Thursday, July 24, 2014

Luật tố tụng dân sự

Luật tố tụng dân sự ( tại Việt Nam gọi là Bộ luật tố tụng dân sự) là văn bản pháp luật quy định những nguyên tắc cơ bản về cách thức, trình tự, thủ tục … giải quyết một vụ án dân sự.

Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, chúng ta nên biết tới thuật ngữ pháp lý “tố tụng”. Nói một cách đơn giản, “tố tụng” được hiểu là các thủ tục, cách thức, trình tự … trong một ngành luật nào đó. Ví dụ : “tố tụng hình sự” là cách thức, trình tự, thủ tục … giải quyết một vụ án hình sự, “tố tụng lao động” là cách thức, trình tự, thủ tục giải quyết vụ án lao động …


Cụ thể hơn, luật tố tụng dân sự qui định về :

- Trình tự, thủ tục khởi kiện để Toà án giải quyết các vụ án về tranh chấp dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động (gọi chung là vụ án dân sự).

- Nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng (tòa án, viện kiểm sát… ), người tiến hành tố tụng (thẩm phán, thư ký tòa án, hội thẩm nhân dân …)

- Quyền và nghĩa vụ của người tham gia tố tụng ( nguyên đơn, bị đơn, người làm chứng …)

Luật tố tụng dân sự được áp dụng đối với mọi hoạt động tố tụng dân sự trên toàn lãnh thổ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, kể cả trong các vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài ( trường hợp điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc gia nhập có quy định khác).

Cá nhân, cơ quan, tổ chức nước ngoài thuộc đối tượng được hưởng các quyền ưu đãi, miễn trừ ngoại giao hoặc các quyền ưu đãi, miễn trừ lãnh sự theo pháp luật Việt Nam, theo điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc gia nhập thì vụ việc dân sự có liên quan đến cá nhân, cơ quan, tổ chức đó được giải quyết bằng con đường ngoại giao.

Theo Bộ luật tố tụng dân sự, các nguyên tắc cơ bản sau được tôn trọng :

- Quyền yêu cầu Toà án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.

- Quyền quyết định và tự định đoạt của đương sự. Trong quá trình giải quyết vụ án dân sự, các đương sự có quyền chấm dứt, thay đổi các yêu cầu của mình hoặc thoả thuận với nhau một cách tự nguyện, không trái pháp luật và đạo đức xã hội.

- Quyền cung cấp chứng cứ và chứng minh trong tố tụng dân sự. Các đương sự có quyền và nghĩa vụ cung cấp chứng cứ cho Toà án và chứng minh cho yêu cầu của mình là có căn cứ và hợp pháp.

- Sự bình đẳng về quyền và nghĩa vụ trong tố tụng dân sự. Mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật, trước Toà án không phân biệt dân tộc, nam nữ, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo, trình độ văn hoá, nghề nghiệp.

- Bảo đảm quyền bảo vệ của đương sự. Đương sự có quyền tự bảo vệ hoặc nhờ luật sư hay người khác bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

- Xét xử công khai. Việc xét xử vụ án dân sự của Toà án được tiến hành công khai, mọi người đều có quyền tham dự. Trong trường hợp đặc biệt cần giữ bí mật nhà nước, giữ gìn thuần phong mỹ tục của dân tộc, giữ bí mật nghề nghiệp, bí mật kinh doanh, bí mật đời tư của cá nhân theo yêu cầu chính đáng của đương sự thì Toà án xét xử kín, nhưng phải tuyên án công khai.

- Thực hiện chế độ hai cấp xét xử. Toà án thực hiện chế độ hai cấp xét xử. Bản án, quyết định sơ thẩm của Toà án có thể bị kháng cáo, kháng nghị. Bản án, quyết định sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm trong thời hạn do Bộ luật này quy định thì có hiệu lực pháp luật; đối với bản án, quyết định sơ thẩm bị kháng cáo, kháng nghị thì vụ án phải được xét xử phúc thẩm. Bản án, quyết định phúc thẩm có hiệu lực pháp luật.



Thuật ngữ pháp lý Ecolaw là sản phẩm trí tuệ của Công ty luật hợp danh Ecolaw, do các luật sư biên soạn theo quy định của pháp luật hiện hành, có ý nghĩa và chỉ nên xem là tư liệu tham khảo. Công ty luật hợp danh Ecolaw không chịu trách nhiệm trong trường hợp quí vị sử dụng vào các mục đích khác.


CÔNG TY LUẬT HỢP DANH ECOLAW – ĐỊA CHỈ TIN CẬY CỦA MỌI NGƯỜI