Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý góp ý báo cáo giám sát - Ảnh chụp qua màn hình
Sáng nay 10-4-2015, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã họp cho ý kiến về dự thảo báo cáo kết quả giám sát về “Tình hình oan, sai trong việc áp dụng pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự và việc bồi thường thiệt hại cho người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự theo quy định của pháp luật” của cơ quan này.
71 án oan trong 3 năm
Theo đó, UBTVQH đã tổ chức Đoàn giám sát trực tiếp nghiên cứu một số vụ án cụ thể mà dư luận quan tâm; tổ chức 5 Đoàn trực tiếp làm việc với các cơ quan hữu quan tại TP HCM, Bình Phước, Tiền Giang, Sóc Trăng, Phú Yên, Đà Nẵng, Quảng Trị, Hải Phòng, Nam Định, Bắc Giang, Quân khu 4; nghiên cứu báo cáo tại 63 tỉnh thành…. (thời gian lấy số liệu báo cáo từ ngày 1-10-2011 đến ngày 30-9-2014).
Trong kỳ giám sát dài 3 năm này, đã khởi tố, điều tra 219.506 vụ với 338.379 bị can; số vụ làm oan người vô tội là 71 trường hợp, chiếm 0,02%. Báo cáo giám cho rằng số trường hợp oan, sai không nhiều nhưng hậu quả gây ra là hệ trọng, có vụ đặc biệt nghiêm trọng, gây bức xúc trong dư luận (như vụ 7 thanh niên ở Sóc Trăng bị bắt giam oan; vụ 5 công an ở Tuy Hòa (Phú Yên) dùng nhục hình dẫn đến chết người). Một số vụ án đặc biệt nghiêm trọng mà dư luận quan tâm có thiếu sót, vi phạm về thủ tục tố tụng như vụ Lê Bá Mai (Bình Phước); Hồ Duy Hải (Long An); Huỳnh Văn Nén (Bình Thuận) Đỗ Minh Đức (Hải Phòng); Hàn Đức Long (Bắc Giang); Đỗ thị Hằng (Bắc Giang).
Tại một số địa phương (Bắc Giang, Bình Thuận, Long An, Bình Phước, Cao Bằng, Hải Phòng), công tác điều tra thu thập chứng cứ đối với loại án giết người, cướp tài sản, hiếp dâm và giết người không quả tang còn yếu kém, vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng dẫn đến loại án này dễ bị oan sai. Điển hình là vụ Nguyễn Thanh Chấn (Bắc Giang), Huỳnh Văn Nén (Bình Thuận), Lê Bá Mai (Bình Phước), Hồ Duy Hải (Long An), Đỗ Minh Đức (Hải Phòng), Nguyễn Văn Chưởng (Hải Phòng), Vi Văn Phượng (Bắc Giang), Hàn Đức Long (Bắc Giang), Hoàng Thị Vấn (Cao Bằng), Đỗ Thị Hằng (Bắc Giang).
Nổi lên trong quá trình giám sát là tình hình bức cung, nhục hình trong hoạt động điều tra. Trong kỳ, có 46 đơn tố cáo về bức cung, nhục hình trong hoạt động điều tra, trong đó đã giải quyết 40 đơn. Có 26 vụ/40 bị can nguyên là cán bộ công an bị tố cáo về các tội xâm phạm hoạt động tư pháp, trong đó có 12 vụ/26 bị can về tội dùng nhục hình. Đáng lưu ý để xảy ra một số vụ dùng nhục hình gây hậu quả nghiêm trọng, làm chết người, gây bức xúc trong dư luận như các vụ: Điều tra viên (Công an Sóc Trăng) đã dùng nhục hình ép bị can Trần Văn Đở và 6 bị can khác; 5 công an ở Tuy Hòa (Phú Yên) nhục hình dẫn đến cái chết của Ngô Thanh Kiều. Điều tra viên (Bắc Giang) nhục hình nghiêm trọng đối với bị can Nguyễn Thị Nguyệt Nga. Cả 3 vụ nhục hình trên đều được khởi tố, điều tra xử lý hình sự.
Có nơi điều tra viên còn dụ cung khi lấy lời khai người bị tạm giữ, hỏi cung bị can. Chẳng hạn, điều tra viên đã dụ cung bị can Nguyễn Toàn Thắng (Bình Phước). Nhiều trường hợp khi ra tòa bị cáo mới khai bị bức cung, nhục hình hoặc khi người bị tạm giữ chết và có tố cáo gay gắt thì mới được phát hiện như các vụ: Nguyễn Viết Lợi và đồng phạm ở Hải Châu (Đà Nẵng); điều tra viên Nguyễn Thanh Cao (Phòng PC45 Công an tỉnh Long An); Nguyễn Tuấn Thanh (Đức Huệ, Long An).
Cần làm rõ trách nhiệm
Góp ý báo cáo giám sát, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý đề nghị bổ sung nguyên nhân của oan sai, sai phạm tố tụng là do nhận thức của cơ quan tố tụng, điều tra viên phạm vào nguyên tắc suy đoán vô tội đã dẫn đến sai phạm trong tìm kiếm chứng cứ, dựng hiện trường để chứng minh không có tội và dẫn đến oan sai. “Việc xử lý oan sai, bức cung, nhục hình có sự bao che, dung túng và nặng bệnh thành tích” - ông Lý nhận xét.
Chủ tịch Hội đồng dân tộc Ksor Phước cho rằng QH phải có thái độ dứt khoát đối với oan sai và cơ quan chức năng phải khẩn trương xem xét ngay. Từng kinh qua vị trí Giám đốc Công an tỉnh, ông Phước đề nghị cần có báo cáo tổng hợp rút kinh nghiệm về tiền tố tụng mà cụ thể là việc công an tạm giữ, bắt người, lấy cung, ghi hồ sơ trái pháp luật và ngành Công an phải tăng cường kiểm tra công tác này. Theo ông Phước, vào giai đoạn này không thể để oan sai, sai phạm nghiệp vụ, quy trình căn bản như trước đây. Và sai phạm thời gian qua nguyên nhân chính là vấn đề cán bộ điều tra, vì vậy phải gắn trách nhiệm lãnh đạo chỉ huy. “Phải tăng cường trách nhiệm lãnh đạo các nơi đối với từng vụ án và phải cách chức những nơi để oan sai quá nhiều hay dung túng cho 5-7 cấp dưới cùng tham gia bức cung, nhục hình. Tôi không thể tưởng tượng có nơi 5 đồng chí công an xúm vào bức cung người ta. Điều này vô cung nguy hiểm”- ông Phước gay gắt.
Ông Phước kiến nghị 3 ngành Công an, Viện kiểm sát, Tòa án phải họp để lên kế hoạch và tập trung vào vấn đề oan sai, đề ra biện pháp phòng ngừa hiệu quả để cuối năm ngồi lại với nhau đánh giá, rút kinh nghiệm.
Phó Chủ tịch QH Huỳnh Ngọc Sơn nhấn mạnh 71 vụ có phải con số đầy đủ hay chỉ là mới phát hiện từng này. Báo cáo cần đánh giá tính chất, hệ lụy chứ không phải là nhiều ít.
Phó Chủ tịch QH Huỳnh Ngọc Sơn nhấn mạnh 71 vụ có phải con số đầy đủ hay chỉ là mới phát hiện từng này. Báo cáo cần đánh giá tính chất, hệ lụy chứ không phải là nhiều ít - Ảnh chụp qua màn hình
Đồng tình, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh Nguyễn Kim Khoa kiến nghị làm rõ trách nhiệm của cá nhân, tổ chức và các khối cơ quan đối với oan sai để có giải pháp cụ thể.
Phó Chủ tịch QH Huỳnh Ngọc Sơn nói: “Oan sai chỉ cần 1 vụ là rúng động xã hội, là có tội lớn với dân rồi, nay tới 71 vụ. Đây có phải con số đầy đủ hay chỉ là mới phát hiện từng này. Nếu nói 0,02% là không nhiều sẽ rất không ổn. Bởi oan sai tác động xấu đến dư luận xã hội vì vậy báo cáo cần đánh giá tính chất, hệ lụy chứ không phải là nhiều ít. Làm cho người dân không tin vào cơ quan bảo vệ pháp luật, muốn xử sao thì xử”.
Đồng tình với ông Sơn, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai nhìn nhận số vụ oan sai 0,02% tỉ lệ không cao nhưng tính chất, tác động xã hội rất lớn như vụ Ngô Thanh Kiều, Phú Yên đang xét xử. Vì vậy, báo cáo cần có đánh giá tác động để rút kinh nghiệm và có biện pháp.
Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng nhận định oan sai là vi phạm Hiến pháp, vi phạm quyền tự do, quyền con người, làm méo mó nền tư pháp nước nhà. Cuộc giám sát này tuy mới có 5 đoàn nhưng đã xốc lại và tự xem lại hoạt động chuyên môn để hướng đến mục tiêu không để oan sai. “Đầu tiên xuất phát từ quyền con người mới mở ra quyền dân tộc và chủ quyền quốc gia. Quyền con người phải được tôn trọng, được bảo đảm, được bảo vệ. Mà ai tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ? Chính là cơ quan tư pháp mà lại gây oan sai thì sao được”.
Chủ tịch QH đề nghị cần có đánh giá hệ thống tư pháp một cách chính xác để thực hiện cho đúng. Bên cạnh đó cần xác định oan sai đang diễn ra thì ở mức nào, dù oan sai nhỏ hay lớn, đều là đánh mất quyền con người, đánh mất công lý, đều là “nghiêm trọng”. “Không thể đưa mục tiêu phần trăm số vụ oan sai. Oan sai ở đâu, trình tự tố tụng, truy tố, xét xử? Và oan sai ở khâu nào, đơn vị, cơ quan nào thì ở đó phải chịu trách nhiệm. Phải chỉ rõ được trách nhiệm từng khâu oan sai và xử lý nghiêm” - ông Hùng nhấn mạnh.
Theo Chủ tịch QH, báo cáo phải chỉ rõ trách nhiệm Tòa án, người cuối kết tội là thẩm phán, chánh án cũng phải chịu trách nhiệm. “Một ngày tại tù thiên thu tại ngoại. Con số 260 người chết trong quá trình tạm giam, tạm giữ làm tôi rất xúc động. Dù là bức cung nhục hình hay tự tử thì công an đều phải chịu trách nhiệm và cơ quan điều tra viện kiểm sát phải làm rõ. Tòa án cũng phải gắn chặt trách nhiệm sự nghiêm minh của bản án” - Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh.
Thế Dũng
Nguồn: báo Người Lao Động