Friday, August 1, 2014

Điều kiện và thủ tục xin định cư tại Đức


Mùa thu nước Đức

Luật sư Tố Nga giới thiệu

(Ecolaw.vn) – Nếu quí vị có ý định định cư hoặc vào sống trong thời gian dài tại Cộng hòa liên bang Đức (gọi chung là xin cấp visa dài hạn tại), thì nên tìm hiểu về những qui định cơ bản dưới đây. Nơi nhận hồ sơ, giải quyết: Đại sứ quán Đức tại Hà Nội

1. Các trường hợp xin thị thực dài hạn hoặc định cư tại Đức:

Chính phủ Cộng hòa liên bang Đức qui định những trường hợp sau đây cần xin cấp thị thực dài hạn:

- Đoàn tụ gia đình.

- Đi du học.

- Đi trông trẻ tại Đức.

- Đi làm việc.

- Kết hôn/ đoàn tụ với vợ hoặc chồng tương lai (tức là chưa kết hôn)

Phần dưới đây giới thiệu về hai tình huống: “Đoàn tụ gia đình” và “Kết hôn/ đoàn tụ với vợ hoặc chồng tương lai”.

2. Thủ tục, hồ sơ:

2.1 Hồ sơ xin cấp thị thực đi đoàn tụ gia đình:

Đoàn tụ gia đình tức là trường hợp người vợ/người chồng, người cha/mẹ hoặc con cái ở hai quốc gia khác nhau, trong đó có một người ở Đức ( chẳng hạn người cha đang ở Đức, còn người con đang ở Việt Nam). Và nay người cha ở Đức muốn bảo lãnh người con của mình qua Đức đoàn tụ gia đình (chung sống).

Xin cấp thị thực (visa) tức là xin phép Nhà chức trách của một nước đồng ý cho nhập cảnh vào nước đó. Ví dụ: ông A đang ở Việt Nam muốn đi du lịch tại Đức, thì trước hết ông phải được Đại sự quán Đức tại Việt Nam cấp thị thực (tức là đồng ý). Khi đó ông mới có đủ điều kiện để được nhập cảnh vào Đức.

A. Về phía người xin cấp thị thực:

1. Tờ khai xin cấp thị thực dài hạn (2 bản, lấy từ trang chủ của Đại sứ quán: www.hanoi.diplo.de), khai bằng tiếng Đức hoặc tiếng Anh.

2. 2 ảnh mới chụp, phông nền trắng, chụp chính diện.

3. Hộ chiếu của người xin cấp thị thực.

4. Chứng minh kiến thức tiếng Đức cơ bản trình độ A1 theo “Danh mục tham khảo chung châu Âu về ngôn ngữ” do Hội đồng châu Âu soạn thảo.

5. Các giấy tờ chứng minh minh quan hệ họ hàng (ví dụ: giấy khai sinh, giấy đăng ký kết hôn, quyết định ly hôn liên quan tới các lần kết hôn trước) đã được chứng nhận lãnh sự, phải nộp bản chính hoặc bản sao từ sổ gốc lưu tại cơ quan cấp.

Lưu ý: Trong phần chứng nhận lãnh sự của Cục Lãnh sự Bộ Ngoại Việt Nam giao phải nêu rõ cơ quan cấp giấy tờ (chẳng hạn: UBND).

6. Trường hợp trẻ vị thành niên đi đoàn tụ với một bên cha mẹ tại Đức phải nộp giấy cam kết có chứng thực chữ ký của bên cha mẹ kia đồng ý cho trẻ em đi sang Đức đoàn tụ và bản sao công chứng hộ chiếu hoặc giấy CMND của bên cha mẹ ký giấy cam kết.

7. Bên cạnh giấy cam kết còn cần phải có giấy tờ chứng minh về “quyền nuôi con” như: Quyết định của tòa án về quyền nuôi con, quyết định ly hôn, giấy chứng tử hoặc quyết định của tòa án tuyên bố bên cha mẹ kia mất tích.

8. Ngoài ra còn phải nộp sổ hộ khẩu gia đình có ghi địa chỉ thường trú hiện tại của trẻ em.

B. Về phía người bảo lãnh tại Đức:

1. Giấy mời không cần theo mẫu (Ví dụ: mục đích “đoàn tụ gia đình“).

2. Bản sao công chứng hộ chiếu (phải sao tất cả các trang có thông tin, thị thực, dấu xuất nhập cảnh…).

3. Bản sao quyết định ly hôn liên quan tới các lần kết hôn trước (nếu có).

4. Nếu người bảo lãnh không có quốc tịch Đức thì phải nộp bằng chứng về thu nhập (Chứng nhận mức thu nhập hiện nay, ít nhất là của 3 tháng gần nhất / nếu người mời hành nghề tự do thì phải nộp bản báo cáo tài chính của năm trước) và bằng chứng về nhà ở (Hợp đồng thuê nhà hoặc giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà).

5. Giấy chứng nhận đăng ký cư trú.

Trong từng trường hợp cụ thể có thể phải nộp thêm các giấy tờ khác, việc này sẽ được nhân viên nhận hồ sơ của sứ quán thông báo cho người xin cấp thị thực biết bằng văn bản.

2.2. Hồ sơ xin cấp thị thực dài hạn đi kết hôn/ đoàn tụ với vợ hoặc chồng tương lai

A. Về phía người xin cấp thị thực:

1. Tờ khai xin cấp thị thực dài hạn (2 bản, lấy từ trang chủ của Đại sứ quán: www.hanoi.diplo.de), khai bằng tiếng Đức hoặc tiếng Anh.

2. 2 ảnh mới chụp, phông nền trắng, chụp chính diện

3. Hộ chiếu của người xin cấp thị thực. Hộ chiếu phải còn giá trị và có chữ ký của người mang hộ chiếu.

4. Chứng minh kiến thức tiếng Đức cơ bản trình độ A1 theo “Danh mục tham khảo chung châu Âu về ngôn ngữ” do Hội đồng châu Âu soạn thảo

5. Các giấy tờ phải nộp kèm:

a) Giấy chứng nhận độc thân do UBND có thẩm quyền cấp (cấp trước ngày nộp hồ sơ không quá 3 tháng),

b) Nếu đã từng ly hôn thì phải nộp quyết định ly hôn,

c) Bằng chứng về việc dự định kết hôn bên Đức (Giấy xác nhận của Phòng Hộ tịch Đức)

Nếu việc thẩm tra giấy tờ trong khuôn khổ thủ tục xin miễn giấy chứng nhận đủ điều kiện kết hôn đang được tiến hành thì phải nêu rõ sự việc này trong hồ sơ. Trong trường hợp này không phải nộp giấy chứng nhận độc thân.

B. Về phía người vợ hoặc chồng tương lai tại Đức:

1. Giấy mời không cần theo mẫu (Ví dụ: mục đích “Kết hôn”).

2. Bản sao công chứng hộ chiếu (sao tất cả các trang có thông tin, thị thực, dấu xuất nhập cảnh…).

3. Bản sao quyết định ly hôn liên quan tới các lần kết hôn trước (nếu có).

4. Giấy chứng nhận đăng ký thường trú do Phòng Đăng ký nhân khẩu tại Đức cấp.

5. Chứng nhận về tài chính (Giấy cam kết bảo lãnh có xác minh khả năng tài chính hoặc hợp đồng thuê nhà/ giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà kèm theo chứng nhận thu nhập của 3 tháng gần nhất).

Trong từng trường hợp cụ thể có thể phải nộp thêm các giấy tờ khác, việc này sẽ được nhân viên nhận hồ sơ của sứ quán thông báo cho người xin cấp thị thực biết bằng văn bản.

* Thủ tục:

- Đăng ký lịch hẹn với Đại sứ quán Đức trên hệ thống website. Sau khi đã điền thông tin vào hệ thống đặt hẹn, bạn sẽ nhận được e-mail xác nhận lịch hẹn. Khi đến sứ quán theo lịch hẹn bạn mang theo bản in của e-mail xác nhận hẹn này và tất cả các giấy tờ cần thiết khác.

* Thời gian giải quyết hồ sơ: Khoảng 15 ngày.

Đại sứ quán sẽ chuyển hồ sơ đến Sở Ngoại kiều nơi cư trú của vị hôn phu/hôn thê tại Đức

* Lệ phí : 60 Euro. Trẻ em: 30 – Euro (trả tiền mặt bằng Đồng Việt Nam theo tỷ giá tại thời điểm nộp hồ sơ hoặc trả bằng Euro với thẻ tín dụng).

Trường hợp đoàn tụ gia đình, thân nhân của công dân Đức/ công dân các nước thuộc Liên minh Châu Âu/Khu vực kinh tế Châu Âu được miễn lệ phí thị thực.

( Theo trang web Đại sứ quán Đức tại Hà Nội)


Cẩm nang pháp luật Ecolaw là tài sản trí tuệ của công ty luật hợp danh Ecolaw, có ý nghĩa và chỉ nên sử dụng như là tài liệu tham khảo. Công ty luật hợp danh Ecolaw không chịu trách nhiệm trong trường hợp quí vị sử dụng vào mục đích khác.
Quí vị có thể click vào menu “Cẩm nang pháp luật” để tìm đọc vấn đề pháp lý mà mình quan tâm.
Lưu ý: bài viết trên thuộc lĩnh vực: Thủ tục hành chính – pháp lý 

CÔNG TY LUẬT HỢP DANH ECOLAW – ĐỊA CHỈ TIN CẬY CỦA MỌI NGƯỜI

843 Lê Hồng Phong, P.12, Quận 10, TP. Hồ Chí Minh
Email: ecolaw1@gmail.com - website: www.ecolaw.vn