Sunday, June 10, 2018

Làm gì khi sản phẩm của doanh nghiệp bị bêu xấu trên mạng xã hội?

Hỏi: Doanh nghiệp chúng tôi là cơ sở sản xuất bánh ngọt, đang kinh doanh tốt. Nhưng gần đây tự nhiên giảm hẳn, thậm chí mất gần hết khách hàng. Qua tìm hiểu, chúng tôi mới hết hồn khi được trên trên mạng xã hội facebook có một ai đó lấy tên là Meoden đã bịa đặt, nói xấu, bôi nhọ cơ sở và sản phẩm bánh ngọt của chúng tôi. Chúng tôi rất bức xúc nhưng do chưa hiểu lắm về pháp luật. Vậy kính mong quý luật sư tư vấn giúp những thắc mắc sau đây: Sản phẩm bị nói xấu trên facebook thì chúng tôi có thể kiện, yêu cầu người viết bài trên mạng phải đính chánh và xin lỗi không? Có thể đòi bồi thường thiệt hại được không? người viết trên facebook là nick ảo,  không xác định được  danh tánh, địa chỉ thì phải làm sao? Xin chân thành cám ơn (Hanh Th.)

Luật sư Trần Hồng Phong trả lời:

Mạng xã hội là thực tế mà doanh nghiệp và mọi người phải “chung sống”, không thể né tránh được. Chính vì vậy, doanh nghiệp cần có giải pháp về pháp lý và cả về truyền thông khi gặp những sự cố như câu chuyện của công ty bạn.

Mạng xã hội có đặc tính là ảo. Do không biết nhau, nên ai muốn viết gì, nói gì, thậm chí giả vai, bịa đặt chuyện trên trời dưới đất đều được. Tuy nhiên, dù là ảo trên mạng, thì ngoài đời đó đều là những con người thật. Là công dân, sống trong đất nước có pháp luật, nên ai cũng phải có nghĩa vụ tuân thủ và chịu sự điều chỉnh của pháp luật.

Pháp luật cấm việc cá nhân vu khống, đặt điều nhằm mục đích trục lợi, xúc phạm uy tín, danh dự của cá nhân, tổ chức khác. Trong kinh doanh, thì cấm việc cạnh tranh không lành mạnh, tức là không được bịa đặt nói xấu, “dìm hàng” sản phẩm khác. Nạn nhân (người bị nói xấu) có quyền khiếu nại, yêu cầu bên vi phạm chấm dứt hành vi, xin lỗi và bồi thường thiệt hại.

Nếu ở mức độ nghiêm trọng, người vi phạm thậm chí có thể bị phạt tù về tội vu khống hay gần đây là tội “Đưa và sử dụng trái phép thông tin mạng internet” – theo điều 226 Bộ luật hình sự.

Để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình, công ty chị có quyền và có thể thực hiện nhiều biện pháp, cách thức cùng lúc. Chứ không chỉ duy nhất là khởi kiện ra Tòa án.

Nói chung có 4 cách “đối phó” như sau:

1. Trực tiếp liên hệ, yêu cầu bên nói xấu chấm dứt hành vi, xin lỗi, cải chính và bồi thường thiệt hại.

2. Nếu không thỏa thuận được, thì có thể khởi kiện ra tòa án, xem như là một vụ án dân sự. Song cũng cần lưu ý là “nói xấu”, “bôi nhọ” khác với quyền khen che, đánh giá sản phẩm của người tiêu dùng. Về nguyên tắc, khi mua và sử dụng một sản phẩm, người tiêu dùng có quyền khen ngon, chê dở hay tuyên bố không thích, không mua nữa. Việc này không phải là nói xấu, bịa đặt. Tức là không vi phạm pháp luật.

3. Nếu việc đặt điều nói xấu ở mức độ nghiêm trọng, ác ý và gây thiệt hại lớn, thì doanh nghiệp cần làm đơn tố cáo, đề nghị điều tra, khởi tố vụ án hình sự gửi tới cơ quan công an. Cơ quan công an sẽ đánh giá, xác minh, nếu thấy cần thiết sẽ khởi tố vụ án hình sự, điều tra và truy tố người nói xấu về hành vi vu khống, đưa và sử dụng thông tin trái phép.

4. Giải pháp truyền thông: Đây là biện pháp tuy có vẻ nhẹ nhàng đơn giản, nhưng theo tôi là khá hiệu quả và đặc biệt là hoàn toàn thuộc quyền chủ động của doanh nghiệp. Đó là chính doanh nghiệp cần đưa thông tin lên mạng xã hội (có thể là trên website hay facebook của công ty), chỉ rõ những điểm sai trái, sự bịa đặt nói xấu, cũng như chủ động giải thích, cung cấp thông tin, tài liệu … chứng minh sản phẩm của mình là tốt, uy tín …vv – để mọi người cùng biết và hiểu hơn về sản phẩm của doanh nghiệp.

Riêng về việc kẻ nói xấu là nick ảo, không nắm được danh tính, địa chỉ của người nói xấu thì đúng là sẽ khá khó khăn. Vì theo quy định của pháp luật hiện hành, khi khởi kiện hay tố cáo ai, về nguyên tắc người tố cáo có nghĩa vụ phải cung cấp tên tuổi, địa chỉ của người bị kiện, bị tố cáo. Nếu không thì Tòa án sẽ không thụ lý đơn kiện, công an có thể sẽ không nhận đơn (tùy tính chất, mức độ). Cần nói thêm là trường hợp này cũng “khó” ngay cả đối với cơ quan chức năng Nhà nước – về mặt kỹ thuật, nghiệp vụ. Nhất là khi website hay mạng xã hội đặt ở nước ngoài, hoạt động có tính chuyên nghiệp, kỹ thuật cao …

Qua những ý trao đổi trên, tôi muốn nhấn mạnh rằng trong nhiều trường hợp, doanh nghiệp cần phải phối hợp cùng lúc nhiều biện pháp như nêu ở trên, chứ không nhất thiết quá đặt nặng vào chuyện kiện tụng hay xem đây là giải pháp duy nhất. Tôi cũng cho rằng cách tốt nhất để giữ chân khách hàng không gì khác hơn là giữ uy tín, sản phẩm luôn tốt, cạnh tranh và có chiến lược quảng bá, quảng cáo sản phẩm hiệu quả. www.ecolaw.vn


Chuyên mục Luật sư tư vấn Ecolaw do các luật sư của công ty luật hợp danh Ecolaw thực hiện. Quí vị hãy gửi câu hỏi theo địa chỉ ecolaw2@gmail.com để được giải đáp hoàn toàn miễn phí – trừ trường hợp câu hỏi quá phức tạp hoặc không rõ ràng. Thông tin càng chi tiết, cụ thể - nội dung tư vấn càng chính xác, hiệu quả. Phần lớn các câu hỏi – đáp (được mã hóa để bảo mật) sẽ được đăng trên website này nhằm mục đích phổ biến kiến thức pháp luật phổ thông cho mọi người.   
Quí vị có thể click vào menu “Luật sư tư vấn” để tìm đọc thêm các vấn đề mà mình quan tâm.
Lưu ý: bài viết trên thuộc lĩnh vực “Thương mại – Doanh nghiệp”

CÔNG TY LUẬT ECOLAW – ĐỊA CHỈ TIN CẬY CỦA MỌI NGƯỜI
23 Lê Lư, P. Phú Thọ Hoà, Q. Tân Phú, TP. Hồ Chí Minh 
Email: ecolaw1@ecolaw.vn - website: www.ecolaw.vn