Thursday, July 24, 2014

Phiên dịch viên (Người phiên dịch)

Pháp luật Việt Nam qui định ngôn ngữ sử dụng tại phiên tòa xét xử các vụ án (dân sự, hình sự, hành chính …) là tiếng Việt. Chính vì vậy, nếu trong vụ án có sự tham gia của những người không sử dụng được tiếng Việt ( không biết, không hiểu) thì nhất thiết phải có phiên dịch viên.

Phiên dịch viên (hay còn gọi là Người phiên dịch) là người có khả năng dịch từ một ngôn ngữ khác ra tiếng Việt và ngược lại. Tại phiên tòa, nhiệm vụ của phiên dịch viên là làm “cầu nối ngôn ngữ” giữa người không sử dụng được tiếng Việt và những người khác (Hội đồng xét xử, nguyên đơn, bị đơn …).

Phiên dịch viên có thể được chính các bên đương sự thoả thuận lựa chọn, sau đó báo cho Tòa để Tòa xem xét, chấp nhận. Cũng có khi phiên dịch viên được chính Toà án yêu cầu tham dự phiên tòa (để phiên dịch).

Theo qui định tại Bộ luật tố tụng dân sự, phiên dịch viên có các quyền và nghĩa vụ sau đây:

- Phải có mặt theo giấy triệu tập của Toà án;

- Phải phiên dịch trung thực, khách quan, đúng nghĩa;

- Đề nghị người tiến hành tố tụng ( thẩm phán, kiểm sát viên), người tham gia tố tụng (nguyên đơn, bị đơn, nhân chứng …) giải thích thêm lời nói cần phiên dịch;

- Không được tiếp xúc với những người tham gia tố tụng khác nếu việc tiếp xúc đó làm ảnh hưởng đến tính trung thực, khách quan, đúng nghĩa khi phiên dịch;

- Được hưởng các khoản phí đi lại và các chế độ khác theo quy định của pháp luật;

- Phải cam đoan trước Toà án về việc thực hiện quyền, nghĩa vụ của mình.

Khi Người phiên dịch cố ý dịch sai sự thật hoặc khi được Toà án triệu tập mà vắng mặt không có lý do chính đáng thì phải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật.

Một điều cần lưu ý là những quy định về phiên dịch viên nói trên cũng được áp dụng đối với người có khả năng biết dấu hiệu của người câm, người điếc. Có nghĩa là khi trong vụ án có người câm, người điếc tham gia – thì người nào có khả năng “biết” được dấu hiệu của họ và có thể “truyền đạt” ý kiến, câu hỏi … của những người khác đến người câm, người điếc thì cũng có thể xem như là một “phiên dịch viên” khi tham gia phiên tòa.

                                      ( Theo Bộ luật tố tụng dân sự)


Thuật ngữ pháp lý Ecolaw là sản phẩm trí tuệ của Công ty luật hợp danh Ecolaw, do các luật sư biên soạn theo quy định của pháp luật hiện hành, có ý nghĩa và chỉ nên xem là tư liệu tham khảo. Công ty luật hợp danh Ecolaw không chịu trách nhiệm trong trường hợp quí vị sử dụng vào các mục đích khác.


CÔNG TY LUẬT HỢP DANH ECOLAW – ĐỊA CHỈ TIN CẬY CỦA MỌI NGƯỜI