Tuesday, July 29, 2014

Qui định về thẩm quyền ký tên trên văn bản hành chính, pháp lý

Lê Hoàng Vũ

Tình huống pháp lý : Trong nhiều văn bản của các cơ quan nhà nước hoặc các tổ chức, doanh nghiệp … thường dùng các từ TL. GIÁM ĐỐC (Thừa lệnh giám đốc), KT (Ký thay), TUQ (Thừa ủy quyền), TM (Thay mặt)… Pháp luật qui định về việc này ra sao?

Nghị định 110/2004 của Chính phủ qui định về thẩm quyền ký các văn bản. Theo đó, có các trường hợp như sau:

 
Ký thay 

Ở cơ quan, tổ chức làm việc theo chế độ thủ trưởng, người đứng đầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền ký tất cả văn bản của cơ quan, tổ chức.

Tuy nhiên, người đứng đầu cơ quan, tổ chức có thể giao cho cấp phó của mình ký thay (KT.) các văn bản thuộc các lĩnh vực được phân công phụ trách. ( Lưu ý là việc phân công này phải thể hiện bằng văn bản. Có thể là “Giấy ủy quyền” hoặc “Bản phân công nhiệm vụ” …).

Ký “thay mặt”

Áp dụng ở cơ quan, tổ chức làm việc theo chế độ biểu quyết tập thể đối với các vấn đề, nội dung quan trọng. Khi đó, đối với những vấn đề quan trọng của cơ quan, tổ chức - mà theo quy định của pháp luật hoặc theo điều lệ của tổ chức, phải được thảo luận tập thể và quyết định theo đa số. Việc ký văn bản được quy định như sau:

- Người đứng đầu cơ quan, tổ chức thay mặt sẽ thay mặt (TM.) tập thể lãnh đạo ký các văn bản của cơ quan, tổ chức.

- Cấp phó của người đứng đầu và các thành viên giữ chức vụ lãnh đạo khác được thay mặt tập thể, ký thay người đứng đầu cơ quan, tổ chức những văn bản theo uỷ quyền của người đứng đầu và những văn bản thuộc các lĩnh vực được phân công phụ trách.

- Riêng việc ký văn bản về những vấn đề khác được thực hiện như quy định chung.

Ký “thừa ủy quyền”

Trong trường hợp đặc biệt, người đứng đầu cơ quan, tổ chức có thể uỷ quyền cho một cán bộ phụ trách dưới mình một cấp ký thừa uỷ quyền (TUQ.) một số văn bản mà lẽ ra mình phải ký.

Việc giao ký thừa uỷ quyền phải được quy định bằng văn bản và giới hạn trong một thời gian nhất định. Người được uỷ quyền không được uỷ quyền lại cho người khác ký.

Ký “thừa lệnh”

Người đứng đầu cơ quan, tổ chức có thể giao cho Chánh Văn phòng, Trưởng phòng Hành chính hoặc Trưởng một số đơn vị ký thừa lệnh (TL.) một số loại văn bản.

Việc giao ký thừa lệnh phải được quy định cụ thể trong quy chế hoạt động hoặc quy chế công tác văn thư của cơ quan, tổ chức.

Lưu ý chung : Khi ký văn bản không được dùng bút chì; không dùng mực đỏ hoặc các thứ mực dễ phai.


Cẩm nang pháp luật Ecolaw là tài sản trí tuệ của công ty luật hợp danh Ecolaw. Có ý nghĩa và chỉ nên sử dụng như tài liệu tham khảo. Công ty luật hợp danh Ecolaw không chịu trách nhiệm trong trường hợp quí vị sử dụng vào mục đích khác.
Quí vị có thể click vào menu “Cẩm nang pháp luật” để tìm đọc nội dung pháp lý mà mình quan tâm.
Lưu ý : bài viết trên thuộc lĩnh vực : Thương mại – Doanh nghiệp 

CÔNG TY LUẬT HỢP DANH ECOLAW – ĐỊA CHỈ TIN CẬY CỦA MỌI NGƯỜI

843 Lê Hồng Phong, P.12, Quận 10, TP. Hồ Chí Minh
Email: ecolaw1@gmail.com - website: www.ecolaw.vn