Luật sư Trần Hồng Phong trả lời:
Thắc mắc của anh cũng là thắc mắc chung của nhiều người, trong bối cảnh Luật doanh nghiệp mới (2014) vừa có hiệu lực từ một thời gian ngắn (từ 1-7-2015), nên vẫn còn có nhiều vấn đề chưa rõ ràng, chưa quen hoặc chưa chắc đã hợp lý. Chẳng hạn như chuyện “ngành nghề kinh doanh” mà anh nêu.
Trước hết, tên gọi của tài liệu mà anh nói - theo Luật doanh nghiệp 2014, chính xác là "Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp". (Trước đây hay gọi là Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, hay Giấy đăng ký kinh doanh).
Theo quy định tại điều Điều 29 Luật doanh nghiệp 2014 (về Nội dung Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp) thì trong giấy này không còn có nội dung về ngành nghề kinh doanh như trước đây nữa. Tức là nếu mình nhìn vào Giấy CNĐKDN thì không biết doanh nghiệp đó đang kinh doanh cái gì, lĩnh vực nào!
Nói thật là về mặt quan điểm cá nhân, tôi cho rằng quy định mới kiểu này có điều gì đó không ổn, quá sơ sài. Vì qua tài liệu pháp lý rất quan trọng như vậy, có thể xem là "giấy khai sinh" của doanh nghiệp, mà phía đối tác lại không biết là doanh nghiệp đó kinh doanh gì? thì có vẻ như không phân biệt được một người là "nam" hay "nữ" qua giấy khai sinh.
Tuy nhiên, theo Điều 24 (về Nội dung giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp) thì khi thành lập doanh nghiệp, chủ doanh nghiệp phải ghi ngành nghề kinh doanh (quy định tại khoản 3 điều 24 Luật doanh nghiệp). Và việc ghi ngành nghề kinh doanh vào Giấy đề nghị đăng ký DN hiện nay nhìn chung vẫn thực hiện theo quy định trước đây – tức là căn cứ theo bảng “Hệ thống ngành kinh tế của Việt Nam”. Riêng những ngành nghề chưa có mã số trong bảng Hệ thống ngành kinh tế, thì chỉ cần ghi bằng chữ hoặc theo luật chuyên ngành… (nói chung là còn nhiều điểm chưa rõ ràng, gây thắc mắc. Vấn đề này quy định tại Nghị định 78/2015).
Như vậy, trong trường hợp của công ty mình, nếu muốn có thêm thông tin như anh nêu, thì công ty anh có thể yêu cầu phía nhà phân phối cung cấp hồ sơ thành lập doanh nghiệp (cụ thể là “Giấy đề nghị thành lập doanh nghiệp”) để xác định xem họ đã đăng ký ngành nghề kinh doanh nào? có phù hợp với tiêu chí của công ty hay không?
Tuy nhiên, theo quan điểm của tôi, quan trọng hơn cả vẫn là cần quy định rõ trong Hợp đồng Nhà phân phối, với cam kết cụ thể của phía Nhà phân phối. Chẳng hạn là không sản xuất hay kinh doanh sản phẩm cùng loại của doanh nghiệp khác ...vv. Như vậy sẽ hiệu quả và chặt chẽ hơn.
Chứ nếu mình chỉ nhìn hay chú ý riêng vào Giấy CNĐKDN không thôi thì chưa đủ và cũng không có gì chắc chắn, chính xác. Chưa kể là theo tinh thần của Luật doanh nghiệp mới, việc đăng ý bổ sung, thay đổi ngành nghề kinh doanh là khá dễ dàng. Và công ty anh cũng khó kiểm tra, giám sát được vấn đề này. www.ecolaw.vn
Chuyên mục Luật sư tư vấn Ecolaw do các luật sư của công ty luật hợp danh Ecolaw thực hiện. Quí vị hãy gửi câu hỏi theo địa chỉ ecolaw2@gmail.com để được giải đáp hoàn toàn miễn phí – trừ trường hợp câu hỏi quá phức tạp hoặc không rõ ràng. Thông tin càng chi tiết, cụ thể - nội dung tư vấn càng chính xác, hiệu quả. Phần lớn các câu hỏi – đáp (được mã hóa để bảo mật) sẽ được đăng trên website này nhằm mục đích phổ biến kiến thức pháp luật phổ thông cho mọi người.
Quí vị có thể click vào menu “Luật sư tư vấn” để tìm đọc thêm các vấn đề mà mình quan tâm.
Lưu ý: bài viết trên thuộc lĩnh vực “Thương mại – Doanh nghiệp”
|
CÔNG TY LUẬT ECOLAW – ĐỊA CHỈ TIN CẬY CỦA MỌI NGƯỜI
23 Lê Lư, P. Phú Thọ Hoà, Q. Tân Phú, TP. Hồ Chí Minh
Email: ecolaw1@ecolaw.vn - website: www.ecolaw.vn
|