Trước đó, theo hướng dẫn của Sở Xây dựng, nhà ở phải xây cách ranh đất phía sau 2-2,5 m để tạo lối thoát hiểm khi có cháy nổ. Tuy vậy, mới đây Sở Xây dựng đã có hướng dẫn lại, hủy bỏ nội dung trên.
Đất dài, ngắn đều chừa như nhau
Chị Hà cho hay chị có căn nhà đã xuống cấp trên mảnh đất gần 60 m2 tại phường Linh Đông nên muốn xây mới lại căn nhà. Chị đến quận hỏi thủ tục, xin phép xây dựng thì được thông báo phần đất phía đuôi nhà phải chừa trống một khoảng diện tích đất là 10 m2. “Quận cho biết đây là hướng dẫn mới của Sở Xây dựng. Theo đó, hai nhà đâu lưng vào nhau thì phải cách nhau 5 m. Nghĩa là tôi không được xây hết đất, không được xây sát với nhà phía sau mà phải xây cách ranh đất của mình 2,5 m. Nhưng việc khoét hai lõm trống phía sau giữa hai nhà khiến đất của tôi còn quá ít” - chị Hà kể.
Ông Hà Thanh Trung (phường Bình Chiểu, quận Thủ Đức) còn bức xúc hơn bởi căn nhà của ông chỉ dài có 7 m. Vậy nhưng khi nộp hồ sơ xin phép xây dựng thì ông được yêu cầu phải chỉnh sửa lại bản vẽ vì quy định mới buộc xây nhà cách ranh đất phía sau 2,5 m. “Họ chỉ cho tôi được xây nhà với chiều dài chỉ còn 4,5 m, làm ảnh hưởng quá lớn đến gia đình tôi” - ông Trung nói.
Qua tìm hiểu, được biết ngày 10-3-2015, Sở Xây dựng có công văn gửi 24 quận, huyện về việc tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy đảm bảo thoát hiểm khi xây dựng, sửa chữa nhà. Sở yêu cầu khi cấp phép xây dựng cho nhà ở riêng lẻ thì phải đảm bảo về khoảng cách giữa các dãy nhà liên kế hoặc đơn lẻ. Theo đó, nếu công trình hoặc dãy nhà cao 16 m trở lên thì phải cách nhau 5 m, tức là mỗi nhà phải cách ranh đất tối thiểu 2,5 m. Tương tự, nếu dãy nhà hay công trình có chiều cao nhỏ hơn 16 m thì khoảng cách giữa hai dãy nhà hoặc công trình phải tối thiểu 4 m. Chỉ có khu đất nhỏ hơn 50 m2 mới được xây hết đất nhưng phải có giải pháp về lối thoát hiểm trên mái, sân thượng.
Theo Sở Xây dựng, những khoảng trống giữa các nhà như hướng dẫn trên là “lối thoát hiểm khi có sự cố cháy nổ” theo quy chuẩn xây dựng năm 2008. Tuy nhiên, theo người dân, việc khoét lõm đuôi nhà là không hợp lý. “Mở rộng đường phía trước thì đúng nhưng đằng này bắt chừa các ô trống nhỏ nhỏ phía sau thì không lẽ khi có cháy nổ người dân chạy ra đó đứng hay nhảy qua các ô đất của nhà lân cận” - ông Trung thắc mắc.
Bất hợp lý cho đô thị hiện hữu
Quy định phải chừa khoảng cách với nhà phía sau không chỉ vấp phải phản ứng của người dân mà các cơ quan cấp phép cũng cho rằng rất khó khả thi. “Ở khu đô thị hiện hữu diện tích đất của người dân không đồng đều nhau. Có mảnh đất dài, có mảnh ngắn dù sát nhau hoặc đâu lưng nhau. Do đó áp dụng quy định khoảng cách tối thiểu giữa hai nhà là 4 m hoặc 5 m rồi chia đều cho mỗi bên là khó” - ông Nguyễn Văn Quang, Trưởng phòng Quản lý đô thị (QLĐT) quận 11, nói.
Trưởng phòng QLĐT một quận khác cho hay khi nhận được hướng dẫn mới này ông đã đề nghị UBND quận cân nhắc khi thực hiện và góp ý với Sở Xây dựng. Theo ông, với các quận nội thành, khu dân cư thì khi thực hiện người dân sẽ phản ứng lập tức. Chỉ trường hợp khu vực mới, đất dự án hoặc tách thửa đất trống thì có thể. Hai trưởng phòng nêu trên cho hay từ lúc có văn bản hướng dẫn của Sở, ở quận chưa cấp giấy phép “xén” đuôi đất nào cả. “Nếu có giấy phép nào đã cấp thì người dân có thể điều chỉnh lại giấy phép xây dựng” - vị trưởng Phòng QLĐT này nói.
Trước phản ứng của người dân và báo cáo của một số quận, huyện, mới đây ngày 2-6-2015, Sở Xây dựng đã có văn bản điều chỉnh. Theo đó, sở này đồng tình thực trạng đô thị TP.HCM hiện tồn tại nhiều khu vực với các nhà ở riêng lẻ có hình dạng, kích thước lô đất phức tạp, không tương đồng nhau nên buộc chừa khoảng cách giữa các dãy nhà theo quy chuẩn xây dựng là khó khả thi. Do đó, Sở điều chỉnh lại nội dung này và vẫn thực hiện cấp phép xây dựng như lâu nay là dựa theo quy hoạch chi tiết, quy chế quản lý kiến trúc được duyệt. Khu vực chưa có quy hoạch chi tiết, chưa có quy chế quản lý kiến trúc riêng thì áp dụng theo quy chế quản lý chung của TP đã ban hành vào tháng 8-2014.
Được xây bít ô thông tầng
Theo hướng dẫn mới nhất của Sở Xây dựng, diện tích các ô thông tầng đã được tính vào mật độ xây dựng công trình trên lô đất. Việc chủ đầu tư nhà ở riêng lẻ có xây dựng bít các ô thông tầng cũng xem như không sai phép.
Như vậy, hướng dẫn mới này sẽ tháo gỡ cho rất nhiều trường hợp đang bị ách tắc bởi lâu nay việc bít ô thông tầng bị xem là xây dựng sai phép và bị buộc tháo dỡ, nếu không sẽ không được hoàn công.
CẨM TÚ/ báo Pháp luật TP.HCM