Sunday, June 10, 2018

Công ty mẹ xuất hóa đơn cho dịch vụ do công ty con cung ứng được không?

Hỏi: Kính gửi Luật sư Ecolaw, mong Luật sư tư vấn giúp: Công ty tôi có ký hợp đồng với công ty TNHH XXX Logistics (công ty con, tên đã mã hóa), nhưng lại có một giao dịch phát sinh với Công ty TNHH XXX AA (công ty mẹ, tên đã mã hóa). Trường hợp này chúng tôi ký Phụ lục hợp đồng để công ty mẹ xuất hóa đơn có được hay không? Cảm ơn Luật sư! (Ng. Ng.)

Luật sư Trần Hồng Phong trả lời:

Trong một giao dịch mua bán hàng hóa hay thuê/cung ứng dịch vụ, mỗi bên chủ thể đều bắt buộc phải là những pháp nhân có tư cách độc lập, có quyền giao dịch (ký kết) hợp đồng và chịu trách nhiệm trước pháp luật về những hợp đồng mà mình đã ký kết.

Trong khi đó, theo quy định tại Luật doanh nghiệp, thì mối quan hệ công ty mẹ - công ty con giữa hai doanh nghiệp – là nói về mối quan hệ về nguồn vốn và quản lý. Chứ hoàn toàn không có nghĩa là công ty con không có tính độc lập trong hạch toán so với công ty mẹ. Hay nói khác đi, về mặt quản lý và kinh doanh, hai công ty (mẹ - con) hạch toán độc lập với nhau. Có nghĩa là nếu công ty A bán hàng, hay cung ứng dịch vụ, thì công ty A phải có trách nhiệm xuất hóa đơn. Chứ không thể công ty A bán hàng, nhưng hóa đơn lại do công ty B (cho dù là công ty mẹ của A) xuất. Nếu điều này xảy ra, tức là đã vi phạm nguyên tắc tài chính, kế toán.

Nói tóm lại là giao dịch với công ty nào, dù là công ty mẹ hay công ty con, thì chính công ty cung ứng dịch vụ/bán hàng hóa sẽ xuất hóa đơn - theo đúng bản chất của giao dịch. Trong trường hợp này phải xuất 2 hóa đơn với hai nội dung (dịch vụ) khác nhau. Và bản “phụ lục” mà bạn nêu – thực chất chính là một hợp đồng độc lập.

(Ý kiến nêu trên là nói theo nguyên tắc thực hiện đúng quy định của pháp luật. Tuy nhiên trên thực tế, nếu hai bên vẫn thỏa thuận và thực hiện việc xuất hóa đơn như bạn nêu, và không bị ai phát hiện, thì nói chung là cũng “xong việc”. Nhưng ngược lại, nếu sau này bị cơ quan thuế kiểm tra hay phát hiện, thì có thể sẽ bị phiền toái).

Ngoài ra, cũng cần lưu ý là nếu đây là trường hợp Công ty và Chi nhánh công ty thì lại khác. Trên thực tế không ít người nhầm lẫn, nghĩ rằng “chi nhánh” là “công ty con” của công ty. Theo quy định, chi nhánh là đơn vị phụ thuộc của công ty, không có tài sản riêng. Do vậy, tùy theo từng trường hợp cụ thể và phụ thuộc vào phương thức quản lý, hạch toán của mỗi doanh nghiệp, hai bên có thể thỏa thuận là Chi nhánh bán hàng, nhưng Công ty sẽ xuất hóa đơn (tôi không đi chi tiết vào tình huống này, vì không thuộc phạm vi câu hỏi). www.ecolaw.vn



Chuyên mục Luật sư tư vấn Ecolaw do các luật sư của công ty luật hợp danh Ecolaw thực hiện. Quí vị hãy gửi câu hỏi theo địa chỉ ecolaw2@gmail.com để được giải đáp hoàn toàn miễn phí – trừ trường hợp câu hỏi quá phức tạp hoặc không rõ ràng. Thông tin càng chi tiết, cụ thể - nội dung tư vấn càng chính xác, hiệu quả. Phần lớn các câu hỏi – đáp (được mã hóa để bảo mật) sẽ được đăng trên website này nhằm mục đích phổ biến kiến thức pháp luật phổ thông cho mọi người.   
Quí vị có thể click vào menu “Luật sư tư vấn” để tìm đọc thêm các vấn đề mà mình quan tâm.
Lưu ý: bài viết trên thuộc lĩnh vực “Thương mại – Doanh nghiệp”

CÔNG TY LUẬT ECOLAW – ĐỊA CHỈ TIN CẬY CỦA MỌI NGƯỜI
23 Lê Lư, P. Phú Thọ Hoà, Q. Tân Phú, TP. Hồ Chí Minh 
Email: ecolaw1@ecolaw.vn - website: www.ecolaw.vn