Tuesday, July 29, 2014

Qui định về đăng ký bảo hộ nhãn hiệu (hàng hóa/dịch vụ)

Luật sư TỐ NGA 

1. Nhãn hiệu là gì?

Nhãn hiệu là dấu hiệu ( gồm tổng hợp các yếu tố như chữ cái, từ ngữ, hình vẽ, hình ảnh, kể cả hình ba chiều được thể hiện bằng màu sắc…) dùng để phân biệt hàng hoá/dịch vụ của các tổ chức, cá nhân này với tổ chức cá nhân khác. 


Nhãn hiệu được chia thành 2 nhóm : nhãn hiệu hàng hóa và nhãn hiệu dịch vụ :

- Nhãn hiệu hàng hóa dùng để phân biệt hàng hóa với nhau.

- Nhãn hiệu dịch vụ dùng để phân biệt các loại dịch vụ với nhau.

Các dấu hiệu phân biệt có nghĩa là không được trùng với hoặc tương tự với các dấu hiệu (đã được đăng ký) khác - mà người nhận diện (khách hàng, đối tác) có thể bị nhầm lẫn, hiểu sai lệch (về nguồn gốc xuất xứ, tính năng, công dụng, chất lượng, giá trị hoặc các đặc tính khác của hàng hoá, dịch vụ).

Ví dụ: trên trang website này, công ty luật hợp danh Ecolaw có giới thiệu nhãn hiệu dịch vụ mà chúng toy đã đăng ký bảo hộ là “Mẫu văn bản Ecolaw” – với chữ “mẫu văn bản” màu xanh dương, phía dưới là hình chiếc đĩa màu vàng, dưới nữa là dòng chữ ECOLAW màu tím. Các dấu hiệu màu sắc và chữ viết này tạo nên một tổng thể, có thể phân biệt được mẫu văn bản của Ecolaw với các văn phòng luật sư khác.

Theo qui định, các dấu hiệu thuộc dạng “bình thường”, không có khả năng phân biệt như hình học đơn giản, chữ số, chữ cái, biểu tượng, hình vẽ thông thường của hàng hóa dịch vụ thì không được đăng ký nhãn hiệu.

2. Lợi ích khi đăng ký nhãn hiệu

Đăng ký bảo hộ nhãn hiệu là cơ sở để các doanh nghiệp có thể bảo vệ, nâng cao thương hiệu hàng hóa mà mình tạo dựng được.

Sau khi đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, không ai được quyền sử dụng nhãn hiệu của doanh nghiệp mình mà không có sự cho phép của chủ sở hữu.

Chủ sở hữu có quyền được sử dụng thương hiệu, quyền được yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền ngăn chặn các hành vi xâm phạm quyền sở hữu thương hiệu.

Nói tóm lại, việc đăng ký và được cấp Giấy chứng nhận bảo hộ đối với nhãn hiệu phần nào giống như “giấy chủ quyền nhà” – mà ở đây là chủ quyền về hàng hóa, dịch vụ của doanh nghiệp. Khi có giấy này, doanh nghiệp có đầy đủ cơ sở pháp lý để chứng minh và bảo vệ quyền sở hữu đối với nhãn hiệu của mình.

3. Điều kiện đối với nhãn hiệu:

Nhãn hiệu dùng để đăng ký bảo hộ độc quyền phải đáp ứng điều kiện sau:

- Nhãn hiệu phải là dấu hiệu thể hiện ra bên ngoài, có thể nhìn thấy được.

- Các dấu hiệu này phải có khả năng phân biệt được với các nhãn hiệu của chủ thể khác.

Ví dụ : Nhãn hiệu nước uống có ga Cocacola đã quá nổi tiếng và đã được cấp chứng nhận bảo hộ trên toàn thế giới. Do vậy, nếu nay doanh nghiệp nào đăng ký nhãn hiệu hàng hóa là Cocacolo chẳng hạn thì sẽ không được cấp giấy chứng nhận bảo hộ - vì nhãn hiệu này có thể gây nhầm lẫn là của Cocacola.

4. Đối tượng có quyền đăng ký nhãn hiệu:

Mọi tổ chức, cá nhân Việt Nam, người nước ngoài thường trú tại Việt Nam, tổ chức, cá nhân nước ngoài có cơ sở kinh doanh tại Việt Nam đều có quyền trực tiếp nộp đơn đăng ký nhãn hiệu cho hàng hóa của mình hoặc ủy quyền cho người đại diện nộp đơn.

Nếu cá nhân nước ngoài không thường trú tại Việt Nam hay tổ chức/cá nhân nước ngoài không có cơ sở sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam phải ủy quyền cho đại diện hợp pháp tại Việt Nam đứng ra nộp đơn đăng ký.

5. Hồ sơ đăng ký nhãn hiệu hàng hóa gồm:

- Tờ khai đăng ký nhãn hiệu theo mẫu.

- Ảnh chụp, hoặc ảnh vẽ của mẫu nhãn hiệu.

- Bản mô tả nhãn hiệu.

- Chứng từ nộp phí, lệ phí.

- Giấy ủy quyền (nếu có)

- Bản sao GCNĐKKD

- Danh mục hàng hoá/dịch vụ mang nhãn hiệu.

Lưu ý: mỗi bộ hồ sơ chỉ được yêu cầu cấp một văn bằng bảo hộ;

* Yêu cầu đối với hồ sơ:

- Mọi tài liệu đều phải được làm bằng tiếng Việt. Nếu tài liệu được làm bằng ngôn ngữ khác thì phải được dịch ra tiếng Việt;

- Mọi tài liệu đều phải được trình bày theo chiều dọc (riêng hình vẽ, sơ đồ và bảng biểu có thể được trình bày theo chiều ngang) trên một mặt giấy khổ A4 (210mm x 297mm), trong đó có chừa lề theo bốn phía, mỗi lề rộng 20mm, trừ các tài liệu bổ trợ mà nguồn gốc tài liệu đó không nhằm để đưa vào đơn;

- Tờ khai đăng ký nhãn hiệu phải được làm theo mẫu, trang A4, đánh máy, mỗi trang phải ghi số thứ tự. Trong đơn, cần phải mô tả rõ ràng nhãn hiệu về các yếu tố cấu thành của nhãn hiệu, ý nghĩa tổng thể của nhãn hiệu (nếu có) ; nếu nhãn hiệu có từ, ngữ thuộc ngôn ngữ tượng hình thì từ, ngữ đó phải được phiên âm; nhãn hiệu có từ, ngữ bằng tiếng nước ngoài thì phải được dịch ra tiếng Việt.

- Tài liệu phải được đánh máy hoặc in bằng loại mực khó phai mờ, một cách rõ ràng, sạch sẽ, không tẩy xoá, không sửa chữa; trường hợp phát hiện có sai sót không đáng kể thuộc về lỗi chính tả trong tài liệu đã nộp cho Cục Sở hữu trí tuệ (SHTT) thì người nộp đơn có thể sửa chữa các lỗi đó, nhưng tại chỗ bị sửa chữa phải có chữ ký xác nhận (và đóng dấu, nếu có) của người nộp đơn;

- Thuật ngữ dùng trong đơn phải là thuật ngữ phổ thông (không dùng tiếng địa phương, từ hiếm, từ tự tạo). Ký hiệu, đơn vị đo lường, phông chữ điện tử, quy tắc chính tả dùng trong đơn phải theo tiêu chuẩn Việt Nam;

- Đơn có thể kèm theo tài liệu bổ trợ là vật mang dữ liệu điện tử của một phần hoặc toàn bộ nội dung tài liệu đơn.

- Hàng hoá khi đăng ký phải được xếp vào các nhóm phù hợp với bảng phân loại do cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp công bố.

6. Quy trình nộp đơn đăng ký Nhãn hiệu :

6.1 Tra cứu nhãn hiệu (không bắt buộc): 

Để đánh giá khả năng đăng ký nhãn hiệu và tiết kiệm thời gian, tốt nhất người nộp đơn nên tiến hành tra cứu trước khi nộp đơn đăng ký chính thức. Việc này nhằm xác định xem nhãn hiệu của mình có trùng hoặc tương tự với nhãn hiệu của người khác đã được đăng ký cho cùng loại sản phẩm hay các sản phẩm tương tự hay không.

Thời gian tra cứu: 02 ngày.

Khi tra cứu, người nộp đơn cần cung cấp các hồ sơ sau:

- 05 mẫu nhãn hiệu;

- Danh mục hàng hoá/dịch vụ mang nhãn hiệu.

6.2 Đăng ký nhãn hiệu (thương hiệu/logo):

Nếu kết quả tra cứu cho thấy nhãn hiệu không trùng hoặc tương tự với nhãn hiệu của người khác đã được đăng ký thì người nộp đơn nên nộp hồ sơ đăng ký bảo hộ nhãn hiệu trong thời gian nhanh nhất để có ngày ưu tiên sớm.

6.3 Thời gian đăng ký nhãn hiệu:

Đơn đăng ký nhãn hiệu sẽ trải qua ba giai đoạn:

* Xét nghiệm hình thức đơn đăng ký nhãn hiệu: 01 tháng

Nếu đơn đáp ứng đủ yêu cầu, thì Cục Sở hữu trí tuệ (SHTT) xác nhận ngày nộp đơn hợp lệ, số đơn hợp lệ, ngày ưu tiên của đơn và thông báo cho người nộp đơn quyết định chấp nhận đơn.

Nếu đơn có các thiếu sót, Cục SHTT sẽ thông báo cho người nộp đơn và trong thời hạn hai tháng tính từ ngày thông báo, người nộp đơn phải sửa chữa các thiếu sót đó.

Thời hạn xét nghiệm hình thức : là 03 tháng kể từ ngày đơn đến Cục SHTT .

* Công bố đơn đăng ký nhãn hiệu: 02 tháng kể từ ngày đơn được chấp nhận hợp lệ về mặt hình thức

Nếu đơn hợp lệ thì được Cục SHTT công bố trên Công báo Sở hữu công nghiệp. Công báo này được ấn hành hàng tháng.

* Xét nghiệm nội dung: 07 tháng kể từ ngày công bố đơn đăng ký nhãn hiệu

Nếu đơn được công nhận là hợp lệ, không có tranh chấp hay khiếu nại gì khi công báo thì Cục SHTT sẽ thông báo cho người nộp đơn đóng lệ phí xét nghiệm nội dung. Sau đó, thì Cục SHTT tiến hành xét nghiệm nội dung.

Mục đích của việc xét nghiệm nội dung là để xác định đối tượng nêu trong đơn có đáp ứng các tiêu chuẩn bảo hộ mà luật pháp quy định hay không.

Thời hạn xét nghiệm nội dung: là 09 tháng tính từ ngày thông báo chấp nhận đơn hợp lệ.

Nếu kết quả xét nghiệm nội dung cho thấy nhãn hiệu của người nộp đơn có khả năng đăng ký, Cục SHTT sẽ tiến hành cấp Văn bằng bảo hộ trong thời gian 01 tháng sau đó.

7. Cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hàng hoá, Đăng bạ

Sau khi đơn được chấp nhận về nội dung, thì Cục SHTT thông báo cho người nộp đơn kết quả xét nghiệm và yêu cầu nộp lệ phí đăng bạ, lệ phí cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hàng hoá, lệ phí công bố Văn bằng bảo hộ .

Sau khi người nộp đơn nộp các lệ phí trên, thì Cục SHTT tiến hành các thủ tục cấp Văn bằng bảo hộ cho người nộp đơn, đăng bạ và công bố Văn bằng bảo hộ.

Nếu Người nộp đơn không nộp lệ phí theo yêu cầu, thì đơn coi như bị rút bỏ.

8. Thời hạn bảo hộ nhãn hiệu:

Thời hạn bảo hộ nhãn hiệu là 10 năm tính từ ngày nộp đơn. Chủ sở hữu Văn bằng bỏa hộ có thể gia hạn nhiều lần.

Địa chỉ nộp đơn:

Hồ sơ đăng ký nhãn hiệu được nộp tại: Cục sở hữu trí tuệ Việt Nam
Địa chỉ:  386 Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội.

Tài khoản: 920.90.006 Kho bạc Nhà nước Thanh Xuân

------------------------------------------------------

Bài liên quan:

*Qui định về nhãn hàng hóa


Cẩm nang pháp luật Ecolaw là tài sản trí tuệ của công ty luật hợp danh Ecolaw. Có ý nghĩa và chỉ nên sử dụng như tài liệu tham khảo. Công ty luật hợp danh Ecolaw không chịu trách nhiệm trong trường hợp quí vị sử dụng vào mục đích khác.
Quí vị có thể click vào menu “Cẩm nang pháp luật” để tìm đọc nội dung pháp lý mà mình quan tâm.
Lưu ý : bài viết trên thuộc lĩnh vực : Thương mại – Doanh nghiệp 

CÔNG TY LUẬT HỢP DANH ECOLAW – ĐỊA CHỈ TIN CẬY CỦA MỌI NGƯỜI

843 Lê Hồng Phong, P.12, Quận 10, TP. Hồ Chí Minh
Email: ecolaw1@gmail.com - website: www.ecolaw.vn