Tuesday, July 29, 2014

Qui định về nhãn hàng hoá - chờ cập nhật

Luật sư Trần Hồng Phong  giới thiệu

Ghi chú: Hiện nay Nghị định 43/2017/NĐ-CP đã thay thế Nghị định 89/2006. Chúng tôi sẽ sớm cập nhật thông tin mới vào bài viết này.

Nghị định 89/2006 ngày 30-8-2006 qui định về nội dung, cách ghi và quản lý nhà nước về nhãn đối với hàng hoá lưu thông tại Việt Nam, hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu. Đây là một văn bản quan trọng mà mọi doanh nghiệp cần phải nắm rõ và thực hiện đúng.

Tất cả các loại hàng hóa lưu thông trên thị trường đều phải có nhãn, với các nội dung bắt buộc phải có theo qui định của pháp luật (ảnh minh họa)
                                   
 Qui định chung:

Nghị định 89/2006 áp dụng đối với tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng hoá tại Việt Nam; tổ chức, cá nhân xuất khẩu, nhập khẩu hàng hoá.

"Nhãn hàng hoá" là bản viết, bản in, bản vẽ, bản chụp của chữ, hình vẽ, hình ảnh được dán, in, đính, đúc, chạm, khắc trực tiếp trên hàng hoá, bao bì thương phẩm của hàng hoá hoặc trên các chất liệu khác được gắn trên hàng hoá, bao bì thương phẩm của hàng hoá.

"Ghi nhãn hàng hoá" là thể hiện nội dung cơ bản, cần thiết về hàng hoá lên nhãn hàng hoá để người tiêu dùng nhận biết, làm căn cứ lựa chọn, tiêu thụ và sử dụng; để nhà sản xuất, kinh doanh quảng bá cho hàng hoá của mình và để các cơ quan chức năng thực hiện việc kiểm tra, kiểm soát.

Hàng hoá sau không bắt buộc phải ghi nhãn:

- Hàng hoá là thực phẩm tươi, sống, thực phẩm chế biến không có bao bì và bán trực tiếp cho người tiêu dùng;

- Hàng hoá là nhiên liệu, nguyên liệu (nông sản, thuỷ sản, khoáng sản), vật liệu xây dựng (gạch, ngói, vôi, cát, đá, sỏi, xi măng, đất màu, vữa, hỗn hợp bê tông thương phẩm), phế liệu (trong sản xuất, kinh doanh) không có bao bì và bán trực tiếp theo thoả thuận với người tiêu dùng.

"Xuất xứ hàng hoá" là nước hoặc vùng lãnh thổ nơi sản xuất ra toàn bộ hàng hoá hoặc nơi thực hiện công đoạn chế biến cơ bản cuối cùng đối với hàng hoá trong trường hợp có nhiều nước hoặc vùng lãnh thổ tham gia vào quá trình sản xuất hàng hoá đó.

"Thành phần" của hàng hoá là các nguyên liệu kể cả chất phụ gia dùng để sản xuất ra sản phẩm hàng hoá và tồn tại trong thành phẩm kể cả trường hợp hình thức nguyên liệu đã bị thay đổi.

Ngôn ngữ trình bày nhãn hàng hoá

Những nội dung thể hiện trên nhãn hàng hoá phải được ghi bằng tiếng Việt. Trong một số trường hợp cụ thể ngoài tiếng Việt có thể được ghi bằng ngôn ngữ khác. Nội dung ghi bằng ngôn ngữ khác phải tương ứng nội dung tiếng Việt. Kích thước chữ được ghi bằng ngôn ngữ khác không được lớn hơn kích thước chữ của nội dung ghi bằng tiếng Việt.

Hàng hoá nhập khẩu vào Việt Nam mà trên nhãn chưa thể hiện hoặc thể hiện chưa đủ những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt thì phải có nhãn phụ thể hiện những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt và giữ nguyên nhãn gốc của hàng hoá. Nội dung ghi bằng tiếng Việt phải tương ứng với nội dung ghi trên nhãn gốc.

Các nội dung sau được phép ghi bằng các ngôn ngữ khác có gốc chữ cái La tinh gồm :

- Tên quốc tế hoặc tên khoa học của thuốc dùng cho người.

- Tên quốc tế hoặc tên khoa học kèm công thức hoá học, công thức cấu tạo của hoá chất;

- Tên quốc tế hoặc tên khoa học của thành phần, thành phần định lượng của hàng hoá trong trường hợp không dịch được ra tiếng Việt.

- Tên và địa chỉ doanh nghiệp nước ngoài sản xuất, nhượng quyền sản xuất hàng hoá.

Trách nhiệm ghi nhãn hàng hoá

Nội dung ghi nhãn hàng hoá kể cả nhãn phụ phải bảo đảm trung thực, rõ ràng, chính xác, phản ánh đúng bản chất của hàng hoá.

Hàng hoá được sản xuất, lắp ráp, chế biến, đóng gói tại Việt Nam để lưu thông trong nước thì tổ chức, cá nhân sản xuất hàng hoá phải chịu trách nhiệm về việc ghi nhãn.

Hàng hoá được sản xuất, chế biến tại Việt Nam để xuất khẩu thì tổ chức, cá nhân xuất khẩu hàng hoá phải chịu trách nhiệm về việc ghi nhãn.

Trong trường hợp hàng hoá không xuất khẩu được mà đưa trở lại lưu thông trong nước thì tổ chức, cá nhân đưa hàng hoá ra lưu thông phải ghi nhãn theo quy định của Nghị định này.

Hàng hoá nhập khẩu vào Việt Nam mà nhãn gốc không phù hợp với quy định của Nghị định này thì tổ chức, cá nhân nhập khẩu phải ghi nhãn phụ theo quy định tại Nghị định này.

Nội dung bắt buộc phải thể hiện trên nhãn hàng hoá 

Nhãn hàng hoá bắt buộc phải thể hiện 3 nội dung sau:

- Tên hàng hoá;

- Tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hoá;

- Xuất xứ hàng hoá.

Ngoài ra, tùy theo tính chất của hàng hoá mà các nội dung trên nhãn có thể khác nhau đôi chút. Cụ thể như sau :

- Lương thực: Nội dung gồm : Định lượng; Ngày sản xuất; Hạn sử dụng.

- Thực phẩm: Định lượng; Ngày sản xuất; Hạn sử dụng; Thành phần hoặc thành phần định lượng; Thông tin, cảnh báo vệ sinh, an toàn; Hướng dẫn sử dụng, hướng dẫn bảo quản.

- Thuốc dùng cho người: Định lượng; Ngày sản xuất; Hạn sử dụng;Thành phần định lượng; Thông tin, cảnh báo vệ sinh, an toàn, sức khoẻ; Hướng dẫn sử dụng, hướng dẫn (điều kiện) bảo quản.

- Mỹ phẩm: Định lượng; Ngày sản xuất; Hạn sử dụng; Thành phần; Thông tin, cảnh báo vệ sinh, an toàn, sức khoẻ; Hướng dẫn sử dụng, hướng dẫn bảo quản.

- Đồ chơi trẻ em: Thành phần; Thông số kỹ thuật;Thông tin, cảnh báo vệ sinh, an toàn; Hướng dẫn sử dụng.

- Ô tô: Nhãn hiệu và số loại (Model); Tự trọng (Khối lượng bản thân); Tải trọng; Mã nhận dạng phương tiện (VIN); Số chứng nhận kiểu loại được phê duyệt (Type Approved); Năm sản xuất.

- Mô tô, xe máy:Nhãn hiệu và số loại (Model); Tự trọng (Khối lượng bản thân);Dung tích xi lanh; Số chứng nhận kiểu loại được phê duyệt (Type Approved);Năm sản xuất.

- Ấn phẩm chính trị, kinh tế, văn hoá, khoa học, giáo dục, nghệ thuật: Nhà xuất bản (Nhà sản xuất), nhà in; Tên tác giả, dịch giả; Giấy phép xuất bản; Thông số kỹ thuật (khổ, kích thước, số trang).

Trong nghị định cũng qui định nội dung với hầu hết các loại hàng hóa như : Thuốc lá, Dược liệu, Thức ăn chăn nuôi, Thuốc bảo vệ thực vật, Giống cây trồng, vật nuôi, Sản phẩm dệt, may, da, giầy, Nhạc cụ ; Hàng thủ công mỹ nghệ ...

Tên và địa chỉ tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hoá

Hàng hoá được sản xuất trong nước thì ghi tên của tổ chức, cá nhân và địa chỉ cơ sở sản xuất hàng hoá đó.
Hàng hoá được nhập khẩu để lưu thông tại Việt Nam thì ghi tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân sản xuất và ghi tên, địa chỉ của tổ chức, cá nhân nhập khẩu.

Hàng hoá của tổ chức, cá nhân làm đại lý bán hàng trực tiếp cho thương nhân nước ngoài nhập khẩu hàng hoá vào Việt Nam thì ghi tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân sản xuất và tên, địa chỉ của tổ chức, cá nhân làm đại lý bán hàng hoá đó.

Định lượng hàng hoá

Hàng hoá định lượng bằng các đại lượng đo lường phải ghi theo quy định của pháp luật Việt Nam về đo lường.

Hàng hoá định lượng bằng số lượng thì phải ghi theo số đếm tự nhiên. Trường hợp trong một bao bì thương phẩm có nhiều đơn vị hàng hoá thì phải ghi định lượng của từng đơn vị hàng hoá và định lượng tổng các đơn vị hàng hoá hoặc định lượng của từng đơn vị hàng hoá và số lượng đơn vị hàng hoá.

Ngày sản xuất, hạn sử dụng, hạn bảo quản

Được ghi theo thứ tự ngày, tháng, năm của năm dương lịch. Mỗi số chỉ ngày, chỉ tháng, chỉ năm ghi bằng hai chữ số, được phép ghi số chỉ năm bằng bốn chữ số. Số chỉ ngày, tháng, năm của một mốc thời gian phải ghi cùng một dòng.

Trường hợp quy định ghi tháng sản xuất thì ghi theo thứ tự tháng, năm của năm dương lịch. Trường hợp quy định ghi năm sản xuất thì ghi bốn chữ số chỉ năm của năm dương lịch.

Xuất xứ hàng hoá

Trên nhãn ghi "sản xuất tại" hoặc "chế tạo tại" hoặc “xuất xứ” kèm tên nước hay vùng lãnh thổ sản xuất ra hàng hoá đó.

Đối với hàng hoá sản xuất tại Việt Nam để lưu thông trong nước, đã ghi địa chỉ của nơi sản xuất ra hàng hoá đó thì không bắt buộc phải ghi xuất xứ hàng hoá.

Thành phần, thành phần định lượng

Ghi tên nguyên liệu kể cả chất phụ gia dùng để sản xuất ra hàng hoá và tồn tại trong thành phẩm kể cả trường hợp hình thức nguyên liệu đã bị thay đổi.

Trường hợp tên của thành phần được ghi trên nhãn hàng hoá để gây sự chú ý đối với hàng hóa thì thành phần đó bắt buộc phải ghi định lượng.

Ghi thành phần định lượng là ghi thành phần kèm định lượng của từng thành phần. Tuỳ theo tính chất, trạng thái của hàng hoá, thành phần định lượng được ghi là khối lượng của thành phần đó có trong một đơn vị sản phẩm hoặc ghi theo một trong các tỷ lệ: khối lượng với khối lượng; khối lượng với thể tích; thể tích với thể tích; phần trăm khối lượng; phần trăm thể tích.

Thông số kỹ thuật, thông tin, cảnh báo vệ sinh, an toàn

Đối với hàng điện, điện tử, máy móc, thiết bị phải ghi các thông số kỹ thuật cơ bản.

Thuốc dùng cho người, vắcxin, sinh phẩm y tế, chế phẩm sinh học thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật phải ghi: Chỉ định, cách dùng, chống chỉ định của thuốc (nếu có); Số đăng ký, số lô sản xuất, dạng bào chế, quy cách đóng gói; Các dấu hiệu cần lưu ý cho từng loại thuốc theo quy định hiện hành.

Thành phần hoặc chất trong thành phần phức hợp của hàng hoá thuộc loại đặc biệt có sử dụng chất bảo quản mà đã quy định liều lượng sử dụng và xếp trong danh sách gây kích ứng, độc hại đối với người, động vật và môi trường phải ghi tên chất bảo quản kèm theo các thành phần này.

Các nội dung khác trên nhãn hàng hoá

Trên nhãn hàng hoá có thể ghi thêm những nội dung khác với điều kiện không được trái pháp luật và phải đảm bảo trung thực, chính xác, phản ánh đúng bản chất của hàng hoá, không che khuất, không làm sai lệch những nội dung bắt buộc ghi trên nhãn.

Ban hành kèm theo Nghị định số 89/2006 là 4 Phụ lục sau :

Phụ lục I : Cách ghi định lượng
Phụ lục II : Cách ghi mốc thời gian
Phụ lục III : Cách ghi thành phần, thành phần định lượng
Phụ lục IV : Cách ghi thông số kỹ thuật, thông tin, cảnh báo vệ sinh, an toàn

Bấm vào đây để xem :

Nghị định 89/2006: qui định về nhãn hàng hóa 


Cẩm nang pháp luật Ecolaw là tài sản trí tuệ của công ty luật Ecolaw, có ý nghĩa và chỉ nên sử dụng như là tài liệu tham khảo. Công ty luật Ecolaw không chịu trách nhiệm trong trường hợp quí vị sử dụng vào mục đích khác.

CÔNG TY LUẬT ECOLAW – Địa chỉ tin cậy của mọi người
23 Lê Lư, Q. Tân Phú, TP. Hồ Chí Minh
Email: ecolaw1@gmail.com - website: www.ecolaw.vn