theo ủy quyền, vốn, tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp (nếu là doanh nghiệp đang hoạt động).

- Phương án tổ chức bộ máy hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.

- Dự kiến thị trường đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, ngành nghề đưa lao động đi, địa bàn tuyển chọn lao động.

- Phương án tuyển chọn người lao động, bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho người lao động, quản lý người lao động làm việc ở nước ngoài.

- Phương án tài chính để thực hiện hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.

4. Thời hạn giải quyết:

30 ngày - kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ. Lệ phí cấp giấy phép: 05 triệu đồng.

Trường hợp không cấp Giấy phép, Bộ trưởng Bộ LĐTBXH phải trả lời và nêu rõ lý do bằng văn bản.

Trong 10 ngày kể từ ngày được cấp Giấy phép doanh nghiệp công bố và niêm yết công khai bản sao Giấy phép tại trụ sở chính của doanh nghiệp.

5. Quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp dịch vụ

a) Quyền :

- Thực hiện hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài; tổ chức tuyển chọn người lao động tại các địa phương;

- Ký kết Hợp đồng cung ứng lao động với bên nước ngoài, Hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài với người lao động, Hợp đồng bảo lãnh với người bảo lãnh trước khi người lao động đi làm việc ở nước ngoài;

- Thỏa thuận với người lao động về việc ký quỹ, giới thiệu người bảo lãnh;

- Yêu cầu người lao động hoặc người bảo lãnh bồi thường thiệt hại do người lao động gây ra theo quy định của pháp luật;

- Đơn phương thanh lý Hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài sau khi doanh nghiệp đã ba lần thông báo bằng thư bảo đảm trong thời gian một trăm tám mươi ngày, kể từ ngày người lao động chấm dứt Hợp đồng lao động, mà người lao động hoặc người được uỷ quyền hợp pháp của người lao động không đến thanh lý hợp đồng;

- Khiếu nại, khởi kiện về các quyết định hoặc hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.

b) Nghĩa vụ:

- Đăng ký Hợp đồng cung ứng lao động với cơ quan có thẩm quyền (xem phần sau).

- Trực tiếp tuyển chọn người lao động và không được thu phí tuyển chọn của người lao động. Khi tuyển chọn lao động tại địa phương, doanh nghiệp phải thông báo với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội; định kỳ sáu tháng, một năm báo cáo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội về kết quả tuyển chọn và số lượng người lao động của địa phương đã được đưa đi làm việc ở nước ngoài;

- Phối hợp với chính quyền địa phương thông báo công khai, cung cấp cho người lao động đầy đủ các thông tin về số lượng, tiêu chuẩn tuyển chọn và các điều kiện của Hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài;

- Tổ chức bồi dưỡng kiến thức cần thiết, tổ chức hoặc liên kết với cơ sở dạy nghề, cơ sở đào tạo để dạy nghề, bổ túc tay nghề, ngoại ngữ cho người lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài phù hợp với yêu cầu của từng thị trường lao động;

- Tổ chức quản lý, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động do doanh nghiệp đưa đi làm việc ở nước ngoài;

- Phối hợp với bên nước ngoài giải quyết các vấn đề phát sinh khi người lao động chết, bị tai nạn lao động, tai nạn rủi ro, bị bệnh nghề nghiệp, bị xâm hại tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản và giải quyết tranh chấp liên quan đến người lao động;

- Báo cáo và phối hợp với cơ quan đại diện ngoại giao, lãnh sự Việt Nam ở nước ngoài quản lý và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động trong thời gian làm việc ở nước ngoài;

- Bồi thường cho người lao động, người bảo lãnh về những thiệt hại do doanh nghiệp gây ra theo quy định của pháp luật;

- Thanh lý Hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài với người lao động theo quy định của pháp luật;

- Đóng góp vào Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước theo quy định của Luật này;

- Định kỳ hằng năm, đột xuất báo cáo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về tình hình đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.

6. Tiền dịch vụ

Tiền dịch vụ là khoản chi phí ( không quá mức trần theo qui định) mà người lao động phải trả cho doanh nghiệp dịch vụ để thực hiện Hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.

- Doanh nghiệp dịch vụ thoả thuận với người lao động về việc thu tiền dịch vụ một lần trước khi người lao động xuất cảnh hoặc thu nhiều lần trong thời gian người lao động làm việc ở nước ngoài.

- Trong trường hợp người lao động đã nộp tiền dịch vụ cho cả thời gian làm việc theo hợp đồng mà phải về nước trước thời hạn không do lỗi của người lao động thì doanh nghiệp dịch vụ phải hoàn trả cho người lao động phần tiền dịch vụ theo tỷ lệ tương ứng với thời gian còn lại của Hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.

- Bộ LĐTBXH phối hợp với Bộ Tài chính quy định mức trần tiền dịch vụ.

7. Hồ sơ, thủ tục đăng ký Hợp đồng cung ứng lao động của doanh nghiệp dịch vụ:

a) Hồ sơ đăng ký Hợp đồng cung ứng lao động bao gồm:

- Bản đăng ký Hợp đồng cung ứng lao động (theo mẫu);

- Bản sao Hợp đồng cung ứng lao động, có bản dịch bằng tiếng Việt;

- Tài liệu chứng minh việc đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài phù hợp với pháp luật của nước tiếp nhận lao động, có bản dịch bằng tiếng Việt;

- Phương án thực hiện Hợp đồng cung ứng lao động;

- Các tài liệu khác có liên quan đối với từng thị trường theo quy định.

b) Thủ tục đăng ký:

- Nộp hồ sơ đăng ký tại Cục Quản lý lao động ngoài nước. Cục sẽ trả lời bằng văn bản trong vòng 10 ngày. (Nếu không chấp thuận phải nêu rõ lý do).



Ngày càng có nhiều người Việt Nam đi lao động ở nước ngoài (ảnh minh họa)

----------------------

Tuyển chọn và quản lý lao động  

Thông tư số 21/2007/TT-BLĐTBXH qui định về việc tuyển chọn người lao động đi làm việc ở nước ngoài như sau:

a) Khi tổ chức tuyển chọn lao động, doanh nghiệp phải niêm yết công khai tại trụ sở chính các nội dung: số lượng người lao động cần tuyển, giới tính, độ tuổi, công việc mà người lao động sẽ đảm nhận, nơi làm việc, thời hạn hợp đồng, điều kiện về sức khoẻ, tay nghề, ngoại ngữ, các khoản chi phí người lao động phải đóng góp để đi làm việc ở nước ngoài, các quyền và nghĩa vụ cơ bản của người lao động trong thời gian làm việc ở nước ngoài.

b) Khi tuyển chọn lao động ở địa phương, doanh nghiệp phải xuất trình Giấy phép và thông báo với Sở LĐTBXH, chính quyền cấp huyện, xã nơi tuyển chọn lao động về kế hoạch và các điều kiện tuyển chọn lao động.

c) Doanh nghiệp dịch vụ phải cam kết với người lao động về thời gian chờ xuất cảnh sau khi người lao động trúng tuyển đi làm việc ở nước ngoài.

Trong thời gian doanh nghiệp dịch vụ đã cam kết, nếu người lao động không có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài nữa thì doanh nghiệp dịch vụ phải trả lại hồ sơ cho người lao động và người lao động phải chịu các khoản chi phí mà doanh nghiệp dịch vụ đã chi (nếu có) để làm thủ tục cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài, gồm: chi phí làm hồ sơ, khám sức khỏe, học phí bồi dưỡng kiến thức cần thiết, chi phí tài liệu học tập, ăn, ở trong thời gian đào tạo bồi dưỡng kiến thức cần thiết, chi phí làm thủ tục nhập cảnh (visa).

Nếu quá thời gian đã cam kết mà doanh nghiệp dịch vụ vẫn chưa đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài thì phải thông báo rõ lý do cho người lao động. Trường hợp người lao động không có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài nữa thì trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày người lao động thông báo không có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài, doanh nghiệp dịch vụ phải hoàn trả cho người lao động hồ sơ, các khoản chi phí mà người lao động đã nộp cho doanh nghiệp, gồm: chi phí làm hồ sơ, học phí bồi dưỡng kiến thức cần thiết, chi phí làm thủ tục nhập cảnh (visa), vé máy bay, tiền dịch vụ, tiền môi giới và làm thủ tục hoàn trả tiền ký quỹ cho người lao động.

Ký Hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài:

a) Doanh nghiệp dịch vụ ký hợp đồng với người lao động ít nhất 5 ngày trước khi người lao động xuất cảnh và chịu trách nhiệm quản lý hồ sơ của người lao động;

b) Doanh nghiệp dịch vụ chỉ được thu tiền dịch vụ và tiền môi giới của người lao động sau khi ký Hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài với người lao động và người lao động được phía nước ngoài chấp nhận vào làm việc hoặc cấp thị thực nhập cảnh (visa).

Thanh lý Hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài:

a) Việc thanh lý Hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài ký giữa doanh nghiệp dịch vụ, tổ chức sự nghiệp với người lao động phải được lập thành văn bản;

b) Văn bản thanh lý hợp đồng phải có các nội dung: lý do chấm dứt hợp đồng, việc thực hiện nghĩa vụ của các bên, các khoản thanh toán giữa doanh nghiệp dịch vụ, tổ chức sự nghiệp và người lao động, các nội dung khác mà hai bên đã thỏa thuận;

c) Trường hợp doanh nghiệp dịch vụ đơn phương thanh lý hợp đồng thì biên bản thanh lý hợp đồng phải có các nội dung: lý do đơn phương thanh lý hợp đồng, việc thực hiện nghĩa vụ của các bên, các khoản thanh toán giữa doanh nghiệp dịch vụ và người lao động, các nội dung về bồi thường thiệt hại (nếu có) kèm theo chứng từ chứng minh nội dung thiệt hại;

d) Việc hoàn trả tiền ký quỹ của người lao động khi thanh lý Hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài thực hiện theo hướng dẫn của liên Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội - Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;
đ) Việc thanh lý Hợp đồng bảo lãnh khi thanh lý Hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài thực hiện theo hướng dẫn của liên Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội - Tư pháp.

Quản lý, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động:

a) Trong thời hạn mười lăm ngày kể từ ngày người lao động xuất cảnh đi làm việc ở nước ngoài, doanh nghiệp dịch vụ phải báo cáo danh sách người lao động làm việc ở nước ngoài theo mẫu tại Phụ lục số 09 kèm theo Thông tư này với Cơ quan đại diện ngoại giao, lãnh sự Việt Nam ở nước sở tại;

b) Doanh nghiệp dịch vụ có trách nhiệm cử cán bộ quản lý tại các nước, khu vực doanh nghiệp đưa nhiều người lao động sang làm việc hoặc tại những thị trường lao động đặc thù theo quy định của Cục Quản lý lao động ngoài nước;

c) Doanh nghiệp dịch vụ có trách nhiệm theo dõi, giám sát việc thực hiện Hợp đồng lao động giữa người lao động và người sử dụng lao động, giải quyết kịp thời các phát sinh vượt quá khả năng tự giải quyết của người lao động hoặc khi người lao động yêu cầu trợ giúp.

-------------------------------

Cơ sở pháp lý: