Sunday, June 10, 2018

Hỏi về việc khởi kiện vì website và logo của công ty bị nhái y chang

Hỏi: Kính gửi luật sư Ecolaw. Chúng tôi là một doanh nghiệp bán hoa tươi trên mạng, xin được tư vấn hướng giải quyết trường hợp như sau: Vừa qua, chúng tôi phát hiện có một website tên là XXX (mã hóa), cũng kinh doanh cùng lĩnh vực như của công ty tôi. Điều đáng nói là công ty này thiết kế giao diện website hầu như trùng khớp với website của chúng tôi, kể cả về nội dung, lẫn hình thức, kể cả các menu, tên gọi các mục… (Xin xem đường dẫn). Ngoài ra, logo của công ty này thiết kế cũng có màu sắc và chữ A giống y chang như logo của công ty tôi (công ty tôi đã đăng ký bản quyền logo này, xin xem logo). Nói tóm lại là họ nhái y chang như công ty tôi và điều này sẽ làm khách hàng lầm tưởng đây là website bán hàng của chúng tôi. Chúng tôi hiểu rằng việc nhái như vậy là vi phạm pháp luật và có ý định sẽ khiếu nại hay thậm chí khởi kiện công ty XXX ra tòa để bảo vệ quyền lợi của mình. Vậy chúng tôi xin được hỏi là trường hợp này công ty XXX đã vi phạm gì? Và chúng tôi có thể khởi kiện yêu cầu họ phải thay đổi website và logo được không? Xin chân thành cám ơn. (D. Th).

Luật sư Trần Hồng Phong trả lời: 

Việc cá nhân hay tổ chức nào đó có dấu hiệu “nhái” thiết kế, logo như bạn nêu thuộc lĩnh vực sở hữu trí tuệ.

Trước hếtt, phải nói là những tranh chấp trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ thường là rất phức tạp, việc giải quyết, đánh giá thường nặng tính chủ quan (kể cả tòa án, trọng tài – là nơi có thẩm quyền giải quyết). Khi xảy ra tranh chấp và nếu các bên không đạt được thỏa thuận, sẽ phải đưa ra các cơ quan tài phán giải quyết, thì thường sẽ mất rất nhiều thời gian, công sức. Nhiều khi không thu được kết quả theo ý muốn. Nhiều trường hợp kết quả giải quyết có thể đảo lộn. Những vụ án giữa các “đại gia” như Samsung và Apple chẳng hạn – minh chứng cho điều này.

Qua thông tin trong thư của bạn, tôi thấy có 2 nội dung tách biệt nhau:

- Một là: Cho rằng giao diện website của công ty XXX giống với giao diện website của công ty bạn.

- Hai là: Cho rằng trong cấu trúc cấu thành logo (nhãn hiệu/tên thương mại) của công ty XXX  có chữ A lấy từ chữ A trong logo của công ty bạn.

Tôi sẽ lần lược trao đổi từng nội dung như dưới đây.

1. Về việc giao diện website giống nhau:

- Trước hết, cần xác định rằng việc cá nhân/tổ chức thiết kế ra giao diện của một website là tạo ra sản phẩm “trí tuệ”. Nhưng cần thấy rằng bản thân các website không phải là vấn đề gì mới mẻ, mà đã có từ mấy chục năm qua. Các cấu trúc giao diện như menu ngang, dọc, tổng hợp … - đều đã được phổ biến và áp dụng khắp thế giới. Cho nên nếu xét về mặt cấu trúc, kỹ thuật – thì website của công ty bạn không có tính mới hay sáng tạo gì khác biệt so với hàng triệu website khác đang hoạt động trên mạng internet.

- Nói chung, tôi cũng đồng ý là website của XXX có giao diện nhìn khá giống với website của công ty bạn. Tuy nhiên, mình không/chưa có cơ sở để nói rằng XXX đã “ăn cắp” của mình. Còn việc XXX “học tập” hay “nhái” theo (về mặt giao diện website) của công ty bạn là điều pháp luật không cấm.

-  Nay, nếu mình cho rằng giao diện của XXX giống hay nhái của mình, có thể làm cho khách hàng nhầm lẫn – thì điều đó hoàn toàn là quyền của mình. Công ty bạn hoàn toàn có quyền gửi công văn yêu cầu XXX thay đổi giao diện website. Và nếu XXX không đồng ý, thì công ty bạn cũng hoàn toàn có quyền và có thể khởi kiện ra tòa án.

- Nhưng vấn đề quan trọng nhất, là để có thể thắng kiện, thì công ty bạn phải chứng minh được 2 vấn đề sau: Một là giao diện website của công ty bạn là có tính “mới”, đã được cấp “giấy chứng nhận” bảo hộ về kiểu dáng, thiết kế. Hai là chứng minh XXX đã “ăn cắp”. Theo tôi rõ ràng cả hai điều này đều khó (nếu không muốn nói là “rất khó”). Vì nói chung, cấu trúc giao diện như của công ty bạn hay XXX hiện nay đang là hợp lý và khoa học nhất, đang được rất nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực này cùng áp dụng, chứ không riêng gì XXX.

- Do vậy, tuy không bàn ra, nhưng tôi cho rằng công ty bạn cần cân nhắc đến tính hiệu quả trong công việc. Nếu mình gừi công văn yêu cầu XXX thay đổi giao diện, và họ không đồng ý thì công ty bạn vô hình chung sẽ bị đẩy vào 2 khả năng: một là “chịu thua”, hai là phải đưa tới những cơ quan chức năng, thậm chí phải kiện ra Tòa án. Thì điều này có nên và cần thiết hay không? Đây là điều mà công ty bạn cần cân nhắc.

2. Về việc có chữ A trong logo của XXX:

- Trước hết, tôi cũng thấy đúng là chữ A trong logo XXX giống y chang chữ A trong logo của công ty bạn. Và xét về màu sắc, thì cả hai đều có màu vàng tươi, giống nhau.

- Theo quy định của pháp luật sở hữu trí tuệ, thì logo chính là thương hiệu, nhãn hiệu (về sản phẩm, dịch vụ) của doanh nghiệp. Doanh nghiệp có quyền và được bảo hộ nhãn hiệu của mình. Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu cấp cho doanh nghiệp bao gồm cả việc bảo hộ logo (gồm các yếu tố hình vẽ, màu sắc, kiểu chữ …vv). Nhưng mình cần lưu ý là bảo hộ logo là bảo hộ “nguyên khối” chứ không bảo hộ tách biệt. Ví dụ như logo “Honda” của công ty Honda đã đăng ký nhãn hiệu, thì có nghĩa là được pháp luật bảo hộ nguyên khối chữ Honda – gồm cả chi tiết cách điệu chữ viết, màu sắc...vv. Chứ không phải là bảo hộ riêng từng chữ cái H, hay D …vv.

- Một trường hợp khác, là nếu logo ra sau nhái hay làm giống logo trước, có thể GÂY NHẦM LẪN, thì doanh nghiệp có logo trước có quyền khiếu nại (kể cả trong trường hợp chưa đăng ký nhãn hiệu).

- Như vậy, vấn đề quan trọng đặt ra ở đây là: liệu khi những khách hàng tiềm năng nhìn vào logo XXX, có thể bị nhầm lẫn đây là logo của công ty bạn hay không? Hoặc nghĩ rằng đây là một dịch vụ của công ty bạn hay không?  

- Và một yếu tố không thể không nói tới là tính nổi tiếng của nhãn hiệu (nhãn hiệu nổi tiếng). Theo quy định của pháp luật, “nhãn hiệu nổi tiếng” là nhãn hiệu lâu năm, liên tục, được nhiều người biết tới, có thị phần lớn. Nói chung nhãn hiệu nổi tiếng sẽ được pháp luật “bênh vực” khi xảy ra những tranh chấp về sở hữu trí tuệ.

- Mặt khác, mình cũng nên nhớ là nhiều khi khiếu nại, tranh chấp với nhãn hiệu khác sẽ dẫn đến tình huống lợi bất cập hại. Tức là giả sử xảy ra vụ kiện, thì không khéo lại chính là giúp quảng cáo cho XXX. Từ chỗ chưa ai biết, có thể XXX sẽ trở thành một nhãn hiệu “nổi tiếng”, cho dù họ thua kiện.

- Thế nên, nay nếu công ty bạn khiếu nại chữ A nói riêng, logo XXX nói chung, thì theo tôi thấy cũng là hợp lý, và cũng có căn cứ. Tuy nhiên kết quả thắng thua như thế nào thì quả là không thể nói trước được. Khả năng thắng theo tôi là khoảng 50%.

Tóm lại, quan điểm của tôi như sau:

- Về giao diện website: không cần thiết phải khiếu nại.

- Về logo XXX – có thể khiếu nại, khởi kiện. Nhưng cần cân nhắc và xác định khả năng vụ việc kéo dài, kết quả không chắc chắn. Và hệ quả về sau. www.ecolaw.vn


Chuyên mục Luật sư tư vấn Ecolaw do các luật sư của công ty luật hợp danh Ecolaw thực hiện. Quí vị hãy gửi câu hỏi theo địa chỉ ecolaw2@gmail.com để được giải đáp hoàn toàn miễn phí – trừ trường hợp câu hỏi quá phức tạp hoặc không rõ ràng. Thông tin càng chi tiết, cụ thể - nội dung tư vấn càng chính xác, hiệu quả. Phần lớn các câu hỏi – đáp (được mã hóa để bảo mật) sẽ được đăng trên website này nhằm mục đích phổ biến kiến thức pháp luật phổ thông cho mọi người.   
Quí vị có thể click vào menu “Luật sư tư vấn” để tìm đọc thêm các vấn đề mà mình quan tâm.
Lưu ý: bài viết trên thuộc lĩnh vực “Thương mại – Doanh nghiệp”

CÔNG TY LUẬT ECOLAW – ĐỊA CHỈ TIN CẬY CỦA MỌI NGƯỜI
23 Lê Lư, P. Phú Thọ Hoà, Q. Tân Phú, TP. Hồ Chí Minh 
Email: ecolaw1@ecolaw.vn - website: www.ecolaw.vn