Sunday, June 10, 2018

Có thể thỏa thuận về bồi thường thiệt hại tính trước trong giao dịch thương mại hay không?

Hỏi: Chào anh (chị)! Em hiện là sinh viên và đang nghiên cứu vấn đề có nên quy định cụ thể  về chế tài bồi thường thiệt hại tính trước (Liquidated Damages) trong các giao dịch thương mại hay không? Em nghiêng về đáp án là không, nhưng luận cứ của em thì lại quá sơ sài không thuyết phục lắm. Em mong anh chị có thể tư vấn giúp em và cho em những ý kiến pháp luật để em có những lập luận tốt hơn. Em chân thành cảm ơn! (T. Quach).


Luật sư Trần Hồng Phong trả lời:

Dù câu hỏi của bạn chỉ là vấn đề lý thuyết, nhưng trên thực tế cũng là thắc mắc của nhiều doanh nghiệp, nên tôi vui lòng trao đổi quan điểm của mình như dưới đây.

Trong các hình thức chế tài trong giao dịch thương mại hiện nay, có quy định về bồi thường thiệt hại. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng bất luận thế nào, thì cũng chỉ phát sinh nghĩa vụ bồi thường thiệt hại khi thỏa cả 3 điều kiện sau: một là một bên có sự vi phạm hợp đồng, hai là một bên bị thiệt hại, ba là có mối quan hệ nhân quả giữa sự vi phạm hợp đồng và thiệt hại. Cụ thể: sự vi phạm hợp đồng của bên này là nguyên nhân trực tiếp gây thiệt hại cho bên kia.

Về nguyên tắc, theo quy định của pháp luật dân sự và thương mại, thì thiệt hại tới đâu bồi thường tới đó. Tức là thiệt hại phải có thật và khi đó, bên vi phạm phải bồi thường toàn bộ thiệt hại cho bên bị vi phạm.

Tuy nhiên, trong các giao dịch dân sự nói chung hay thương mại nói riêng, nguyên tắc thỏa thuận, tự quyết luôn được tôn trọng và đề cao. Tức là khi có tranh chấp hay phát sinh quan hệ pháp lý bồi thường thiệt hại, các bên có thể thỏa thuận hay hòa giải với nhau mà không nhất thiết phải đưa ra tòa án. Miễn là cả hai bên đều tự nguyện và chấp nhận được. Không có pháp luật nào ngăn cấm việc các bên tự thỏa thuận với nhau, dù là mức bồi thường có thể là “vô lý”, quá cao hay quá thấp.

Dựa theo nguyên tắc trên, thì rõ ràng việc hai bên thỏa thuận trước về việc bồi thường thiệt hại – theo một con số cụ thể X nào đó - không phải là điều vô lý. Mà theo tôi thậm chí nên khuyến khích.

Ví dụ: bên A bán cho bên B 100 chiếc TV Sony, nhưng khi giao hàng lại chỉ có thể giao 50 chiếc Sony (vì hết hàng), số còn lại thay thế vào là 50 chiếc TV Samsung. Trong trường hợp này, về nguyên tắc bên B có quyền yêu cầu bên A phải thực hiện đúng hợp đồng (cũng là một biện pháp chế tài). Tức là phải giao thêm 50 chiếc TV Sony nữa. Nếu bên A vẫn không giao được, thì có thể thấy bên B sẽ bị thiệt hại. Trong trường hợp này, nếu nói theo luật, thì bên B khó chứng minh được một cách đầy đủ là mình thiệt hại bao nhiêu. Tuy nhiên, giả sử nếu hai bên có thỏa thuận trước là nếu không giao đủ hàng, thì cứ mỗi chiếc thiếu bên A phải bồi thường cho bên B một số tiền Y nào đó – mà hai bên đều có thể chấp nhận được, thì theo tôi, không có gì là sai trái hay vi phạm pháp luật. Hay nói khác đi, việc hai bên thỏa thuận về thiệt hại tính trước – như đề tài nghiên cứu của bạn, theo tôi là được.

Tuy nhiên, khi tranh chấp xảy ra thật, giả sử bên A “bẻ chỉa”, không chấp nhận thực hiện bồi thường theo đúng thỏa thuận trong hợp đồng đã ký, hai bên phải dẫn nhau ra tòa án giải quyết, thì có thể Tòa án sẽ đánh giá rằng thỏa thuận trên là “chưa phù hợp” và sẽ chỉ buộc bên A bồi thường theo mức thiệt hại thực tế.

Trong trường hợp nêu trên, chúng ta thấy có vẻ có sự không đồng bộ giữa quy định của pháp luật và nguyên tắc tự quyết của các bên trong giao dịch thương mại. Điều này thực ra cũng là tất yếu, vì pháp luật hướng đến sự công bằng, sự thật, không chấp nhận bên này “ép” bên kia. Có nghĩa là nếu hai bên tự chấp nhận được với nhau thì OK. Nhưng nếu có mâu thuẫn, phải đưa ra tòa án, nhờ đến pháp luật giải quyết – thì hai bên phải chấp nhận theo luật, theo phán quyết của Tòa. Đó là điều các bên phải hiểu khi giao dịch với nhau.

Qua những nội dung có phần hơi “luẩn quẩn” như trên, điều mà tôi muốn nói là: Các bên có thể thỏa thuận về chế tài bồi thường thiệt hại tính trước. Nhưng nên bám sát, tiệm cận với thực tế và quy định của pháp luật. Và cũng cần phải bổ sung thêm chế tài phạt vi phạm hợp đồng, để tăng tính “răn đe” đối với các bên, trong việc tôn trọng hợp đồng. Còn việc bồi thường thiệt hại thực ra chỉ là biện pháp “khắc phục hậu quả”, thực chất không mang lại lợi lộc gì cho bên bị thiệt hại. www.ecolaw.vn

---------------

Bài liên quan:


Chuyên mục Luật sư tư vấn Ecolaw do các luật sư của công ty luật hợp danh Ecolaw thực hiện. Quí vị hãy gửi câu hỏi theo địa chỉ ecolaw2@gmail.com để được giải đáp hoàn toàn miễn phí – trừ trường hợp câu hỏi quá phức tạp hoặc không rõ ràng. Thông tin càng chi tiết, cụ thể - nội dung tư vấn càng chính xác, hiệu quả. Phần lớn các câu hỏi – đáp (được mã hóa để bảo mật) sẽ được đăng trên website này nhằm mục đích phổ biến kiến thức pháp luật phổ thông cho mọi người.   
Quí vị có thể click vào menu “Luật sư tư vấn” để tìm đọc thêm các vấn đề mà mình quan tâm.
Lưu ý: bài viết trên thuộc lĩnh vực “Thương mại – Doanh nghiệp”

CÔNG TY LUẬT ECOLAW – ĐỊA CHỈ TIN CẬY CỦA MỌI NGƯỜI
23 Lê Lư, P. Phú Thọ Hoà, Q. Tân Phú, TP. Hồ Chí Minh 
Email: ecolaw1@ecolaw.vn - website: www.ecolaw.vn