Tuesday, August 26, 2014

Làm sao để hưởng thừa kế của bà nội qua đời từ năm 1963?


Hỏi : Tên tôi là Lê Đức Ng. Ông bà nội tôi có 4 người con chung : Lê Công Tr., Lê Đức Th (bố tôi), Lê Thị H., Lê Công Kh. Năm 1963 bà nội tôi qua đời. Khoảng năm 1968, ông nội tôi kết hôn với bà T. - sinh được hai người con là Lê H. và Lê Công T.. Những năm sau đó các con của ông bà nội tôi đã lớn, lần lượt xây dựng gia đình ra ở riêng và được chia đất làm nhà.

Bố mẹ tôi cũng như các cô, chú, bác khác dựng một nếp nhà tranh bên đường 18 trên khu đất của gia đình để sinh sống, sinh ra hai anh em tôi.


Năm 1983, bố tôi qua đời. Mẹ tôi đã đưa hai anh em tôi về quê ngoại ở tỉnh Bắc Giang. Cuộc sống của chúng tôi hết sức khó khăn, những liên hệ với họ nội thưa dần.

Nếp nhà xưa của bố mẹ tôi (tạm gọi như vậy vì chưa có giấy tờ) ở quê hương đã bị bán đi. Sau này ông nội tôi đã thừa nhận ông đã bán. Thỉnh thoảng có gặp lại, chúng tôi hỏi, ông nội nói với chúng tôi rằng “đất đai của gia đình còn nhiều, sau này các cháu lớn phần của các cháu còn ở đó”.

Năm 2004, diện tích đất còn lại của gia đình được “bí mật” chia cho ông Lê Công T (đang sống cùng với ông nội), bà Lê H. và ông Lê Công Kh. (bằng cách nào đó mà họ đều đã được cấp GCNQSDĐ) mà anh em tôi không được ai thông báo, không có phần của anh em tôi – những người kế vị hợp pháp của bố tôi (mẹ tôi cũng đã chết năm 2008).

Mãi đến năm 2010 chúng tôi mới được biết khi ông Lê Công T và bà Lê H. đang tìm cách để bán đất đi. 
Tôi đã làm đơn đề nghị chính quyền địa phương không giải quyết các giao dịch mua bán - chuyển nhượng trên diện tích đất đó.

Ngày 10-8-2010, Chủ tịch UBND thị trấn ra quyết định trả lời với kết luận “ Việc khiếu lại của ông Lê Đức Ngọc chưa đầy đủ tính pháp lý đòi quyền thừa kế di sản của bà Nội, không có cơ sở để dừng việc giao dịch chuyển nhượng quyền sử dụng đất của ông T. và bà H”.

Theo luật pháp hiện hành, sau khi bà nội tôi mất (không để lại di chúc), phần đất đai (khoảng hơn 1000m2) là tài sản chung của gia đình sẽ được chia thành các phần đầy đủ cho ông nội tôi và các con chung của ông bà - trong đó có bố tôi (ông Tr. ông Kh. đều đã được chia phần (khoảng140m2/phần) thuộc tài sản chung đó và đã bán đi, bà H. cũng được chia phần cùng thời điểm này nay vẫn ở đó).

Sau khi bố tôi mất, tôi và em gái tôi là những người kế vị sẽ được thừa kế di sản này (khoảng 140m2). Tuy nhiên khối tài sản chung đó đã được chia mà bỏ qua quyền lợi hợp pháp của anh em tôi.

Chính vì vậy, tôi làm đơn này kính đề nghị Toà Án giải quyết giúp tôi việc “chia tài sản chung” là ba mảnh đất mang tên Lê Công T., Lê H., và Lê Công Kh tại thị trấn Đông Triều (đã được cấp không đúng với các qui định chia tài sản chung của pháp luật), giúp anh em tôi được “chia tài sản chung” theo Nghị quyết 02/2004 của Hội Đồng Thẩm Phán TANDTC. Cụ thể là:

- Thu hồi lại các giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp cho các ông bà Lê Công T., Lê H., Lê Công Kh.

- Giải quyết cho anh em tôi được hưởng 1/3 diện tích khu đất thuộc khối tài sản chung đó (trị giá khoảng 600 triệu đồng).

Về lí do “Căn cứ điều 645 bộ luật dân sự thời hiệu khởi kiện về thừa kế là 10 năm” (trích QĐ số 32/QĐ-UBND) nên đã hết thời gian khởi kiện nhưng điều 36, khoản 3, Pháp lệnh thừa kế qui định rõ “Trong trường hợp do trở ngại khách quan mà không thể thực hiện được quyền khởi kiện trong thời hạn quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này thỡ thời gian bị trở ngại khách quan không tính vào thời hiệu khởi kiện” (anh em tôi không được thông báo khi phân chia tài sản thừa kế đúng là một trở ngại khách quan).

Mặt khác, giấy CNQSDĐ của ông T. và bà H. được cấp năm 2004 đến nay vẫn chưa được 10 năm thì tại sao lại bác đề nghị của tôi về việc tạm dừng việc chuyển nhượng mua bán ? Tôi có cảm giác rằng các cấp có thẩm quyền ở địa phương đang làm việc hết sức tích cực cùng với hai bên mua bán để cố gắng chuyển nhanh quyền sử dụng đất trong thương vụ này.

Xin hỏi : Qua nội dung lá đơn trên đây, vui lòng tư vấn giúp tôi làm thế nào để có thể đòi lại di sản của bà nội và bố tôi. Cơ hội để tôi giành chiến thắng còn nhiều không? Xin chân thành cám ơn ( Ngoc Ngoc)

Luật sư Trần Hồng Phong trả lời:

Qua lá đơn của bạn, có thể thấy bạn đã tìm hiểu khá kỹ về các qui định của pháp luật trong trường hợp này.

Theo đánh giá của tôi, cơ hội bạn đòi quyền lợi từ việc chia di sản thừa kế của bà nội hiện vẫn còn. Nhưng phải đi theo hướng khác và cũng không nên quá gấp gáp (giục tốc bất đạt).

Trước hết, việc bạn xác định hai anh em bạn có quyền hưởng di sản thừa kế của bà nội (thừa kế thế vị phần bố bạn) là đúng. Tuy nhiên, bà nội bạn đã mất quá lâu rồi. Thời điểm những năm 1960, ở miền Bắc hầu như chưa có luật pháp gì về nhà cửa, đất đai. Nên chỉ có thể hiểu theo nguyên tắc là tài sản của bà nội bạn nằm trong khối tài sản chung của 3 người (ông bà nội bạn và bà nội “hai” (bà T.). ( Đó là nói theo kiểu đơn giản – không xét tới công lao, đóng góp của những người cô, chú … sống chung với ông bà nội).

Việc bạn đâm đơn kiện ông T., bà H., ông Kh. là chưa hợp lý, không đúng “mục tiêu”. Vì không/chưa có cơ sở nào để nói đất mà những người này được cấp Giấy CNQSDĐ là do họ được “hưởng thừa kế” từ bà nội của bạn ( nói về mặt pháp lý). Mặc dù nhìn bề ngoài thì đúng là đất có nguồn gốc từ của ông bà nội bạn. Qua những thông tin bạn kể, thì thấy nguyên nhân cấp giấy không phải từ việc chia di sản ( bà nội bạn đâu có đất !) - mà theo tôi, có thể trong hồ sơ cấp Giấy sẽ khi là “đất đang sử dụng, có nguồn gốc của cha mẹ để lại”.

Hay nói cách khác, việc bạn nói địa phương cấp giấy sai hay ông nội “bí mật” chia đất – là có phần hơi quá, chủ quan và không đúng. Bạn cũng không nên để rơi vào tính thế phải “đối đầu” với chính quyền địa phương, cơ quan Nhà nước – vì sẽ chẳng giúp ích gì cho bạn mà càng thêm khó khăn mà thôi.

( Cũng xin nói luôn là việc bạn kiện ba người này thực ra cũng không phải là hoàn toàn vô lý. Nhưng khả năng thành công là quá thấp. Nên tôi không muốn bàn sâu về việc này, chỉ thêm ”khổ” cho bạn mà thôi).

Phương án tôi khuyên là bạn nên “nắm” lấy nhà, đất mà ông nội bạn đang ở ( theo lời bạn thì ông nội bạn đã lẫn, nay trên 90 tuổi). Trong khối tài sản nhà và đất này rõ ràng có phần di sản của bà nội bạn để lại (chưa chia hoặc chưa chia hết). Tiếp đó, khi ông nội bạn qua đời (việc này sớm muộn gì cũng sẽ đến – là qui luật tất yếu) thì khi đó bạn có quyền khởi kiện chia di sản thừa kế của ông bà nội để lại mà không bị cản trở gì về vấn đề thời hiệu. ( Tất nhiên, việc xác địnnh, đánh giá giá trị khối tài sản này cũng khá rắc rối, khó).

Về việc bạn đề nghị chính quyền địa ra quyết định phương ngăn cản việc các cô, chú của bạn bán đất là không khả thi. Vì theo qui định hiện nay chỉ có Tòa án mới có thẩm quyền ra quyết định ngăn chặn. Mà muốn như vậy thì phải nộp đơn tới tòa án. Mà để tòa nhận đơn cũng sẽ rất khó khăn vì không có đủ căn cứ pháp lý. Chưa kể về vấn đề thời hiệu. Hơn nữa, nếu những người cô chú đã được “hưởng” rồi (nếu họ thừa nhận) thì sau này có thể “cấn trừ” khi ông nội bạn qua đời và tổ chức chia di sản thừa kế.

Tóm lại, lúc này bạn nên “ngăn chặn” việc nhà, đất ông bà nội (bà nội hai) ở bị phân tán, chuyển nhượng. Sau khi ông nội qua đời bạn sẽ gửi đơn khởi kiện chia di sản thừa kế của ông bà nội – với tư cách thừa kế thế vị.
Đồng thời, bạn nên tranh thủ thời gian tìm hiểu, thu thập thông tin, tài liệu, nhân chứng … - để “phục vụ” cho chuyện “tranh chấp” sau này.

Chúc bạn mọi việc tốt đẹp. Về nguyên tắc, pháp luật công nhận và bảo vệ quyền lợi của anh em bạn. www.ecolaw.vn 


Chuyên mục Luật sư tư vấn Ecolaw do các luật sư của công ty luật hợp danh Ecolaw thực hiện. Quí vị hãy gửi câu hỏi theo địa chỉ ecolaw2@gmail.com để được giải đáp hoàn toàn miễn phí – trừ trường hợp câu hỏi quá phức tạp hoặc không rõ ràng. Thông tin càng chi tiết, cụ thể - nội dung tư vấn càng chính xác, hiệu quả. Phần lớn các câu hỏi – đáp (được mã hóa để bảo mật) sẽ được đăng trên website này nhằm mục đích phổ biến kiến thức pháp luật phổ thông cho mọi người.  
Quí vị có thể click vào menu “Luật sư tư vấn” để tìm đọc thêm các vấn đề mà mình quan tâm.
Lưu ý: bài viết trên thuộc lĩnh vực “Dân sự, tranh chấp dân sự”

CÔNG TY LUẬT HỢP DANH ECOLAW – ĐỊA CHỈ TIN CẬY CỦA MỌI NGƯỜI

843 Lê Hồng Phong, P.12, Quận 10, TP. Hồ Chí Minh
Email: ecolaw1@gmail.com - website: www.ecolaw.vn