Sunday, June 10, 2018

Đối tác đang từ "công ty" chuyển thành "chi nhánh", có nên ký hợp đồng mới?

Hỏi: Kính gửi các luật sư của Ecolaw. Chúng tôi xin trình bày vấn đề như sau và rất mong được hướng dẫn: Đơn vị tôi có ký hợp đồng với đơn vị vận chuyển, tuy nhiên trong thời gian tới đơn vị vận chuyển đó sẽ đổi tên công ty do thay đổi giám đốc. Mô hình công ty chuyển từ công ty thành Chi nhánh. Xin các luật sư  tư vấn cho tôi là hợp đồng kinh tế cũ đã ký với đơn vị có còn hiệu lực không? đơn vị tôi phải yêu cầu đơn vị vận chuyển kia cung cấp tài liệu gì, hay ký lại hợp đồng mới thì mới đúng với quy định của pháp luật? Tôi xin chân thành cảm ơn (Huy G.)

Luật sư Trần Hồng Phong trả lời:

Tôi nghĩ rằng những thông tin mà anh gửi cho chúng tôi là chưa chính xác, vì nếu đúng như vậy ,thì có nhiều điểm mâu thuẫn và cũng không phù hợp với quy định của pháp luật. Hay nói cách khác là không thể xảy ra những chuyển biến của đơn vị vận chuyển như anh nêu (dù là trong tương lai).

Trước hết, có thể hình dung “đơn vị vận chuyển” mà bên anh ký hợp đồng chính là một doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực logistict. Việc một công ty đổi tên, từ A thành C chẳng hạn, là chuyện bình thường. Tuy nhiên không thể có chuyện một công ty qua "chuyển đổi mô hình" mà đang từ “công ty” thành ‘chi nhánh” được. Vì chi nhánh là đơn vị phụ thuộc, của và do công ty “đẻ” ra. Nên nếu không có “mẹ” (là “công ty”), thì làm sao có “con” (là “chi nhánh”) được.

Tuy nhiên theo những thông tin anh nêu, tôi hình dung có thể là công ty vận tải (giả sử là công ty A) sẽ sáp nhập vào một công ty khác (giả sử là công ty B) – để trở thành công ty B lớn hơn (còn công ty A sẽ chấm dứt tồn tại). Sau đó, công ty A cũ (lúc này đã trở thành một bộ phận của công ty B), sẽ được chuyển thành “chi nhánh” của công ty B.

Nếu tình huống anh nêu thật sự sẽ đúng như tôi giả định ở trên, thì theo quy định tại điều 195 Luật doanh nghiệp 2014 về sáp nhập doanh nghiệp, doanh nghiệp "nhận sáp nhập" – công ty B – có nghĩa vụ sẽ tiếp nhận và tiếp tục thực hiện những nghĩa vụ còn tồn đọng của công ty "bị sáp nhập" (là công ty A). Tuy nhiên, do chủ thể giao kết hợp đồng cũ đã thay đổi (không còn công ty A nữa), nên tốt hơn hết là đơn vị anh nên ký lại hợp đồng mới, với doanh nghiệp mới (mà công ty A bị sáp nhập vào) - chính là công ty B. Tất nhiên là chỉ khi bên anh vẫn có nhu cầu tiếp tục thuê dịch vụ vận chuyển của họ.

Nói chung, khi chủ thể của hợp đồng thay đổi (kể cả về tên ,cho đến hình thức doanh nghiệp …vv), thì tốt nhất là nên ký thành hợp đồng mới. www.ecolaw.vn

-------------

Bài liên quan:


Chuyên mục Luật sư tư vấn Ecolaw do các luật sư của công ty luật hợp danh Ecolaw thực hiện. Quí vị hãy gửi câu hỏi theo địa chỉ ecolaw2@gmail.com để được giải đáp hoàn toàn miễn phí – trừ trường hợp câu hỏi quá phức tạp hoặc không rõ ràng. Thông tin càng chi tiết, cụ thể - nội dung tư vấn càng chính xác, hiệu quả. Phần lớn các câu hỏi – đáp (được mã hóa để bảo mật) sẽ được đăng trên website này nhằm mục đích phổ biến kiến thức pháp luật phổ thông cho mọi người.   
Quí vị có thể click vào menu “Luật sư tư vấn” để tìm đọc thêm các vấn đề mà mình quan tâm.
Lưu ý: bài viết trên thuộc lĩnh vực “Thương mại – Doanh nghiệp”

CÔNG TY LUẬT ECOLAW – ĐỊA CHỈ TIN CẬY CỦA MỌI NGƯỜI
23 Lê Lư, P. Phú Thọ Hoà, Q. Tân Phú, TP. Hồ Chí Minh 
Email: ecolaw1@ecolaw.vn - website: www.ecolaw.vn