Saturday, July 18, 2015

Cẩn trọng trong hợp đồng thương mại


(Ecolaw.vn) - Ngày 16.07.2015, tại Trung tâm BSA,các doanh nghiệp hội viên HVNCLC đã tham gia chương trình sinh hoạt của Câu lạc bộ Trợ giúp Pháp lý với chủ đề: “Phạt vi phạm và bồi thường thiệt hại trong hợp đồng thương mại”.

Luật sư Trương Thị Hoà trình bày các hình thức, chế tài trong hợp đồng thương mại

Diễn giả là hai luật sư Trương Thị Hòa và luật sư Trần Hồng Phong cùng đến từ Đoàn Luật sư TP.HCM, đã trình bày các nội dung: những hình thức chế tài trong thương mại; phạt vi phạm và bồi thường thiệt hại; những dạng vi phạm hợp đồng thường gặp; một số nguyên tắc cơ bản khi giải quyết tranh chấp, khởi kiện…

Không phạt quá 8%

Theo luật sư Trần Hồng Phong, phạt vi phạm là việc bên bị vi phạm yêu cầu bên vi phạm trả một khoản tiền phạt do vi phạm hợp đồng nếu trong hợp đồng có thoả thuận (trừ các trường hợp nhiễm trách nhiệm theo quy định).

Luật sư Trương Thị Hòa cho rằng, doanh nghiệp cần ghi cho chuẩn xác trong hợp đồng là phạt hay bồi thường khi ký hợp đồng, bởi nếu phạt thì mức phạt tối đa là 8% giá trị vi phạm chứ không phải giá trị hợp đồng, nếu muốn được bồi thường thì phải chứng minh có sự thiệt hại.

Về bồi thường thiệt hại, luật sư Phong phân tích, đây là việc bên vi phạm bồi thường những tổn thất do hành vi vi phạm hợp đồng gây ra cho bên bị vi phạm. Khi đó giá trị bồi thường thiệt hại gồm giá trị tổn thất thực tế, trực tiếp và khoản lợi trực tiếp đáng lẽ được hưởng nếu không có hành vi vi phạm.

Luật sư Hoà chia sẻ, trong việc ký hợp đồng thương mại, nếu hai bên không có thoả thuận phạt vi phạm trong hợp đồng thì bên bị vi phạm chỉ có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại. Nếu có thoả thuận phạt vi phạm thì bên bị vi phạm có quyền áp dụng cả phạt vi phạm và bồi thường thiệt hại.

Luật sư Trần Hồng Phong đưa ra một số dạng hợp đồng thường gặp trong mua bán hàng hoá như: giao hàng không đúng số lượng, chất lượng, chủng loại, giao hàng trễ, hàng thiếu bản quyền, phền mềm, bản quyền, phụ kiện đi kèm. Hàng có nguồn gốc không rõ ràng, hàng bị hư hỏng do vận chuyển, bảo quản. Trong cung ứng dịch vụ là kinh doanh trái phép, chất lượng không đúng cam kết, trễ hạn, thiếu một hoặc nhiều nội dung, tự ý chuyển nghĩa vụ cho bên thứ 3. Luật sư Hoà nói thêm, trong lĩnh vực dịch vụ thì không giao cho bên thứ 3.

Nên hoà giải trước khi ra toà

Trong vụ án dân sự, thương mại nguyên đơn phải chứng minh yêu cầu của mình là có căn cứ thông qua chứng cứ. Đó là những tài liệu có liên quan đến vụ việc như biên bản xác nhận, hoá đơn, tài liệu kỹ thuật, xuất xứ, kết quả giám định, xác nhận của nhân chứng, hình ảnh, thông tin liên quan bằng bản gốc rõ ràng. Đối với phạt vi phạm phải chứng minh được hành vi vi phạm. Đối với bồi thường thiệt hại thì phải chứng minh được tổn thất, mức độ tổn thất do hành vi vi phạm gây ra và khoản lợi trực tiếp đáng lẽ được hưởng nếu không có hành vi vi phạm.

Nói về việc khởi kiện và bị kiện, luật sư Trương Thị Hòa nhận định, thực tế nhiều doanh nghiệp có tâm lý lo lắng khi phải ra toà, chỉ đến khi họ tìm đến sự tư vấn của luật sư thì doanh nghiệp mới trút bỏ được “gánh nặng”. Tuy nhiên, bà Hoà cũng khuyên nên ưu tiên việc hoà giải, thoả thuận, tự giải quyết và khởi kiện là phương án cuối cùng vì tốn kém thời gian, tiền bạc.

Cẩn trọng khi ký hợp đồng thương mại với đối tác nước ngoài

Luật sư Hoà lưu ý các doanh nghiệp về việc hợp đồng thương mại do đối tác nước ngoài soạn thảo thường rất dài, nhiều khi không rõ ràng về cách viết, vì thế doanh nghiệp Việt nên Việt Nam hoá những hợp đồng đó một cách ngắn gọn và đầy đủ.

Mặt khác, luật sư Hoà giải thích, pháp lệnh ngoại hối Việt Nam quy định, doanh nghiệp Việt với nhau trong quá trình giao dịch không được dùng đô la, nếu là hợp đồng thương mại quốc tế thì hai bên giao dịch phải ở hai lãnh thổ khác nhau (trừ trường hợp đặc biệt trong khu chế xuất) và đồng tiền thanh toán trong giao dịch quốc tế đó là ngoại tệ với một bên.

Ngay đến những chi tiết như email qua lại với đối tác cũng phải được lưu giữ hay mã số thuế, số tài khoản của đối tác khi giao dịch cũng cần được sao lưu phòng khi có “sự cố” xảy ra.

.......................

6 điều tư vấn của luật sư Trần Hồng Phong:

Thứ nhất: Trong hợp đồng cần có thoả thuận về các biện pháp chế tài. Đặc biệt thoả thuận phạt vi phạm – liên hệ trực tiếp đến những nội dung về nghĩa vụ, trách nhiệm của mỗi bên. Dự liệu những nội dung, tình huống có thể xảy ra, càng chi tiết, nêu ra tình huống cụ thể, rõ ràng, càng tốt.

Thứ hai: Nội dung thoả thuận chế tài/phạt vi phạm phải khả thi, đúng luật – để có hiệu lực và thực hiện được.

Thứ ba: Cùng hiểu phạt vi phạm và các biện pháp chế tài khác không phải là "móc túi", làm khó nhau. Mà là biện pháp đảm bảo thực hiện đúng hợp đồng, có được hướng giải quyết khi xảy ra vi phạm, bảo đảm quyền lợi cho cả hai bên.

Thứ tư: Trong quá trình thực hiện hợp đồng phải theo dõi, ghi nhận khi có dấu hiệu vi phạm phải thu thập/tạo ra chứng cứ để chứng minh.

Thứ năm: Thông báo bằng văn bản khi bị vi phạm, nêu yêu cầu, biện pháp, khắc phục, ngăn chặn…

Thứ sáu: Hợp đồng giá trị lớn, tình tiết phức tạp nên mời luật sư hỗ trợ, tham gia để giải quyết ngay từ đầu.

Tin & ảnh: Trần Quỳnh

----------------------