Thursday, June 11, 2015

Mượn tên công ty khác ký hợp đồng thầu phụ, nay công ty bị kiểm tra không xuất hóa đơn được, tính sao?

Hỏi: Xin chào anh chị luật sư! Công ty của tôi nhỏ, rất mong quý luật sư giúp trả lời dùm tôi. Cách nay 3 tháng, tôi có nhờ công ty của một người bạn ký 1 hợp đồng kinh tế làm thầu phụ cho bên A. Hiện nay công ty bạn tôi đang bị kiểm tra thuế và vì lý do gì đó nên không thể in hóa đơn mới được (hóa đơn cũ đã hết) và không biết khi nào có hóa đơn nữa. Nếu nhờ công ty bạn này làm công văn gởi cho bên A thông báo chấm dứt hợp đồng thì bên A sẽ giải quyết rất lâu rồi sau đó mới ký lại hợp đồng mới với tôi. Vậy xin hỏi là tôi có thể làm phụ lục hợp đồng, qua đó thay đổi nội dung như tên công ty, mã số thuế... hay không ? Xin chân thành cảm ơn! (Minh D)

Luật sư Trần Hồng Phong trả lời:

Trước hết cần nói cho rõ, là tình trạng “mượn tên” doanh nghiệp để ký hợp đồng như của anh là một thực tế có thể nói là khá phổ biến hiện nay, trong lĩnh vực thi công xây dựng. Tuy nhiên xét về bản chất thì đây là sự vi phạm quy định của pháp luật. Vì các bên, hay chính xác hơn là bên anh, đã “giả dối” với bên chủ đầu tư, khi đánh tráo chủ thể (lấy tên công ty B (tạm gọi), nhưng thực tế do cá nhân (anh) đứng ra tổ chức thi công. Thường thì sẽ trích một khoản % nào đó cho bên B. Bên B sẽ xuất hóa đơn để bên anh nhận tiền từ chủ đầu tư).

Chính do việc không đúng quy định như phân tích ở trên, nên hiển nhiên là sẽ đi kèm với những rủi ro về mặt pháp lý. Mà tình huống như anh nêu là một minh chứng.

Về giải pháp, nếu công ty bạn anh (công ty B) gửi công văn thông báo chấm dứt hợp đồng thì đó chính là hành vi đơn phương chấm dứt hợp đồng hoặc “vi phạm hợp đồng”. Tôi không rõ trong Hợp đồng kinh tế (thực chất là hợp đồng thi công), đã có thỏa thuận về tình huống này hay không, cùng biện pháp chế tài (chẳng hạn như phạt vi phạm) như thế nào? ... Tuy nhiên nhìn chung điều này (nếu xảy ra) thì phải có lý do “hợp lý”, chứ nếu mình nói thật, mà gặp đối tác họ “không thích” và cảm thấy bị lừa dối, thì rõ ràng là không ổn cho bên anh. Hay nói khác đi, đây cũng có thể xem là một “giải pháp”, nhưng cần phải linh hoạt, đánh giá đúng về đối tác. Nếu không sẽ chỉ làm cho sự việc rắc rối, phiền phức thêm.

Xét theo lẽ thông thường, thì để thanh toán tiền thi công, bên anh (bên thi công) phải xuất hóa đơn hợp pháp để bên chủ đầu tư có cơ sở để thanh quyết toán. Chính vì vậy, việc không có hóa đơn rõ ràng là một tình huống khá gay go. Không thể không giải quyết.

Việc anh hỏi hai bên có thể ký Phụ lục hợp đồng hay không, thì với nội dung thay đổi về tên công ty (tức là bên nhà thầu phụ), thay đổi mã số thuế …vv – cho thấy bản chất chính là sự thay đổi về chủ thể giao dịch. Chính xác hơn là làm phát sinh một giao dịch mới, giữa hai đối tác khác so với hợp đồng cũ. Do vậy đây không phải và không thể là một Phụ lục. Mà chính là một hợp đồng mới vậy.

Tuy nhiên, có lẽ cũng không có cách nào khác hơn, nếu không muốn chờ, là phía anh phải làm sao đó, để có pháp nhân khác (thay thế công ty B), xuất hóa đơn. Muốn vậy, anh phải thỏa thuận và đạt được thống nhất với phía chủ đầu tư. Tốt nhất là hai bên sẽ ký hợp đồng mới (thay đổi chủ thể bên thầu) - cho những phần việc chưa xuất hóa đơn hoặc còn lại chưa thi công. Còn những nội dung đã xuất hóa đơn rồi (của công ty B) thì vẫn tính theo hợp đồng cũ. Và hai bên làm Biên bản thanh lý hợp đồng cũ.

Tất nhiên là những điều tôi nêu ở trên là đã “đơn giản hóa”, loại trừ đi tình huống công ty B tuy bị kiểm tra nhưng không bị phát hiện, hay thậm chí bị phạt vì hợp đồng “giả cách” do anh nhờ đứng tên.

Tóm lại, theo tôi anh cần thỏa thuận với phía chủ đầu tư, năn nỉ họ ký hợp đồng mới theo hướng đổi chủ thể (công ty B) qua một chủ thể khác. (Dĩ nhiên là chủ thể khác này cũng phải có sự thỏa thuận, đồng ý với anh trước đó). Và cho dù như vậy là "được việc", thì cũng cần phải thấy là xem như các bên đã một lần nữa lặp lại một giao dịch giả cách với nhiều rủi ro còn đó. Như đã nói từ đầu phần trả lời này. www.ecolaw.vn