Tháng 4/2015, Công an TP.HCM vừa ban hành hướng dẫn mới để thực hiện Luật Cư trú, các thông tư, nghị định về đăng ký, quản lý cư trú trên địa bàn TP.HCM. Những ngày tới đây, Công an TP.HCM sẽ tập huấn nghiệp vụ cho các công an quận, huyện để thực hiện.
Thượng tá Cao Văn Đen, Phó phòng Cảnh sát quản lý hành chính về TTXH - Công an TP.HCM, cho biết văn bản hướng dẫn mới (Văn bản 417) có một số điểm mới liên quan đến việc đăng ký thường trú, việc cho thuê, cho ở nhờ…
. Phóng viên: Lâu nay người dân đăng ký thường trú phải có chỗ ở hợp pháp và đã tạm trú liên tục tại TP từ một năm trở lên, hướng dẫn mới có gì thay đổi không, thưa ông?
+ Thượng tá Cao Văn Đen: Theo quy định mới, điều kiện công dân tạm trú được đăng ký thường trú phải đăng ký tạm trú liên tục tại TP.HCM hai năm trở lên kể từ khi nhập vào các quận và một năm trở lên khi đăng ký thường trú tại các huyện. Thời gian đăng ký tạm trú được tính bằng tổng thời gian tạm trú liên tục tại nhiều chỗ ở khác nhau trong phạm vi TP. Ngoài ra, sổ đăng ký tạm trú phải theo mẫu của Bộ Công an và thời gian đăng ký tạm trú chỉ có thời hạn là 24 tháng. Khi hết thời hạn tạm trú thì người dân phải đi gia hạn lại.
. Được biết việc cho thuê nhà ở, cho ở nhờ… phải đảm bảo diện tích tối thiểu là là
5 m2 sàn/người, vậy theo hướng dẫn mới thì quy định ra sao?
+ Đối với chỗ ở là nhà ở do thuê, mượn hoặc ở nhờ thì diện tích cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ phải ghi rõ trong hợp đồng và phải bảo đảm diện tích tối thiểu theo quy định của UBND TP thay vì trước đây quy định diện tích tối thiểu là 5 m2 sàn/người. Tuy nhiên, hiện TP văn chưa đưa ra quy định về mức diện tích bình quân nên tạm thời vẫn áp dụng diện tích là 5 m2 sàn/người, chờ khi nào UBND TP đưa ra quy định sẽ áp dụng theo.
. Có nhiều trường hợp người chưa có vợ chồng muốn nhập hộ khẩu vào nhà anh, chị, em, chú, bác, cô, dì nhưng vẫn không được, hướng dẫn lần này có giải quyết cho các trường hợp này không?
+ Theo quy định, công dân được đăng ký thường trú nếu đã thành niên nhưng còn độc thân về sống với ông, bà nội, ngoại. Tuy nhiên, hướng dẫn mới đã tạo điều kiện, quy định ngoài việc giải quyết cho các đối tượng đăng ký thường trú tại TP ở khoản 2 Điều 20 Luật Cư trú (như vợ về ở với chồng; chồng về ở với vợ; con về ở với cha, mẹ; cha, mẹ về ở với con; người hết tuổi lao động, nghỉ hưu, nghỉ mất sức, nghỉ thôi việc chuyển về ở với anh, chị, em ruột…) thì những người thành niên còn độc thân về ở với anh, chị, em, cô, dì, chú, bác ruột vẫn được giải quyết. Khi giải quyết cần phải có giấy xác nhận độc thân của người muốn nhập vào.
. Xin cám ơn ông.
--------------------
Một số trường hợp đặc biệt được giải quyết nhập hộ khẩu
- Phụ nữ Việt Nam lấy chồng Trung Quốc, Đài Loan nếu có giấy tờ, tài liệu chứng minh có quốc tịch Việt Nam và trường hợp con lai của phụ nữ Việt Nam với người Trung Quốc, Đài Loan được các cơ quan có thẩm quyền giải quyết nhập quốc tịch, đăng ký khai sinh nay trở về Việt Nam sinh sống ổn định thì có thể xem xét, giải quyết.
- Nhân khẩu không chấp hành lệnh gọi nhập ngũ nhưng đến nay chưa được đăng ký lại, công an địa phương đã xóa khỏi hộ khẩu thì giải quyết không cần phải có ý kiến của hội đồng nghĩa vụ quân sự. Riêng đối với nhân khẩu đào ngũ, bỏ ngũ về địa phương chỉ giải quyết đăng ký thường trú lại khi có quyết định xử lý của Bộ Tư lệnh TP.HCM.
- Nhân khẩu có quyết định đưa vào cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng… mà bỏ trốn, nếu không có quyết định hoặc thông báo bắt tập trung trở lại thì giải quyết. Nhân khẩu từng có hộ khẩu ở TP.HCM mà đã bị xóa khỏi hộ khẩu do đi vắng quá sáu tháng không lý do nếu không phải đối tượng truy nã, người bị cấm đăng ký thường trú thì giải quyết.
Nguồn: NGUYỄN HIỀN/ Pháp luật TP.HCM