Friday, August 29, 2014

Bảo đảm quyền lợi cho người vợ khi mới cưới đã tính chuyện ly hôn


Hỏi : Kính gửi quý luật sư công ty ECOLAW. Tôi có một vài vấn đề chưa được thông suốt trong Luật Hôn Nhân Gia Đình, xin được quý luật sư giúp đỡ.

Chúng tôi đăng ký kết hôn vào ngày 15/07/2010 và vừa mới cưới vào 15/11/2010. Nhưng trên thực tế chúng tôi đã chung sống là vợ chồng với nhau được hơn nửa năm. Hiện nay chồng tôi có công ty riêng thành lập vào tháng 06/2010. Trước khi công ty thành lập, tôi làm bên công ty A với mức lương cứng 7 tr/tháng, chưa tính thưởng.


Khi anh mở công ty muốn tôi về hỗ trợ, tôi đã xin nghỉ về làm việc giúp chồng tôi từ đầu đến bây giờ. Đến nay là 7 tháng, tôi không nhận đồng lương nào và còn giúp chồng tôi khoảng hơn 20 triệu bỏ vào công ty. Trong 7 tháng đầu tiên này, đã có không ít khó khăn về hàng hóa thiếu hụt rồi lương công nhân đến ngày trả không có đủ tiền, rồi những đơn hàng phải đòi nợ khách hàng, ... tôi đều cùng chồng tôi lèo lái, vượt qua những lúc khó khăn. Hầu như đến kỳ phát lương nào tôi đều tìm cách xoay tiền cho chồng. Lấy hết quỹ tiền tôi tiết kiệm được bỏ vào cho chồng. Thậm chí khoảng tiền tôi để dành đề đi học thêm các khóa học Thương Hiệu, IELTS,...tôi đều nhín bụng để lo cho công ty hết. Tôi còn mượn của ba mẹ ruột mấy lần, cứ mượn 20-30tr rồi trả. Và cách đây 3 tháng ba mẹ vì thương con rể như con ruột cũng không tiếc cho chồng tôi mượn 50 triệu trang bị thêm máy móc.

Tất cả tiền vàng, tiền mừng đám cưới chồng tôi đều đem bán hết và đem trả nợ những khoảng nợ của anh trước đây. Tôi vì thương chồng nên chấp nhận.

Mặc dù trước đám cưới đã xảy ra rất nhiều chuyện mà tôi đã phải cay đắng nuốt nước mắt, nhẫn nhịn biết bao lần khi nhìn ra sự vũ phu và nóng tính của chồng tôi. Cá tính của chồng tôi không chỉ rất gia trưởng mà còn la nạt những điều rất vô lý. Mà không phải riêng gì tôi, mà tất cả các chị em trong gia đình, cháu chắt đều hiểu rõ tính cách của chồng tôi. Ví dụ như về nhà thấy nhà chưa được dọn dẹp là bắt đầu làm ầm ầm lên, mặc dù ai cũng phải đi làm như ai và thời gian anh ấy còn là sinh viên thì em út phải đi làm nuôi anh ấy ăn học. Vậy mà ăn cơm xong, mâm bát để 1 tiếng sau mà chưa rửa là anh cầm mâm bát quăng ném ầm ầm,...

Nhưng vì sợ tôi bỏ anh ấy nên họ không kể cho tôi rõ quá khứ trước đây, cách mà anh ấy đối xử với người nhà như thế nào. Họ chỉ khuyên tôi " Thôi, là vợ, em ráng nhịn nó đi ". Ba Mẹ tôi vì cũng đã thông báo với dòng họ, bạn bè là con gái vừa đám hỏi xong, chuẩn bị đám cưới (đám hỏi và đám cưới cách nhau 5 tháng) nên khi tôi năn nỉ ba mẹ từ hôn, để không diễn ra đám cưới (mặc dù trước đám cưới 3 tháng), Ba Mẹ tôi vẫn không cho, nói tôi ráng nhịn, chứ không Ba Mẹ mang tiếng với bà con dòng họ.

Tôi vì suy nghĩ tình lý cho mọi người, thương Cha thương Mẹ, thương 2 bên gia đình, thương các anh chị em (bên nhà chồng rất thương tôi, nhà chồng có 5 người con, vậy mà các chị và em út rất thương tôi, chỉ mỗi chồng tôi là con trai được cưng chiều nên mới ra như vậy).

Có rất nhiều lần trước đám cưới, anh ấy nóng tính đòi đánh tôi "Cô câm cái miệng cô lại, chứ không tôi đập gãy răng" rồi xúc phạm đến danh giá, tư cách của tôi, rồi còn đe dọa "khôn hồn thì im miệng, chứ coi chừng tao đập nát cái mặt của mày trước ngày cưới" . Đó là cái ngày mà tôi cay đắng nhất, khi chỉ còn 3 ngày nữa đám cưới, tôi muốn hủy ngay cái đám cưới này nhưng không được, cả 2 gia đình không chịu và anh ấy đã phải xuống nước xin lỗi tôi. Mặc dù chuyện xuất phát đơn giản là trước giờ chồng tôi "chuyên quyền", không một ai góp ý được. Tôi là một người sống tình cảm và không quan trọng vật chất nên tôi cho anh ấy cơ hội và nói trước là nếu 1 tháng sau khi cưới, tôi vẫn còn thấy mọi chuyện không ổn tôi sẽ đưa đơn ly dị. Mà trong khi tôi là đâu phải là loại con gái sống hư thân, mất nết ( thì anh ấy đối xử kiểu vậy nghe còn được ). Tôi sinh ra trong 1 gia đình nề nếp, gia giáo. Vừa học ĐH Ngoại Thương trong Sài Gòn vừa đi làm cho các công ty từ cuối năm 2, đến khi tôi còn nửa năm là ra trường thì lương tôi đã 8 triệu-10 triệu/ tháng và tôi đang học liên kết lên MBA của Mỹ (năm sau lấy bằng). Năm nay tôi mới 22, 23 tuổi. Chồng tôi sinh năm 1977, tính ra anh ấy vững vàng trễ hơn so với những người trẻ tuổi bây giờ.

Chính vì tôi nghĩ là vợ chồng cùng nhau xây dựng cuộc sống, tôi đã không chấp nhận đến với những người đàn ông giàu có địa vị (vì tôi sợ lắm tiền nhiều tật, mà tiền của là phù du, không phải do mình tạo dựng sẽ không có gì là vững chắc), tôi mới chọn chồng tôi bây giờ. Khi nghĩ rằng anh ấy xuất thân nghèo nhưng có ý chí, nghị lực vươn lên, vì vậy bằng tình thương, tôi đã hết lòng giúp đỡ chồng. Nhưng có ai ngờ tính cách chồng tôi lại quá đáng như vậy. Mà đến khi về sống chung, va chạm, tôi mới hiểu ra dần...

Và sau chỉ 2 ngày cưới, anh ấy vẫn như cũ, vẫn có những cách nói "kiếm chuyện" với tôi. Tôi không chịu nỗi nhưng vẫn cố nhịn. Cho đến 1 ngày khi cao trào lên tột đỉnh, tôi chịu không nỗi, mới gọi chị 3 (chị chồng) vào xử cho êm đẹp thì chồng tôi bắt đầu ra vẻ và cao giọng "nếu thấy sống không được thì ly dị". Nhưng anh ấy không ngờ ngay 3 giây sau, tôi rút từ trong túi đựng laptop ra tờ ĐƠN XIN LY HÔN đã được tôi viết sẵn cách đó 2 ngày. Anh ấy mới bắt đầu khựng người và xuống nước. Sau đó anh ấy không ký mà xin lỗi và nói nhẹ với tôi (trước khi tôi thông báo cho 2 bên gia đình).

Tôi chấp nhận cho chồng tôi thời gian để sửa chữa và thay đổi. Nhưng tôi có mấy điều thắc mắc và cần được quý luật sư tư vấn và bảo vệ quyền lợi cho người phụ nữ.

1. Công ty chồng tôi được thành lập là công ty TNHH Một Thành Viên, và được thành lập trước khi đăng ký kết hôn với tôi 1 tháng. Tôi đã về làm với chồng ngay từ đầu và hỗ trợ rất nhiều mặt, từ các Hợp đồng, Hồ sơ giấy tờ, Kế Toán, đến những lúc anh ấy vất vả xoay tiền rồi đòi nợ khách hàng, tôi đều cùng chồng san sẻ và gánh vác. Đặc biet với những hợp đồng đối tác là nước ngoài, toàn bộ là tôi ngoại giao chính. Buổi tối tôi còn chỉ cho chồng tôi học tiếng Anh.

2. Tôi về làm trên cương vị là PGĐ nhưng thực chất tôi không cần chức danh nên không làm hợp đồnglao động cũng như chưa từng nhận bất kỳ đồng lương nào của công ty.

3. Cách đây 1 tuần tôi có đem về 1 mối khách hàng rất lớn về may Balo túi sách, khả năng qua Tết làm hàng với chúng tôi xuyên suốt quanh năm (khách hàng này đã có thâm niên gần chục năm) và lợi nhuận hơn 200tr/tháng đến 1 tỷ (nếu sau này mở rộng dần quy mô sản xuất)

4. Trước khi đến với tôi, chồng tôi có mượn tiền bà con làm ăn từ 2 năm trước, đến giờ vẫn còn nợ khoảng 200 triệu. Và bây giờ tôi vẫn đang cùng chồng làm việc để trả nợ. Như vậy khoảng nợ là tính chung hay riêng sau này nếu chúng tôi ly dị.

5. Công ty đứng tên là của chông tôi và 2 vợ chồng không có tài khoản chung của gia đinh, chỉ có tài khoản công ty. Mà tất cả mọi nguồn thu hầu như là rót từ tài khoản của công ty. Nhưng chồng tôi chỉ cho phép 1 mình chồng tôi được quyền ký Sec rút, còn tôi không có vai trò ngang bằng trong việc kiểm soát thu-chi gia đình. Tôi chỉ kiểm soát tiền qua giấy tờ. Còn việc rút tiền tôi không có quyền hạn gì ở đây cả.

6. 35 triệu chồng tôi mượn của Ba Mẹ tôi và hơn 20 triêu mượn của tôi đều không có giấy tờ. Gần 60 triêu tiền 2 họ mừng đều đem trả nợ hết. Tôi đi lấy chồng mà giờ không còn 1 chút vàng nào phòng thân lỡ sau này có chuyện gì (ngoài chiếc nhẫn cưới bằng vàng tây tôi đeo trên tay) thì tôi phải làm thế nào?

Như vậy, nếu sau này, giả dụ sau nửa năm, 1 hay 2 năm nữa, đến một lúc nào đó, tôi không chịu được hay anh ấy "trở chứng" chuyện gì đó, tôi muốn ly dị. Khi đó Tòa Án sẽ xử như thế nào? "Của chồng công vợ" hay tôi sẽ phải trắng tay ra đi khi mà tất cả tôi và gia đình tôi đối với anh ấy là bằng tình thương. Nhưng anh ấy thì lại quá "bo bo" cho mình như vậy? Bây giờ chưa có dư nhiều, chứ sau này khi giàu có lên, tôi không biết mọi chuyện sẽ đi đâu về đâu khi tôi không nắm bất kỳ "cán" nào trong cuộc hôn nhân này.

Liệu cả 2 gia đình có cần phải ngồi lại nói rõ để ràng buộc nhau xác nhận lại mọi vấn đề, tôi đóng góp cái gì như thế nào? những khoản nợ trước đây? sau khi trả hết nợ có lợi nhuận? nếu lỡ vợ chồng ly dị nhau mà công ty vẫn sinh lãi từ hợp đồng do tôi đem về thì tôi sẽ được chia như thế nào? Theo tôi nghĩ ràng buộc trên giấy tờ ở đây không có nghĩa là có ý ly dị mà chính điều đó sẽ giúp cho cả 2 phải nghiêm túc nhìn nhận lại mọi thứ để hiểu được những gì Vợ mình hy sinh vì mình? mà mình lại đối xử như vậy thì có quá đáng lắm không? Để khi đó tôi có thể hết lòng làm việc mà không sợ sau này sẽ phải trắng tay mất tất cả .

Kính mong quý Luật sư giải đáp những tâm sự của tôi. PS: Xin nếu có đưa lên trang web cũng chuyển ý khác đi một chút và ngắn gọn hơn. Tôi xin chân thành cám ơn. (Hoàng D.)

Luật sư Trần Hồng Phong trả lời:

Lại một lần nữa, văn phòng chúng tôi nhận được tâm sự của một người vợ trẻ gặp trắc trở trong cuộc sống hôn nhân.

Thư bạn gửi cho chúng tôi vào ngày 9-12-2010, tức chưa đầy một tháng sau khi kết hôn. Thay vì đó là thời gian trăng mật, nồng ấm tình vợ chồng thì bạn lại bộn bề với biết bao lo toan, thậm chí tính đường phòng xa, ly hôn.

Trong thư, bạn có đề nghị chúng tôi thay đổi, rút ngắn. Chúng tôi đã thay đổi tên tuổi, địa danh, ngày giờ … nhưng quyết định không rút ngắn nhiều. Vì chúng tôi nghĩ rằng trong hoàn cảnh của bạn, mới đám cưới, mà đã trải lòng cho chúng tôi – những người bạn chưa hề quen biết, cho thấy bạn đang thực sự cảm thấy cô đơn, không/chưa tìm được “tiếng nói chung” với chồng của mình. Mặc dù chúng tôi không hiểu hai người đã quen biết, yêu nhau bao lâu trước khi kết hôn. Nhưng rõ ràng khi kết hôn, đã có quá nhiều điều “mới” mà bạn chưa biết về người chồng của mình. Theo chúng tôi, những điều “mới” ấy thực ra cũng là điều bình thường hay gặp trong thực tế cuộc sống. Vấn đề là hai người có chia sẻ, có “chịu đựng” được nhau hay không. Mục đích của hôn nhân là hạnh phúc gia đình. Nếu hai người không cùng chung chí hướng, không thực sự yêu thương và tôn trọng nhau, không biết quan tâm, hy sinh cho nhau thì có thể xem như mục đích hôn nhân không đạt. Trên thực tế, có rất nhiều cuộc hôn nhân mục đích hôn nhân không đạt, giữa hai vợ chồng không có hạnh phúc. Nhưng vì con cái, vì danh dự, vì tính tự ái, vì muốn “hành hạ” nhau mà người ta không muốn/không ly hôn. Tuy nhiên, tuổi của bạn còn rất trẻ, cả một tương lai còn dài và sáng sủa đang chờ ở phía trước. Do vậy, tôi nghĩ bạn có quyền tự đánh giá giá trị của mình, có quyền chủ động và tự tin đi tìm hoặc xây dựng hạnh phúc cho mình – một cách bình đẳng và tự tin, mà không cần phải phụ thuộc vào bất kỳ ai. Trong tình yêu hay quan hệ vợ chồng cũng không có chỗ cho lòng thương hại, sự chịu đựng giả dối. Vì nếu như vậy, thì bạn cũng không bao giờ tìm thấy hạnh phúc.

Chính vì lẽ đó, chúng tôi quyết định giữ nguyên và đăng gần như toàn bộ lá thư của bạn. Vì đó là sự thật, là cảm nghĩ và lo toan của bạn. Nếu như ai đó trong những người thân của bạn : từ chồng, cho đến cha mẹ, anh chị em bên chồng, bên bạn … nếu có tình cờ đọc được thì cũng không có gì là xấu đi cho bạn, mà sẽ hiểu bạn hơn, sẽ tự suy nghĩ và rút ra những kinh nghiệp hoặc thay đổi theo chiều hướng tốt hơn cho bạn. Kể cả trường hợp chồng bạn có “nổi điên” lên khi đọc thư này thì đó cũng chỉ là sự thật mà thôi. Không có gì phải e ngại cả.

Sau đây, chúng tôi sẽ trả lời từng câu hỏi của bạn.

1. Trước khi đến với tôi, chồng tôi có mượn tiền bà con làm ăn từ 2 năm trước, đến giờ vẫn còn nợ khoảng 200 triệu. Và bây giờ tôi vẫn đang cùng chồng làm việc để trả nợ. Như vậy khoảng nợ là tính chung hay riêng sau này nếu chúng tôi ly dị.

Trả lời : Khoản nợ của chồng bạn dĩ nhiên của cá nhân chồng bạn. Tuy nhiên, vì chồng bạn có tài sản “âm” khi cưới bạn, nên khi hai vợ chồng làm ra tiền – thì số tiền này tuy pháp luật qui định là là “tài sản chung” của hai vợ chồng – những rõ ràng là chồng bạn muốn trả nợ thì cũng phải trích ra từ đây. Do vậy, nếu hai người vẫn còn là vợ chồng thì bạn vẫn phải “gánh chịu” khoản nợ này một cách gián tiếp. Tuy nhiên, nếu hai người ly hôn. Giả sử khi ly hôn tài sản chia đôi, thì chồng bạn phải tự trả khoản nợ này từ tài sản đã chia của mình.

2. Số tiền 35 triệu chồng tôi mượn của Ba Mẹ tôi và hơn 20 triêu mượn của tôi đều không có giấy tờ. Gần 60 triệu tiền 2 họ mừng đều đem trả nợ hết. Tôi đi lấy chồng mà giờ không còn 1 chút vàng nào phòng thân lỡ sau này có chuyện gì (ngoài chiếc nhẫn cưới bằng vàng tây tôi đeo trên tay) thì tôi phải làm thế nào?

Trả lời: Tình ngay lý gian. Nếu không có bằng chứng thì bạn không thể đòi lại hay đòi chia (mà cũng có còn đâu mà chia). Nếu thực sự nghĩ tới chuyện ly hôn, thì tốt nhất bạn nên thẳng thắn đề nghị chồng bạn làm giấy xác nhận về việc này (hoặc bạn nói chuyện với chồng bạn rồi ghi âm lại cũng được. Sau này có thể dùng tới). Nhưng thú thực khi khuyên bạn điều này chúng tôi thực sự cảm thấy đau lòng. Chẳng lẽ đã là vợ chồng, cái gì còn chẳng tiếc, mà nay lại đến mức phải như vậy hay sao? Ngoài khả, khả năng bạn phải ra đi “tay trắng” cũng có thể là có. Nhưng với tuổi trẻ và năng lực của bạn, chúng tôi tin rằng bạn sẽ có thể làm ra tài sản mới cho mình.

3. Giả dụ sau nửa năm, 1 hay 2 năm nữa, đến một lúc nào đó, tôi không chịu được hay anh ấy "trở chứng" chuyện gì đó, tôi muốn ly dị. Khi đó Tòa Án sẽ xử như thế nào?

Trả lời: Khi giải quyết ly hôn : tài sản chung của hai vợ chồng (được tạo lập trong thời kỳ hôn nhân) sẽ được chia đôi. Kể cả công ty đứng riêng tên của chồng bạn.

4. Liệu cả 2 gia đình có cần phải ngồi lại nói rõ để ràng buộc nhau xác nhận lại mọi vấn đề, tôi đóng góp cái gì như thế nào? những khoản nợ trước đây? sau khi trả hết nợ có lợi nhuận? nếu lỡ vợ chồng ly dị nhau mà công ty vẫn sinh lãi từ hợp đồng do tôi đem về thì tôi sẽ được chia như thế nào? Tôi nghĩ ràng buộc trên giấy tờ ở đây không có nghĩa là có ý ly dị mà chính điều đó sẽ giúp cho cả 2 phải nghiêm túc nhìn nhận lại mọi thứ để hiểu được những gì Vợ mình hy sinh vì mình? Để khi đó tôi có thể hết lòng làm việc mà không sợ sau này sẽ phải trắng tay mất tất cả .

Trả lời: Bạn là người đã trưởng thành, nên không cần phải “lôi” cha mẹ hai bên vào làm gì bạn ạ. Mà cũng chẳng giải quyết được gì đâu. Tuy nhiên, nếu thực sự bạn không tin tưởng vào chồng thì cũng nên có văn bản, thỏa thuận rõ ràng về tài sản (ít nhất là trong vài năm đầu chung sống và kể cả trong trường hợp sẽ ly hôn). Điều này thực ra cũng không có gì là xấu. Ở các nước phương tây, pháp luật phát triển, thì đây là chuyện bình thường. Luật Hôn nhân và gia đình của ta cũng cho phép và chồng có tài sản riêng, tự thỏa thuận về tài sản, chia tài sản khi đang là vợ chồng …vv. Tôi ủng hộ bạn việc này.

Cuối cùng, để kết thúc bài viết với vai trò là một “chuyên gia tâm lý” như trên (chứ không phải là một luật sư), tôi khuyên bạn nên “rút” khỏi công ty của chồng và đi làm trở lại. Việc này tốt cho cả bạn và chồng bạn. Chồng bạn mở công ty thì phả có khả năng điều hành và năng lực tài chính để phát triển công ty. Còn không thì công ty sẽ tự “dẹp tiệm”. Bạn không cần thiết phải “hết mình” vào công ty này trong bối cảnh hiện nay. Nếu bạn thực sự yêu thương chồng, mong chồng mình thành công thì cũng có nhiều cách hỗ trợ, giúp đỡ khác mà không cần thiết phải hy sinh một cách quá đáng như vậy. Tôi cũng khuyên bạn chưa nên có con vào lúc này, khi hoàn cảnh còn khó khăn và điều quan trọng nhất là vợ chồng chưa thực sự “cơm lành canh ngọt”.

Hy vọng những điều trao đổi trên đây sẽ hữu ích đối với bạn. Chúc bạn mọi sự tốt đẹp. Xin “bật mí” : tôi với bạn là đồng hương với nhau đấy. www.ecolaw.vn


Chuyên mục Luật sư tư vấn Ecolaw do các luật sư của công ty luật hợp danh Ecolaw thực hiện. Quí vị hãy gửi câu hỏi theo địa chỉ ecolaw2@gmail.com để được giải đáp hoàn toàn miễn phí – trừ trường hợp câu hỏi quá phức tạp hoặc không rõ ràng. Thông tin càng chi tiết, cụ thể - nội dung tư vấn càng chính xác, hiệu quả. Phần lớn các câu hỏi – đáp (được mã hóa để bảo mật) sẽ được đăng trên website này nhằm mục đích phổ biến kiến thức pháp luật phổ thông cho mọi người.  
Quí vị có thể click vào menu “Luật sư tư vấn” để tìm đọc thêm các vấn đề mà mình quan tâm.
Lưu ý: bài viết trên thuộc lĩnh vực “Hôn nhân gia đình – Quyền trẻ em”

CÔNG TY LUẬT HỢP DANH ECOLAW – ĐỊA CHỈ TIN CẬY CỦA MỌI NGƯỜI

843 Lê Hồng Phong, P.12, Quận 10, TP. Hồ Chí Minh
Email: ecolaw1@gmail.com - website: www.ecolaw.vn