Sunday, June 10, 2018

Phạt vi phạm hợp đồng mức 8% là đúng hay sai?


Hỏi : K/g luật sư, trong hợp đồng dưới đây (cũng do Ecolaw tư vấn) “Hợp đồng mua bán máy móc, thiết bị” tôi thấy khoản tiền phạt vi phạm là 50 triệu đồng > 8 % giá trị hợp đồng là 130 triệu đồng. Rất mong được luật sư giải thích. Cảm ơn luật sư và công ty. ( Hoang Minh Th.)



Luật sư Trần Hồng Phong trả lời:

Chúng tôi nhận thấy anh đã rất tinh ý khi phát hiện ra tình tiết này. Điều này làm chúng tôi cảm thấy thực sự vui, vì những bài biết trên ecolaw.vn được nhiều người “soi” rất kỹ và đã/đang góp phần hỗ trợ cho nhiều người một cách hiệu quả.

Thực ra, thỏa thuận về mức phạt vi phạm trong hợp đồng mua bán mà anh dẫn ra không hẳn là đã đúng luật (nếu hai bên có tranh chấp, phải đưa ra tòa án). Nhưng chúng tôi vẫn tư vấn cho khách hàng của mình như vậy (đây là một hợp đồng có thật) nhằm mục đích gây "áp lực" - để bên đối tác “sợ” mà không vi phạm hợp đồng !

Qui định về việc phạt vi phạm hợp đồng hiện nay có tại 2 luật : Bộ luật dân sự và Luật Thương Mại. Trong luật dân sự không khống chế tỷ lệ phạt là bao nhiêu (hiểu theo nghĩa là "bao nhiêu cũng được" - miễn là hai bên đồng ý với nhau). Trong khi đó, tại Luật Thương mại thì qui định mức phạt vi phạm hợp đồng tối đa không quá 8% phần giá trị vi phạm (cũng có thể là giá trị hợp đồng - nếu vi phạm toàn bộ hợp đồng).

Vấn đề là phạm vi và đối tượng áp dụng của hai luật trên là khác nhau. Luật dân sự thì áp dụng cho các giao dịch dân sự (không nhằm mục đích kinh doanh) còn luật thương mại thì áp dụng cho các giao dịch thương mại (giữa các thương nhân (công ty) với nhau). Chính vì vậy, trong bài trả lời, chúng tôi có nói mức phạt tối đa là 8% giá trị hợp đồng.

Một vấn đề cần nói thêm là khi tư vấn cho khách hàng, chúng tôi đang thực hiện vai trò là luật sư của khách hàng - do vậy về nguyên tắc chúng tôi thường đưa ra những tình tiết "có lợi" cho thân chủ của mình. Điều này là hoàn toàn bình thường. Ngược lại, phía đối tác (phía bên kia) cũng có quyền và hoàn toàn có thể sẽ thuê luật sư, nhờ luật sư tư vấn, giải thích và "tranh đấu" về các điều khoản trong hợp đồng theo chiều hướng có lợi cho họ. Ai cũng biết rằng ký kết hợp đồng là một quá trình thương thảo và tranh đấu về mọi mặt. Để cuối cùng đi đến sự thống nhất chung.

Nhiều người hay nghĩ luật sư là phải khách quan, công tâm. Điều đó không hẳn đúng. Khi hành nghề, luật sư có nghĩa vụ cao nhất là đấu tranh và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho thân chủ của mình ở mức độ cao nhất, tốt nhất có thể.

Câu hỏi của anh thực chất là bàn về vấn đề phạt vi phạm hợp đồng qui định trong hệ thống pháp luật Việt Nam. Đây là một chuyên đề hay, mà chúng tôi có lần hứa là sẽ làm thành một "cẩm nang" nhưng do lu bu nên đến nay vẫn chưa thực hiện được. Do vậy, trước mắt tạm trao đổi sơ bộ với anh như vậy, mong anh hài lòng. Chúng tôi cũng tin rằng anh hoàn toàn có thể tự mình nghiên cứu thêm - tại hai bộ luật nói trên. Sẽ thấy còn có nhiều nội dung, tình tiết thú vị khác - để áp dụng trong cuộc sống. Thân. www.ecolaw.vn



Chuyên mục Luật sư tư vấn Ecolaw do các luật sư của công ty luật hợp danh Ecolaw thực hiện. Quí vị hãy gửi câu hỏi theo địa chỉ ecolaw2@gmail.com để được giải đáp hoàn toàn miễn phí – trừ trường hợp câu hỏi quá phức tạp hoặc không rõ ràng. Thông tin càng chi tiết, cụ thể - nội dung tư vấn càng chính xác, hiệu quả. Phần lớn các câu hỏi – đáp (được mã hóa để bảo mật) sẽ được đăng trên website này nhằm mục đích phổ biến kiến thức pháp luật phổ thông cho mọi người.   
Quí vị có thể click vào menu “Luật sư tư vấn” để tìm đọc thêm các vấn đề mà mình quan tâm.
Lưu ý: bài viết trên thuộc lĩnh vực “Thương mại – Doanh nghiệp”

CÔNG TY LUẬT ECOLAW – ĐỊA CHỈ TIN CẬY CỦA MỌI NGƯỜI
23 Lê Lư, P. Phú Thọ Hoà, Q. Tân Phú, TP. Hồ Chí Minh 
Email: ecolaw1@ecolaw.vn - website: www.ecolaw.vn