Wednesday, July 23, 2014

Quyền nhân thân

Quyền nhân thân chính là “nhân quyền” – như chúng ta hay nghe nói tới. Tại Việt Nam, quyền nhân thân được quy định tại Điều 24 Bộ luật dân sự năm 2005.

Trong bản Tuyên ngôn độc lập đọc ngày 2-9-1945, khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, chủ tịch Hồ Chí Minh đã trích dẫn một câu nói về quyền nhân thân theo Bản tuyên ngôn nhân quyền của nước Mỹ. Đó là “Mọi người sinh ra đều bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể chối cãi. Trong các quyền đó có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”.

Quyền nhân thân là nhân quyền (ảnh minh họa) 


Như vậy, có thể hiểu quyền nhân thân thực chất không phải là do ai ban phát cho chúng ta cả, mà vì chúng ta là Con Người – nên hiển nhiên chúng ta phải được hưởng những quyền đó. Nếu chưa được hưởng thì phải đấu tranh để giành lấy, để được hưởng các quyền nhân thân.

Theo qui định của pháp luật, quyền nhân thân là quyền dân sự, gắn liền với mỗi cá nhân và không thể chuyển giao cho người khác.

Hiểu nôm na đây là những quyền chỉ có ý nghĩa đối với chính người đó, nếu “áp” vào người khác thì không có ý nghĩa gì nữa hoặc cũng không thể “áp” được. Ví dụ : Tôi tên là Nguyễn Văn A. Như vậy, cái tên “Nguyễn Văn A” là của tôi và chỉ duy nhất là của tôi. Tôi không thể “chuyển giao” (mua, bán) cái tên này cho người khác. Nếu có ai đó cũng có tên là Nguyễn Văn A, thì đó là trường hợp trùng tên. Thực chất, đó là hai cái tên độc lập với nhau, của hai chủ thể khác nhau : tôi và một người khác có tên là Nguyễn Văn A.

Cụ thể, quyền nhân thân bao gồm những quyền cơ bản sau đây:

- Quyền đối với họ, tên và quyền thay đổi họ, tên.

- Quyền được khai sinh, khai tử.

- Quyền đối với hình ảnh cá nhân.

- Quyền được bảo đảm an toàn về tính mạng, sức khoẻ, thân thể .

- Quyền hiến bộ phận cơ thể, hiến xác, bộ phận cơ thể sau khi chết .

- Quyền xác định lại giới tính : người nào bị khuyết tật bẩm sinh hoặc chưa định hình chính xác giới tính thì có quyền nhờ sự can thiệp của y học nhằm xác định rõ về giới tính. Việc xác định lại giới tính được thực hiện theo quy định của pháp luật.

- Quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín.

- Quyền bí mật đời tư : Thư tín, điện thoại, điện tín, các hình thức thông tin điện tử khác của cá nhân được bảo đảm an toàn và bí mật.

- Quyền kết hôn, ly hôn, bình đẳng với vợ, chồng .

- Quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở : Chỉ trong trường hợp được pháp luật quy định và phải có quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền mới được tiến hành khám xét chỗ ở của một người; việc khám xét phải theo trình tự, thủ tục do pháp luật quy định.

- Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo : Cá nhân có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào.

- Quyền tự do đi lại, tự do cư trú .

- Quyền lao động, tự do kinh doanh, sáng tạo ...

Khi những quyền nhân thân trên của ai đó bị xâm hại, thì người đó có quyền:

1. Tự mình cải chính;

2. Yêu cầu người vi phạm hoặc yêu cầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền buộc người vi phạm chấm dứt hành vi vi phạm, xin lỗi, cải chính công khai;

3. Yêu cầu người vi phạm hoặc yêu cầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền buộc người vi phạm bồi thường thiệt hại - ở đây có thể hiểu là việc khởi kiện ra tòa.

(Theo Bộ luật dân sự)


Thuật ngữ pháp lý Ecolaw là sản phẩm trí tuệ của Công ty luật hợp danh Ecolaw, do các luật sư biên soạn theo quy định của pháp luật hiện hành, có ý nghĩa và chỉ nên xem là tư liệu tham khảo. Công ty luật hợp danh Ecolaw không chịu trách nhiệm trong trường hợp quí vị sử dụng vào các mục đích khác.


CÔNG TY LUẬT HỢP DANH ECOLAW – ĐỊA CHỈ TIN CẬY CỦA MỌI NGƯỜI