1. Kháng cáo là “chống lại” bản án, quyết định của cấp tòa sơ thẩm
Kháng cáo là một trong các quyền tố tụng quan trọng của đương sự trong một vụ án (dân sự, hình sự, lao động …). Theo đó, khi cho rằng tòa án cấp sơ thẩm xét xử thiếu khách quan, chưa đúng … - thì đương sự có quyền nộp đơn đề nghị tòa cấp trên xử lại một lần nữa – gọi là phiên tòa phúc thẩm.
(Tại Việt Nam, hệ thống xét xử qua 2 cấp : sơ thẩm và phúc thẩm). Bộ luật tố tụng dân sự qui định về việc kháng cáo vụ án dân sự.
Như vậy, kháng cáo chính là một thủ tục – thông qua một văn bản gọi là “Đơn kháng cáo” thể hiện sự không đồng ý của một hoặc các bên đương sự đối với Bản án, Quyết định của tòa án sơ thẩm mà chưa có hiệu lực pháp luật.
Đối tượng của kháng cáo: có thể là “bản án” hoặc các “quyết định” như quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ giải quyết vụ án ...vv của toà án cấp sơ thẩm..
2. Ai có quyền kháng cáo, việc ủy quyền kháng cáo ra sao?
Đối tượng có quyền kháng cáo là đương sự, hoặc người đại diện theo ủy quyền của đương sự.
Việc ủy quyền này phải được lập thành văn bản. Trong văn bản ủy quyền phải ghi rõ tên người ủy quyền, người được ủy quyền, thời hạn ủy quyền và nội dung công việc được ủy quyền và 2 bên cùng ký tên vào.
Chẳng hạn: Nếu đương sự chỉ ủy quyền kháng cáo thì trong văn bản ủy quyền ghi rõ nội dung người đại diện được “thay mặt kháng cáo đối với bản án số …ngày… do TAND … xét xử”.
Trong trường hợp hai bên đã có văn bản ủy quyền trước đó, nội dung “ tham gia vào quá trình xét xử vụ án ở giai đoạn sơ thẩm và phúc thẩm, thực hiện các quyền và nghĩa vụ tố tụng của đương sự theo luật định” thì người được ủy quyền vẫn có quyền kháng cáo.
Trường hợp người ủy quyền là cá nhân thì văn bản ủy quyền phải có công chứng, chứng thực của Phòng công chứng nhà nước, UBND quận, huyện.
Nếu người ủy quyền là đại diện theo pháp luật của cơ quan, công ty (tổ chức) … - thì văn bản ủy quyền chỉ cần có chữ ký của người đại diện theo pháp luật, đóng dấu công ty.
3. Thời hạn kháng cáo là 15 ngày kể từ ngày tuyên án:
Thời hạn kháng cáo là khoảng thời gian đương sự có quyền nộp Đơn kháng cáo. Hết thời hạn này mà người kháng cáo vẫn không nộp đơn thì không được nộp đơn kháng cáo nữa, xem như đương sự từ bỏ quyền kháng cáo. Án sơ thẩm sẽ có hiệu lực pháp luật kể từ lúc này.
Theo qui định tại Bộ luật tố tụng dân sự, thời hạn kháng cáo đối với bản án sơ thẩm là 15 ngày (bao gồm cả ngày nghỉ, ngày lễ).
Thời điểm bắt đầu tính thời hạn kháng cáo bản án sơ thẩm được xác định là ngày tiếp theo của ngày Toà án tuyên án đối với đương sự có mặt tại phiên toà sơ thẩm hoặc là ngày bản án sơ thẩm được giao hoặc được niêm yết công khai tại trụ sở UBND cấp xã, phường nơi cư trú của đương sự.
Ví dụ: Ngày 21-9-2010, toà án xét xử sơ thẩm vụ án dân sự và tuyên án, thì đối với đương sự có mặt tại phiên toà, thì ngày bắt đầu tính thời hạn kháng cáo là ngày 22-09-2010, như vậy, 15 ngày sau tức ngày 6-10-2010 là hết hạn.
Trong trường hợp đương sự vắng mặt tại phiên tòa, thì thời hạn kháng cáo là 15 ngày kể từ ngày nhận được bản án ( bản án sẽ được Tòa gửi cho đương sự qua đường bưu điện hoặc thông báo cho đương sự).
Tuy nhiên, thời hạn kháng cáo đối với Quyết định chỉ là 7 ngày tính từ ngày nhận được Quyết định.
Ngày kháng cáo là ngày người kháng cáo nộp Đơn kháng cáo cho tòa án xử sơ thẩm. Trong trường hợp nộp đơn kháng cáo qua bưu điện thì ngày kháng cáo được tính căn cứ vào ngày bưu điện đóng dấu ở phong bì.
Cần lưu ý là qui định về thời hạn kháng cáo là rất quan trọng. Trên thực tế có không ít người đã bỏ mất cơ hội kháng cáo (cũng chính là quyền của mình) do nộp đơn kháng cáo trễ. Nhiều người thậm chí còn có tâm lý chờ nhận được bản án sơ thẩm thì mới làm đơn kháng cáo. Tuy nhiên thường thì tòa án ban hành bản án rất chậm, có khi phải tới cả tháng kể từ ngày xét xử mới có bản án. Thậm chí mới đây chúng tôi còn có trường hợp tại TAND TP.HCM xử từ tháng 5-2010 nhưng tới tháng 10-2010 (5 tháng) mới có bản án – dù đã có đơn khiếu nại ! “Sự thật đau lòng” là vậy.
Ngoài ra còn có những trường hợp cán bộ tòa án “lừa” đương sự. Khi đương sự lên hỏi về việc nộp đơn kháng cáo thì “trả lời miệng” theo kiểu “cứ từ từ”, “không sao đâu” ... trong khi thời gian kháng cáo đã gần hết. Làm cho nhiều đương sự đã phải “khóc” về sau.
4. Thủ tục kháng cáo:
Trong thời hạn kháng cáo, đương sự nộp Đơn kháng cáo cho tòa án đã xử sơ thẩm hoặc gửi trực tiếp cho tòa án cấp trên – sẽ tiến hành xử phúc thẩm.
Người kháng cáo có thể nộp thêm chứng cứ, tài liệu, chứng cứ bổ sung (nếu có) kèm theo đơn kháng cáo.
Sau khi tòa sơ thẩm nhận đơn kháng cáo, tòa án sẽ cấp giấy báo đã nhận đơn kháng cáo và thông báo nộp tiền tạm ứng án phí phúc thẩm (200 ngàn đồng).
Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được thông báo của tòa về việc nộp tạm ứng án phí thì người kháng cáo phải nộp tiền tạm ứng án phí và đem nộp lại biên lai cho tòa sơ thẩm. Lúc này việc kháng cáo của đương sự mới được xem là chính thức được thụ lý.
Nếu hết thời hạn này mà người kháng cáo không nộp tiền tạm ứng án phí phúc thẩm thì coi như người kháng cáo đã từ bỏ việc kháng cáo, trừ trường hợp có lý do chính đáng.
5. Kháng cáo quá hạn:
Kháng cáo quá hạn là trường hợp đương sự nộp đơn kháng cáo mà đã quá thời hạn luật quy định.
Theo đó, đương sự phải làm “Đơn kháng cáo quá hạn”, trong đơn ngoài lý do kháng cáo, người kháng cáo còn phải tường trình về lý do kháng cáo quá hạn và tài liệu, chứng cứ (nếu có) cho Toà án cấp phúc thẩm.
Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được đơn, Toà án cấp phúc thẩm thành lập Hội đồng để xem xét kháng cáo quá hạn và ra Quyết định trả lời đơn kháng cáo quá hạn, và ghi rõ lý do chấp nhận hoặc không chấp nhận.
Nếu Toà án cấp phúc thẩm chấp nhận, thì Toà án cấp sơ thẩm sẽ tiến hành các thủ tục, gửi hồ sơ vụ án cho Toà án cấp phúc thẩm. Nếu tòa án cấp phúc thẩm không chấp nhận thì bản án, Quyết định sơ thẩm có hiệu lực pháp luật.
Quyết định về kháng cáo quá hạn sẽ được gửi cho đương sự và Toà án cấp sơ thẩm.
Kinh nghiệm cho thấy để kháng cáo quá hạn thành công là không đơn giản. Thông thường, lý do “bị bệnh, nằm viện” và có bằng chứng kèm theo là hợp lý và tốt nhất. Còn nói theo kiểu “do không biết”, “không hiểu rõ qui định” gần chưa là … thua chắc !
--------------------------------------------------
Bài liên quan:
• Đơn kháng cáo quá hạn
Cẩm nang pháp luật Ecolaw là tài sản trí tuệ của
công ty luật hợp danh Ecolaw. Có ý nghĩa và chỉ nên sử dụng như tài liệu tham
khảo. Công ty luật hợp danh Ecolaw không chịu trách nhiệm trong trường hợp
quí vị sử dụng vào mục đích khác.
Quí vị có thể click vào menu
“Cẩm nang pháp luật” để tìm đọc nội
dung pháp lý mà mình quan tâm.
Lưu ý
: bài viết trên thuộc lĩnh vực : Tố tụng Dân sự - Hình sự
|
CÔNG
TY LUẬT HỢP DANH ECOLAW – ĐỊA CHỈ TIN CẬY CỦA MỌI NGƯỜI
843 Lê Hồng Phong, P.12, Quận
10, TP. Hồ Chí Minh
Email: ecolaw1@gmail.com -
website: www.ecolaw.vn
|