Luật sư Trần Hồng Phong trả lời:
Về nguyên tắc, mọi khoản chi, nhất là chi của doanh nghiệp, đều đòi hỏi phải có nội dung, cơ sở pháp lý và chứng từ rõ ràng. Để từ đó doanh nghiệp mới có thể kết toán, khai báo tài chính. Ngoài ra, chi phí còn phải bảo đảm nguyên tắc hợp lý, hiệu quả. Chắc chắn không doanh nghiệp nào chấp nhận những khoản chi vô bổ, đặc biệt là chi dạng “ma” – tức là chi cho một việc không có trên thực tế.
Qua thông tin và tài liệu bạn gửi, có thể khẳng định khoản chi “quảng bá” là có điều gì đó không ổn, không đúng. Thậm chí có dấu hiệu lừa gạt hay ép doanh nghiệp vào thế khó để thu lợi bất chính. Điều này thể hiện ở những điểm sau đây:
- Khoản chi “quảng bá” không được thể hiện trong hợp đồng, yêu cầu đưa ra bằng miệng là không có giá trị pháp lý.
- Mặt khác, thậm chí cho dù thu tiền không phù hợp về mặt hình thức, nhưng về nội dung vẫn thực hiện thì còn có thể chấp nhận được. Ở đây Siêu thi thu về “quảng bá”, số tiền không hề nhỏ. Nhưng sau đó lại không có động thái quảng bá nào như nói khi thu. Vậy thì còn cách nói nào khác nếu không phải là lừa gạt, ép doanh nghiệp? Cũng chính là vi phạm pháp luật vậy.
Về việc kiện đòi lại tiền năm 2014, nếu có chứng cứ về việc có giao tiền cho Siêu thị (chứng từ thu), thì doanh nghiệp có thể kiện đòi lại. Tất nhiên đây là điều cũng cần cần nhắc, nhất là về thời điểm khởi kiện. Vì việc kiện tụng sẽ mất khá nhiều công sức, thời gian.
Về việc Siêu thị tiếp tục đòi thu tiền quảng bá năm 2015 này, kèm lời dọa nếu không đóng sẽ cắt hợp đồng quả là đã đẩy doanh nghiệp vào thế khó. Khó ở đây không phải là mình thua lý, mà khó vì Siêu thị không có lý gì, nhưng lợi dụng vị thế của mình để gây sức ép. Theo kiểu lì, liều.
Nếu nói thuần túy về mặt pháp lý, thì tôi cho rằng doanh nghiệp không nên đóng khoản phí năm nay. Nếu họ vẫn đòi cắt hợp đồng, thì mình sẽ “dọa” là sẽ kiện Siêu thị ra Tòa, đòi lại khoản tiền đã đóng năm ngoái. Hoặc nếu chấp nhận đóng, nhưng phải yêu cầu họ năm nay thu thì phải bảo đảm thực hiện việc quảng bá. Nếu không thực hiện sẽ kiện. (Cần lưu giữ các phiếu thu làm bằng chứng về sau, khi cần).
Về mặt kinh doanh, nói chung cần xác định là nếu sự việc phải dẫn đến kiện tụng, thì xem như phải chấp nhận việc chia tay Siêu thị. Hai bên sẽ cắt, không ký hợp đồng mới. Cho nên cũng cần cân nhắc lợi hại, nhìn tới tương lai, từ đó linh hoạt xử lý. Trong kinh doanh, không có nghĩa cứ đúng luật là cách lựa chọn sáng suốt và hiệu quả nhất. www.ecolaw.vn
Chuyên mục Luật sư tư vấn Ecolaw do các luật sư của công ty luật hợp danh Ecolaw thực hiện. Quí vị hãy gửi câu hỏi theo địa chỉ ecolaw2@gmail.com để được giải đáp hoàn toàn miễn phí – trừ trường hợp câu hỏi quá phức tạp hoặc không rõ ràng. Thông tin càng chi tiết, cụ thể - nội dung tư vấn càng chính xác, hiệu quả. Phần lớn các câu hỏi – đáp (được mã hóa để bảo mật) sẽ được đăng trên website này nhằm mục đích phổ biến kiến thức pháp luật phổ thông cho mọi người.
Quí vị có thể click vào menu “Luật sư tư vấn” để tìm đọc thêm các vấn đề mà mình quan tâm.
Lưu ý: bài viết trên thuộc lĩnh vực “Thương mại – Doanh nghiệp”
|
CÔNG TY LUẬT ECOLAW – ĐỊA CHỈ TIN CẬY CỦA MỌI NGƯỜI
23 Lê Lư, P. Phú Thọ Hoà, Q. Tân Phú, TP. Hồ Chí Minh
Email: ecolaw1@ecolaw.vn - website: www.ecolaw.vn
|