Friday, November 14, 2014

Hỏi về việc lập giấy ủy quyền tham gia tố tụng cho 2 người cùng lúc


Hỏi: Hiện nay trong thực tế có nhiều sự kiện pháp lý xảy ra và tôi cũng đang gặp phải vấn đế về sự việc cụ thể sau đây. Tôi chỉ muốn hỏi về mặt nguyên tắc và thực tiễn áp dụng, Công ty tôi đang làm là một nguyên đơn trong một vu kiện dân sự đòi tiền bán hàng. Nhưng hiện tại giám đốc Công ty tôi lại uỷ quyền cho 2 nhân viên trong Công ty cùng nhau tham gia tố tụng trong vụ kiện này (lưu ý: mỗi nhân viên có một giấy uỷ quyền riêng lẻ, nhưng nội dung giống nhau về nội dung uỷ quyền,  Anh A giấy uỷ quyền số 11, Anh B giấy uỷ quyền 12).

Vậy kính thưa Luật sư với việc uỷ quyền như vậy thì khi tham gia tố tụng thì phía Công ty chúng tôi có gặp bất lợi gì không? và về mặt nguyên tắc và thực tiễn áp dụng thì có hợp lý không? Rất mong nhận được sự phản hồi từ quý Luật sư. Rất hân thành cảm ơn Luật sư. (Ph. Truong).

Luật sư Trần Hồng Phong trả lời:

Cần phải nói ngay là việc giám đốc công ty anh cùng lúc ủy quyền cho 2 người tham gia tố tụng là sai nguyên tắc. Do có sự trùng lắp về chủ thể, dẫn đến tình huống xung đột về hành vi dân sự, không xác định được ai là người đại diện theo ủy quyền hợp “pháp của” công ty. Vì về nguyên tắc mỗi vị trí tố tụng (ở đây là nguyên đơn) phải là một cá nhân hay pháp nhân duy nhất.

Thông thường, theo nguyên tắc hiệu lực theo thời gian và nguyên tắc đương sự có quyền thay đổi, định đoạt trong các vấn đề dân sự (tất nhiên là phải phù hợp với quy định của pháp luật về thủ tục, hình thức…vv), thì Giấy ủy quyền lập sau sẽ có hiệu lực pháp luật, đồng nghĩa với việc vô hiệu hóa/chấm dứt hiệu lực của giấy lập trước. Tuy nhiên nếu cả hai giấy lập cùng ngày, và nhất là không có nội dung thể hiện rõ là giấy này có hiệu lực có ảnh hưởng gì tới những giấy đã lập trước đó không, thì có thể khẳng định là cả hai giấy sẽ trở thành cùng không có giá trị. Phải hủy một giấy.

Nói chung, sự việc trên cũng không đến nỗi gây ra điều gì bất lợi cho công ty anh, ngoại trừ việc phải giải quyết những chuyện phiền phức, rắc rối không đáng có như nêu trên.

Qua thực tiễn tham gia rất nhiều vụ án, tôi nhận thấy Giấy ủy quyền tham gia tố tụng là một văn bản tuy chỉ có tính chất hành chính - thủ tục, nhưng rất quan trọng. Rất nhiều vụ án đã phải kéo dài, hủy án … do những sai sót hay thiếu sót trong ủy quyền tham gia tố tụng. Chẳng hạn như không nêu rõ thời hạn ủy quyền (đến giai đoạn nào của vụ án), thẩm quyền của người đại diện …vv. Những sai sót này nhiều khi tòa cấp sơ thẩm cũng không phát hiện, và một bên dù biết có thể cố tình “lơ” đi, sau đó đến giai đoạn phúc thẩm mới khiếu nại, nêu ra. Dẫn đến việc hủy án, kéo dài quá trình giải quyết vụ án lên nhiều năm trời. www.ecolaw.vn


Chuyên mục Luật sư tư vấn Ecolaw do các luật sư của công ty luật hợp danh Ecolaw thực hiện. Quí vị hãy gửi câu hỏi theo địa chỉ ecolaw2@gmail.com để được giải đáp hoàn toàn miễn phí – trừ trường hợp câu hỏi quá phức tạp hoặc không rõ ràng. Thông tin càng chi tiết, cụ thể - nội dung tư vấn càng chính xác, hiệu quả. Phần lớn các câu hỏi – đáp (được mã hóa để bảo mật) sẽ được đăng trên website này nhằm mục đích phổ biến kiến thức pháp luật phổ thông cho mọi người.  
Quí vị có thể click vào menu “Luật sư tư vấn” để tìm đọc thêm các vấn đề mà mình quan tâm.
Lưu ý: bài viết trên thuộc lĩnh vực “Dân sự, tranh chấp dân sự”

CÔNG TY LUẬT HỢP DANH ECOLAW – ĐỊA CHỈ TIN CẬY CỦA MỌI NGƯỜI

843 Lê Hồng Phong, P.12, Quận 10, TP. Hồ Chí Minh
Email: ecolaw1@gmail.com - website: www.ecolaw.vn