Saturday, July 26, 2014

Sức khỏe và quyền được làm việc


Nghề luật sư đòi hỏi về trí tuệ nhiều hơn là sức khỏe (ảnh minh họa)

Hoàng Phúc

(Ecolaw.vn) – Lao động là quyền của con người. Người sức khỏe kém, thậm chí dị tật, thương binh vẫn có quyền làm việc trong điều kiện phù hợp. Pháp luật khuyến khích tạo công ăn việc làm cho người khuyết tật, người có sức khỏe kém. Việc tự ý đặt ra những qui định nhằm cản trở quyền lao động của công dân cần phải chấm dứt và phê phán.


Tháng 7-2008, Đoàn luật sư tỉnh Bến Tre triển khai việc giám định sức khỏe đối với các luật sư từ 58 tuổi trở lên theo chỉ đạo của Sở Tư pháp tỉnh này. Theo đó, “nếu luật sư nào không còn đủ sức khỏe sẽ bị đề nghị xem xét thu hồi chứng chỉ hành nghề” (báo Pháp luật TP.HCM ngày 6-7-2008).

Có thể nói ngay rằng, “qui định” và “chỉ đạo” như trên của Sở Tư pháp Bến Tre là hoàn toàn trái pháp luật. Hiện nay không có văn bản nào qui định luật sư sức khỏe kém thì bị thu hồi chứng chỉ hành nghề - tương đương với việc bị mất quyền hành nghề luật sư.

Việc các địa phương, bộ ngành bày vẽ thêm ra những thứ vẫn được gọi là “giấy phép con” như của Sở Tư pháp Bến Tre thực ra không phải là quá lạ ở Việt Nam. Như trường hợp của Luật Doanh nghiệp chẳng hạn, từ khi ra đời vào năm 2000, tới nay đã có cả trăm văn bản trái qui định “ăn theo” luật này bị phát hiện và bãi bỏ.

Chuyện luật sư có thể bị tước quyền hành nghề vì sức khỏe kém không biết được thực hiện theo “sáng kiến” của ông cán bộ nào. Nhưng qua đó thêm một lần nữa để người ta thấy rõ hơn về kiểu “tư tưởng” vẫn đang tồn tại trong ý thức của không ít cán bộ công chức. Đó là quá ham ôm đồm trong quản lý, quá “chăm lo” cho của thiên hạ - trong khi những chuyện đó lại hoàn toàn không cần thiết và trái thẩm quyền. Đó là lối tư duy cũ kỹ của một thời bao cấp đã qua, theo kiểu xin – cho, ban phát, hành chính rườm rà.

Sự việc còn cho thấy vị cán bộ nào đó ở Sở Tư pháp Bến Tre đã không có được sự hiểu biết và nhận thức đầy đủ về pháp luật, về mối quan hệ pháp luật trong lao động, giữa người lao động và việc sử dụng lao động trong xã hội, chưa hiểu hết về các quyền của con người – vốn được pháp luật tôn trọng và bảo vệ - trong đó có quyền được làm việc, sáng tạo …

Hẳn nhiều người đều biết rằng tại Việt Nam, nam đến 60 tuổi và nữ đến 55 tuổi là nghỉ hưu. Qui định như vậy trước hết là để bảo vệ quyền lợi và sức khỏe của người lao động sau một thời gian dài làm việc, cống hiến. Qui định này áp dụng chủ yếu ở khối các cơ quan hành chính Nhà nước hoặc các tổ chức thuộc Nhà nước quản lý. Nhưng điều đó hoàn toàn không có nghĩa là cứ 60 tuổi là không còn quyền làm việc, lao động.

Điều đó lại càng không liên quan gì đến những người hành nghề mang tính chuyên môn sâu, độc lập và theo hình thức “tự do” như nghề luật sư. Để dễ hình dung, có thể so sánh như : không luật nào lại cấm người sức khỏe yếu thì không được mở doanh nghiệp, không được kinh doanh, hay bác sỹ sức khỏe yếu thì không được khám bệnh…

Thực ra, để hành nghề các luật sư phải “tự trả lương” cho mình chứ không phải là ăn lương như công chức. Việc các luật sư có “tồn tại”, sống được với nghề hay không phụ thuộc vào uy tín và khả năng chuyên môn của họ, chứ không phải là do sức khỏe kém hay lớn/hoặc nhỏ tuổi.

Trong xã hội chúng ta có những công việc, ngành nghề đã và đang đòi hỏi ngày càng cao hơn về yếu tố chất xám, trí tuệ …. chứ không hẳn là sức khỏe hay tuổi tác.

Chẳng hạn như các chính trị gia. Rất nhiều vị tổng thống, thủ tướng đảm đương chức vụ ở tuổi 60, thậm chí là 70, 80. Đối với các hình thức lao động mang tính phổ thông, đơn giản, làm việc bằng chân tay … thì yếu tố sức khỏe là thực sự cần thiết. Tuy vậy, việc quyết định trả tiền để thuê ai đó làm việc là thuộc về quyền của các “ông chủ” chứ không phải là quyền của các cơ quan hành chính Nhà nước. Chẳng hạn như đối với người bị cụt một cánh tay thì hẳn không có doanh nghiệp nào thuê để làm thợ hàn. Nhưng vẫn có thể có nơi khác thuê để làm các công việc không cần dùng đến tay.

Trên thực tế, đã có rất nhiều người dù sức khỏe kém, thậm chí rất kém nhưng vẫn làm việc cho đến khi chết. Điều đáng nói hơn là những việc mà họ làm được đã mang lại những lợi ích lớn lao không chỉ cho cá nhân họ mà còn cho đất nước họ, cho sự phát triển của xã hội loài người. Đó là các trường hợp như nhà bác học Stephen Hawking hay tổng thống Mỹ Franklin Delano Roosevelt chẳng hạn. Ở Việt Nam cũng không hiếm những tấm gương như vậy.

Với tư duy lỗi thời như vị cán bộ nào đó ở Sở Tư pháp tỉnh Bến Tre, theo thiển ý của người viết, chính vị này mới cần bị tước “chứng chỉ hành nghề”.

--------------------------------------------------------------------------------------

Thông tin tham khảo:

Sức khỏe không tốt nhưng những người khỏe mạnh phải nghiêng mình!

* Anh hùng châu Á Phạm Thị Huệ

Chị là Phạm Thị Huệ, người đã mắc phải căn bệnh thế kỷ HIV. Khi biết mình bị nhiễm HIV, chị Huệ đã rất đau khổ trước sự xa lánh của mọi người. Tuy nhiên, với tấm lòng của người mẹ và nghị lực trong cuộc sống, chị đã can đảm công khai mình là người bị nhiễm HIV. Tại Việt Nam, chị đã trở thành biểu tượng về lòng dũng cảm trong tuyên truyền về HIV-AIDS.


Cựu Tổng thống Hoa Kỳ Bill Clinton và Phạm Thị Huệ tháng 12-2006 - Ảnh: Kỳ Thanh

Năm 2004, Phạm Thị Huệ được tạp chí Time bình chọn là Anh hùng Châu Á. Năm 2007, tổ chức Diễn đàn kinh tế thế giới bình chọn Huệ là “Nhà lãnh đạo trẻ toàn cầu”.

Hiện chị đang công tác với vai trò tình nguyện cho Liên Hiệp quốc nhằm năng cao kỹ năng và kiến thức cho người nhiễm HIV-AIDS, tuyên truyền để giảm phân biệt đối xử với người bệnh và nâng cao hiệu quả chăm sóc và điều trị bệnh nhân AIDS.

* Nhà giáo ưu tú Nguyễn Ngọc Ký

Không được may mắn như bao người, tuổi thơ của thầy Nguyễn Ngọc Ký là những chuỗi ngày buồn tủi vì đôi tay teo cơ, không thể cầm nắm được.

Nhưng với khao khát được học hỏi, cậu bé Nguyễn Ngọc Ký đã không chịu thua số phận, cố gắng mày mò và tập viết bằng chân. Nhờ nghị lực phi thường, Ngọc Ký đã trở thành học sinh giỏi, đỗ vào Đại học tổng hợp Văn Hà Nội. 35 năm trong nghề, thầy Nguyễn Ngọc Ký không chỉ truyền đạt những bài học từ sách vở cho bao thế hệ học trò, thầy còn tấm gương đầy nghị lực để mọi người noi theo.

 
Thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký đang dùng chân viết chữ

Mặc dù hiện nay tuổi đã cao, nhưng hằng ngày, thầy Ngọc Ký vẫn làm công tác tư vấn tâm lý và giáo dục cho giới trẻ qua tổng đài 1088, vẫn miệt mài ngồi máy tính, dùng chân gõ những câu đố, vần thơ...

* Stephen Hawking - bộ óc vĩ đại trong một cơ thể bệnh tật

Stephen Hawking là một nhà vật lý người Anh. Ông được coi là ông hoàng của vật lý lý thuyết trong thế giới hiện đại ngày nay.

Hawking hiện là giáo sư Lucasian, chức danh dành cho giáo sư toán học của Đại học Cambridge. Từng đảm nhiệm vị trí này là những nhà khoa học xuất chúng như Isaac Newton, Paul Dirac…


Bên trong cơ thể bệnh tật này là một bộ óc vĩ đại

Hawking bị mắc một chứng bệnh về thần kinh có tên là bệnh Lou Gehrig. Ông gần như mất hết khả năng cử động. Ông đã phải trải qua rất nhiều cuộc phẫu thuật, bị cắt khí quản và không còn khả năng nói chuyện bình thường được nữa.

Cuộc đời ông từ nhiều thập niên qua gắn chặt với chiếc xe lăn. Việc giao tiếp của ông với thế giới xung quanh được thực hiện qua một thiết bị tổng hợp tiếng gắn với một máy tính mà ông gõ chữ vào đó.

Lĩnh vực chính của Hawking là nghiên cứu lý thuyết vũ trụ học và hấp dẫn lượng tử. Ông đưa ra các công trình toán học ủng hộ cho lý thuyết Vụ nổ lớn (Big Bang) về nguồn gốc vũ trụ. Ông còn cho rằng, sau Vụ nổ lớn, các hố đen nguyên thủy hoặc các hố đen siêu nhỏ được hình thành. Ông chứng minh rằng diện tích bề mặt của hố đen không bao giờ giảm, rằng tồn tại một giới hạn trong quá trình phát xạ khi các hố đen va vào nhau, và rằng một hố đen không thể bị tách thành hai hố đen riêng biệt. Năm 1974, các tính toán của ông cho thấy các hố đen có thể tạo và phát ra các hạt hạ nguyên tử cho đến khi chúng cạn kiệt năng lượng và bị nổ tung. Lần đầu tiên ông đưa ra bức xạ Hawking có liên quan đến sự hấp dẫn, cơ học lượng tử và nhiệt động lực học. Năm 1981, Hawking cho rằng vũ trụ không có biên nhưng lại hữu hạn trong không thời gian và năm 1983 ông đã chứng minh điều này bằng toán học.

* Tổng thống 4 nhiệm kỳ trên chiếc xe lăn

Ông là Franklin Delano Roosevelt (1882- 1945), vị tổng thống thứ 32 của Hoa Kỳ. Ông là vị thổng thống duy nhất của Hoa Kỳ từng tại chức hơn hai nhiệm kỳ ( thực tế là 4 nhiệm kỳ từ năm 1933 đến năm 1945).
Roosevelt được xem là một trong ba tổng thống vĩ đại nhất trong lịc sử nước Mỹ.

Từ năm 1921, Roosevelt bị bại liệt hoàn toàn từ thắt lưng trở xuống.



Ba nhà lãnh đạo thế giới tại Yalta, tháng 1 năm 1945: Churchill (Anh), Roosevelt (Mỹ) và Stalin (Liên Xô)

Với khớp hông và chân được hỗ trợ bởi những thanh sắt, Roosevelt di chuyển trong những khoảng cách ngắn bằng cách lắc lư thân trên với sự trợ giúp của một cây gậy chống. Trong chỗ riêng tư ông thường sử dụng một chiếc xe lăn, nhưng không bao giờ để công chúng thấy hình ảnh ông ngồi trên xe lăn. Roosevelt thường xuất hiện trước công chúng trong tư thế đứng thẳng người với một phụ tá hoặc một trong các con trai của ông đứng kế bên.

Trong cả đời mình, ông không bao giờ chấp nhận là người “bại liệt” - xét về nghĩa bóng. Sau khi trở thành Tổng thống Hoa Kỳ, Roosevelt giúp thành lập Tổ chức Quốc gia cho Trẻ em Bại liệt (National Foundation for Infantile Paralysis), ngày nay được biết dưới tên March of Dimes, do đó hình ảnh ông được ghi nhớ trên đồng dime.

-----------------------------

Thu hồi chứng chỉ nếu luật sư không đủ sức khỏe

Đoàn luật sư tỉnh Bến Tre vừa triển khai chỉ đạo của Sở Tư pháp tỉnh về việc giám định lại sức khỏe cho các luật sư của đoàn.

Các luật sư sinh từ năm 1950 trở về trước (từ 58 tuổi trở lên) phải đi giám định lại sức khỏe. Nếu luật sư nào không còn đủ sức khỏe theo tiêu chuẩn luật định, ban chủ nhiệm đoàn đề nghị Bộ trưởng Tư pháp xem xét thu hồi chứng chỉ hành nghề. Nhiều luật sư cho rằng chỉ đạo trên không có cơ sở vì không có quy định buộc luật sư phải chấm dứt hành nghề nếu sức khỏe yếu.

( Pháp luật TP.HCM 06-07-2008)