Tuesday, December 15, 2020

Tiền điện tử: xu thế tất yếu trong thương mại điện tử

Ls. Trần Hồng Phong



Tiền ảo không có nghĩa là không có giá trị hay đồng nghĩa với “lừa đảo”. Vấn đề là việc cung ứng và sử dụng phải hợp pháp, điều kiện kỹ thuật công nghệ phải bảo đảm. Chính phủ Việt Nam đã cho phép sử dụng tiền ảo thông qua các nhà cung ứng dịch vụ “trung gian thanh toán” được Ngân hàng Nhà nước cấp phép.

Tiền điện tử là xu thế tất yếu trong thương mại điện tử (ảnh minh họa)






Tiền điện tử đang từng bước được hợp pháp hóa trên toàn thế giới  

Tiền điện tử hay còn gọi là “tiền ảo” được nhắc đến lần đầu vào năm 2008, với tên gọi là Bitcoin, trong một bài viết nói về “giao thức thanh toán ngang hàng” – một hình thức mới trong thanh toán mua bán hàng hóa, dịch vụ.

Theo Wikipedia, ngày 5/10/2009, lần đầu tiên giá trị của Bitcoin được ấn định trên sàn giao dịch tại Mỹ, khởi điểm ở mức 1 đô la Mỹ tương đương 1.309,03 bitcoin. Đến ngày 22/10/2010, lần đầu tiên Bitcoin được sử dụng để mua hàng hóa - là một chiếc bánh Pizza với giá 10.000 bitcoin, tương đương 25 đô la Mỹ tại thời điểm đó.

Dù vậy, tới nay vẫn có rất nhiều ý kiến, bao gồm ở tầm chuyên gia và cả tầm quốc gia, tỏ ra nghi ngờ hay phản đối việc cho phép tồn tại đồng Bitcoin nói riêng, tiền điện tử nói chung. Thậm chí có những ý kiến khá cực đoan, cho rằng đây là một hình thức … lừa đảo!

Nhưng có một thực tế, là sau khoảng 6 năm, đồng Bitcoin không hề chết mà vẫn phát triển. Thậm chí Bitcoin ngày càng được nhiều doanh nghiệp, quốc gia chấp nhận như là một giao thức thanh toán linh hoạt, thuận tiện. Không chỉ riêng đồng Bitcoin, ngày nay đã có khá nhiều đồng tiền điện tử khác nữa ra đời. Năm 2013, một số dịch vụ lớn như OKCupid, Baidu, Reddit, Humble Bundle, Foodler và Gyft bắt đầu sử dụng nó. Tại Canada đã có máy ATM mua bán Bitcoin đầu tiên trên thế giới.

Cũng theo Wikipedia, trong năm 2016, số lượng các doanh nghiệp chấp nhận Bitcoin trên toàn thế giới đã vượt qua 122.000. Các công ty có tên tuổi chấp nhận thanh toán bằng Bitcoin có thể kể đến như: Dell, Dish Network, Microsoft, Newegg, PayPal … - đó là những cái tên có thể nói không hề xa lạ với người Việt Nam.

Tại sao tiền điện tử vẫn tồn tại và ngày càng phát triển? Thực ra đó là một tất yếu khi khoa học công nghệ ngày càng phát triển. Thông qua mạng internet, thương mại điện tử đang phát triển với tốc độ nhanh chóng và chiếm tỷ trọng ngày càng lớn trong nền kinh tế toàn cầu. Đây chính là điều kiện vàng và đủ để các dịch vụ thanh toán trung gian dùng tiền điện tử được sinh ra và sử dụng, do tính tiện ích, an toàn và đa năng, linh hoạt của nó.

Nói tiền điện tử là “ảo” thực ra chỉ đúng về nghĩa đen. Vì thực chất và bản chất, tiền điện tử luôn có nguồn gốc và quy đổi từ tiền thật. Một người muốn có được một ví tiền điện tử (còn gọi là “ví điện tử”), trong đó có tiền, để mua một món hàng nào đó, thì điều kiện tiên quyết là họ phải có một số tiền thật, nộp vào ngân hàng hay nhà cung cấp dịch vụ thanh toán trung gian, để có tiền điện tử của mình. Và từ đó mới có thể thanh toán cho đối tác thông qua hình thức thương mại điện tử. Ngược lại, người nhận tiền điện tử từ người khác có thể quy đổi hay mua lại thành tiền thật.

Việt Nam đã và đang từng bước phát triển tiền điện tử

Hiện tại, có vẻ như người dân Việt Nam chưa hiểu biết một cách đầy đủ về tiền điện tử. Nhiều người cứ nghe đến Bitcoin hay tiền ảo, là nghĩ đến chuyện bất hợp pháp, lừa đảo, không có giá trị…
Điều này cũng có phần đúng, vì tính đến thời điểm hiện nay, Chính phủ Việt Nam chưa cho phép tiền điện tử Bitcoin được lưu hành tại Việt Nam. Có nghĩa là những giao dịch bằng Bitcoin là bất hợp pháp, vô giá trị. Thậm chí từ ngày 1/7/2016 tới đây, theo quy định tại điều 292 Bộ luật hình sự năm 2015, việc kinh doanh dịch vụ trung gian thanh toán trái phép trên mạng internet bị xem là hành vi phạm tội. Nên nếu ai mua bán bitcoin trên mạng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Tuy nhiên có một thực tế khác khá lặng lẽ mà có lẽ ít người biết đến, từ cuối năm 2012, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 101/2012 quy định về việc thanh toán không dùng tiền mặt, trong đó có đề cập đến dịch vụ “trung gian thanh toán” do các doanh nghiệp cung ứng (không phải là “ngân hàng”). Tiếp đó, tháng 12/2014, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư số 39/2014, hướng dẫn về dịch vụ trung gian thanh toán. Tại Thông tư này đã quy định khá chi tiết về các hình thức của dịch vụ trung gian thanh toán, điều kiện để được cấp phép kinh doanh dịch vụ trung gian thanh toán … Nói một cách nôm na, là Việt Nam cũng đã chính thức hợp pháp hóa việc có thể sử dụng tiền điện tử trong thanh toán mua bán hàng hóa, thuê dịch vụ …

Theo tôi được biết, hiện đã có một số tổ chức, doanh nghiệp tại Việt Nam đang triển khai các dự án liên quan đến việc kinh doanh dịch vụ thanh toán trung gian. Bản thân tôi, qua công việc của mình, biết chắc chắn có một doanh nghiệp vừa được cấp giấy phép dịch vụ trung gian thanh toán, sử dụng tiền điện tử. Doanh nghiệp này đang xây dựng hạ tầng kỹ thuật, và dự kiến sẽ tích hợp phần mềm thanh toán bằng tiền điện tử vào các website thương mại điện tử có hợp tác, liên kết với họ.

Nói chung, tiền điện tử là một giao thức thanh toán còn khá mới mẻ, đang ở giai đoạn khởi điểm và chỉ bắt đầu phát triển ở quy mô toàn cầu. Do vậy, cũng chưa thể đánh giá hết tính ưu việt, tích cực, cũng như những khả năng tiêu cực, rủi ro có thể xảy ra. Ngay cả hệ thống pháp luật nói chung, trên thế giới và ở từng quốc gia, cũng chưa có hoặc chưa hoàn thiện, đầy đủ.

Có lẽ chúng ta cần có thêm thời gian để kiểm chứng, để trải nghiệm. Trước mắt, theo tôi, người tiêu dùng cần thận trọng, chỉ nên sử dụng các ví điện tử hợp pháp do các nhà cung cấp dịch vụ trung gian thanh toán có giấy phép hoạt động hợp pháp. Và cũng chỉ nên sử dụng một cách “dè dặt”, giá trị giao dịch thấp.

Song bất luận thế nào, theo quan điểm và đánh giá của tôi, sự phát triển của tiền điện tử trong tương lai gần là điều chắc chắn. Vì đây chính là một phương thức thanh toán hiện đại, thuận tiện và phù hợp một cách thiết thân với các tính năng của thương mại điện tử nói riêng, của nền kinh tế toàn cầu trong bối cảnh hòa nhập, không biên giới nói chung.

............

(Ghi chú: Bài viết này đăng trên báo Doanh nhân Sài Gòn số 396 (29.6-5.7.2016). Tác giả luật sư Trần Hồng Phong là thành viên công ty luật Ecolaw)