(Ecolaw.vn) - Ủy thác mua bán hàng hóa là một hoạt động thương mại, được quy định trong Luật thương mại. Bản chất có thể xem như một dạng dịch vụ (mua bán hàng giúp) và nhận thù lao theo thỏa thuận. Ủy thác phân biệt với môi giới thương mại ở chỗ một bên là trực tiếp mua/bán, trong khi môi giới là đứng trung gian (làm cò) chứ không trực tiếp tham gia mua/bán.
(ảnh minh họa)
1. Uỷ thác mua bán hàng hóa là gì?
Uỷ thác mua bán hàng hoá là hoạt động thương mại, theo đó bên nhận uỷ thác thực hiện việc mua bán hàng hoá với danh nghĩa của mình theo những điều kiện đã thoả thuận với bên uỷ thác và được nhận thù lao uỷ thác.
Ví dụ: Công ty A là doanh nghiệp sản xuất ra sản phẩm bóng đèn A, vì không có điều kiện thuận lợi để bán hàng qua Campuchia, nên công ty A ủy thác cho công ty B - là một công ty Việt Nam nhưng có công ty con ở Campuchia, bán bóng đèn A tại Campuchia. Hai bên thỏa thuận cứ 1.000 sản phẩm bán ra, công ty B sẽ được hưởng 5% giá trị. Trong trường hợp này, công ty A là "bên ủy thác", còn công ty B là "bên nhận ủy thác".
- Bên nhận uỷ thác mua bán hàng hoá là thương nhân kinh doanh mặt hàng phù hợp với hàng hoá được uỷ thác và thực hiện mua bán hàng hoá theo những điều kiện đã thoả thuận với bên uỷ thác.
- Bên uỷ thác mua bán hàng hoá là thương nhân hoặc không phải là thương nhân giao cho bên nhận uỷ thác thực hiện mua bán hàng hoá theo yêu cầu của mình và phải trả thù lao uỷ thác.
- Tất cả các hàng hoá lưu thông hợp pháp trên thị trường đều có thể được uỷ thác mua bán.
2. Hợp đồng uỷ thác
- Việc giao và nhận ủy thác trong mua bán hàng hóa là một hợp đồng thương mại, phải được lập thành văn bản hoặc bằng hình thức khác có giá trị pháp lý tương đương.
- Bên nhận uỷ thác không được uỷ thác lại cho bên thứ ba thực hiện hợp đồng uỷ thác mua bán hàng hoá đã ký, trừ trường hợp có sự chấp thuận bằng văn bản của bên uỷ thác.
- Bên nhận uỷ thác có thể cùng lúc nhận uỷ thác mua bán hàng hoá của nhiều bên uỷ thác khác nhau.
3. Quyền và nghĩa vụ của bên uỷ thác
Trừ trường hợp có thoả thuận khác, bên uỷ thác có các quyền sau đây:
1. Yêu cầu bên nhận uỷ thác thông báo đầy đủ về tình hình thực hiện hợp đồng uỷ thác;
2. Không chịu trách nhiệm trong trường hợp bên nhận uỷ thác vi phạm pháp luật, trừ trường hợp do các bên cùng cố ý làm trái pháp luật.
Trừ trường hợp có thoả thuận khác, bên uỷ thác có các nghĩa vụ sau đây:
1. Cung cấp thông tin, tài liệu và phương tiện cần thiết cho việc thực hiện hợp đồng uỷ thác;
2. Trả thù lao uỷ thác và các chi phí hợp lý khác cho bên nhận ủy thác;
3. Giao tiền, giao hàng theo đúng thoả thuận;
4. Liên đới chịu trách nhiệm trong trường hợp bên nhận uỷ thác vi phạm pháp luật mà nguyên nhân do bên uỷ thác gây ra hoặc do các bên cố ý làm trái pháp luật.
4. Quyền và nghĩa vụ của bên nhận uỷ thác
Trừ trường hợp có thoả thuận khác, bên nhận uỷ thác có các quyền sau đây:
1. Yêu cầu bên uỷ thác cung cấp thông tin, tài liệu cần thiết cho việc thực hiện hợp đồng uỷ thác;
2. Nhận thù lao uỷ thác và các chi phí hợp lý khác;
3. Không chịu trách nhiệm về hàng hoá đã bàn giao đúng thoả thuận cho bên uỷ thác.
Trừ trường hợp có thoả thuận khác, bên nhận uỷ thác có các nghĩa vụ sau đây:
1. Thực hiện mua bán hàng hoá theo thỏa thuận;
2. Thông báo cho bên uỷ thác về các vấn đề có liên quan đến việc thực hiện hợp đồng uỷ thác;
3. Thực hiện các chỉ dẫn của bên uỷ thác phù hợp với thoả thuận;
4. Bảo quản tài sản, tài liệu được giao để thực hiện hợp đồng uỷ thác;
5. Giữ bí mật về những thông tin có liên quan đến việc thực hiện hợp đồng uỷ thác;
6. Giao tiền, giao hàng theo đúng thoả thuận;
7. Liên đới chịu trách nhiệm về hành vi vi phạm pháp luật của bên ủy thác, nếu nguyên nhân của hành vi vi phạm pháp luật đó có một phần do lỗi của mình gây ra.