Monday, January 12, 2015

Bộ TTTT thay đổi mã vùng điện thoại: Áp đặt, gây thiệt hại và … hòa cả làng!?

Ls. Trần Hồng Phong

(Ecolaw.vn) - Việc Bộ TTTT bất ngờ ban hành Thông tư quy định về việc thay đổi mã vùng điện thoại tại hầu như toàn bộ địa phương trên cả nước, trong đó có TP.HCM và Hà Nội - hai trung tâm kinh tế lớn của cả nước, áp dụng từ ngày 1-3-2015, đã thực sự là một "đòn gây sốc" cho hầu hết các doanh nghiệp. Bởi lẽ từ thời gian “quy định” cho đến khi áp dụng chỉ chưa tới 2 tháng. Trước đó, các doanh nghiệp không hề hay biết, cũng không có bất kỳ động thái đánh động nào từ phía các cơ quan quản lý Nhà nước.

(Ảnh minh họa)


Phiền phức, tốn kém cho doanh nghiệp

Việc thay đổi bất ngờ như trên chắc chắn sẽ gây ra rất nhiều phiền phức, tốn kém cho doanh nghiệp. Thậm chí là cả những hệ lụy, những thiệt hại lớn nhỏ có thể phát sinh mà khó có thể hình dung trước được.

Để phù hợp với sự thay đổi mã vùng điện thoại và bảo đảm sự vận hành bình thường của mình, việc đầu tiên mà các doanh nghiệp không thể không làm là phải thay đổi, hay nói chính xác hơn là phải bỏ cũ, làm mới lại hàng loạt bộ nhận diện doanh nghiệp như: danh thiếp, bì thư, bảng hiệu, giấy tiêu đề … Chỉ riêng việc này đối với những doanh nghiệp lớn đã phải tiêu tốn hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu đồng. Tiếp đến, là bao bì sản phẩm, bảng quảng cáo, các ấn phẩm tiếp thị, xúc tiến thương mại … - số tiền bỏ ra sẽ còn cao hơn nữa.

Một doanh nghiệp sản xuất thực phẩm than trời với tôi rằng mới tháng rồi họ đã phải tốn mấy trăm triệu đồng để thiết kế và in bao bì cho lô hàng Tết nguyên đán sắp tới. Nay với sự thay đổi như thế này, thật chưa biết tính sao! Nếu làm lại xem sự hết cả lãi (giả sử là bán được hàng Tết đạt doanh số tốt).

Hay nói khác đi, việc thay đổi số điện thoại sẽ làm ảnh hưởng xấu đến toàn bộ hoạt động bình thường của doanh nghiệp. Nhìn rộng ra trên cả nước, thì con số thiệt hại và tốn kém chắc là phải hàng tỷ, hàng chục tỷ đồng.

Đó là chưa kể trong hoạt động kinh doanh, chắc chắn sẽ có những tình huống phải điều chỉnh, phát sinh. Đặc biệt là những hợp đồng thương mại có giá trị lớn, với đối tác nước ngoài. Vì theo lẽ thông thường và cơ bản, khi có sự thay đổi về thông tin liên lạc trong hợp đồng, không thể đơn giản là báo cho bên kia biết mà hai bên phải lập thành phụ lục để điều chỉnh. Nếu không báo hoặc thông báo không đúng cách, chỉ cần việc liên lạc bị tắc, bị sai thì phía có thay đổi thông tin phải chịu trách nhệm. Chẳng hạn như việc giao một lô hàng bị đình trệ , phía Việt Nam sẽ bị cho là có lỗi, sẽ nị thiệt hại và phải bồi thường v.v...

Công tác dự báo, quy hoạch kém cỏi, lạc hậu

Việc thay đổi quá gấp gáp như vậy cho thấy công tác dự báo, quy hoạch của những cơ quan Nhà nước có thẩm quyền kém cỏi và lạc hậu. Đây không phải là lần đầu tiên và không phải chỉ xảy ra trong lĩnh vực viễn thông. Sự thay đổi số điện thoại gần nhất là năm 2008 cũng chưa bao lâu. Lần nào các cơ quan quản lý Nhà nước cũng đưa ra những lý do rất hay ho để né tránh sự yếu kém, hạn chế của mình. Việc thay đổi lần này cũng chẳng có gì bảo đảm sẽ được lâu dài. Sở dĩ tôi có cảm giác này vì thấy rằng sau khi đã thay đổi, thì mã vùng mới cũng rất “loạn”, không cho thấy có sự tính toán khoa học, logic.

Một câu hỏi mà nhiều doanh nghiệp muốn biết là khi bị thiệt hại từ việc thay đổi mã vùng điện thoại, thì doanh nghiệp có thể yêu cầu bên nào hoặc “ai đó” bồi thường thiệt hại được hay không? Thật đáng buồn là pháp luật hiện nay (theo quan điểm của tôi) là không thể, là bất lực!

Vì doanh nghiêp sử dụng thuê bao điện thoại thông qua hợp đồng với nhà cung cấp dịch vụ. Trong khi đó quy định về mã vùng điện thoại thuộc thẩm quyền của Bộ TTTT, của Nhà nước. Do vậy, việc thay đổi không phải là “lỗi” của nhà cung cấp dịch vụ. Cho nên cơ sở pháp lý và khả năng DN đòi bồi thường thiệt hại là không có.

Ở một phương diện khác, xét về mặt quản lý Nhà nước, việc yếu kém về tầm nhìn, về vấn đề quy hoạch … của các cơ quan chức năng Nhà nước rõ ràng là “lỗi”, là sự thiếu trách nhiệm với xã hội nói chung, với nền kinh tế nói riêng. Chính vì vậy, xã hội đòi hỏi đội ngũ lãnh đạo, quản lý Nhà nước phải có kiến thức, tầm nhìn đáp ứng nhu cầu phát triển của đất nước.

Cũng qua sự việc này, người ta cũng thấy sự áp đặt, sự quan liêu và thậm chí là vô cảm từ phía cơ quan quản lý Nhà nước, mà ở đây là Bộ TTTT.

Theo quy định hiện hành, khi ban hành một bộ luật tác động đến đời sống người dân, trước hết phải công khai dự thảo để người dân góp ý, xây dựng Rồi trình ra Quốc Hội biểu quyết thông qua. Quá trình kéo dài hàng năm, thậm chí nhiều năm và công khai để người dân biết, tự có sự chuẩn bị, thích nghi.

Còn ở đây , tuy chỉ ở mức thông tư, song phạm vi áp dụng rất rộng, tác động, ảnh hưởng đến rất nhiều người dân, Bộ TTTT trong việc quyết định thay đổi mã vùng điện thoại- đã không hề có sự thông báo nào trước đó. “Đùng phát” đổi luôn.

Theo tôi, trước mắt cần kéo dài thời gian áp dụng việc thay đổi ít nhất thêm 6 tháng - 1 năm nữa. Để các doanh nghiệp có thời gian chuẩn bị, điều chỉnh kế hoạch, giảm thiểu thiệt hại. Nhất là trong bối cảnh tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp nói chung đang rất khó khăn.

Nếu thông tư Bộ TTTT vẫn có hiệu lực thi hành từ thời điểm 1/3/2015 , thì rõ ràng sự thiệt hại cho DN ở đây là do yếu tố con người, chứ không phải và không thể xem là tình huống “bất khả kháng”. Doanh nghiệp không có lỗi, mà lại bị thiệt hại, và chỉ biết tự mình gánh chịu, cuối cùng hòa cả làng – như vậy là thiếu công bằng và không hợp lý.

...................

Ghi chú: Bài viết này cũng được đăng trên báo Thế giới tiếp thị ngày 9-1-2015.

-----------------

Cập nhật thông tin:

Ngày 10-1-2015, báo Vietnamnet có đăng bài nêu ý kiến của lãnh đạo Bộ TTTT thì việc thay đổi mã vùng điện thoại sẽ được thực hiện theo "lộ trình", có thể kéo dài trong nhiều năm chứ không phải là sẽ thực hiện ngay vào ngày 1-3-2015.