Thursday, October 9, 2014

Thỏa thuận tại Vi bằng liên quan đến việc “không mở cửa hông” có chặt chẽ không?


Hỏi: Chào Luật sư, xin vui lòng hướng dẫn cho tôi trường hợp sau: Mẹ tôi bán cho vợ chồng ông A - bà B một miếng đất có ngôi nhà nát ( diện tích đất 4x15 m), trên hợp đồng mua bán có ghi rõ là Mẹ tôi đồng ý cho " ông A- bà B mở cửa bên hông và đi lại dọc theo chiều dài lô đất mà ông A - bà B mua" (cửa bên hông này hướng qua khu đất nhà Mẹ tôi, nếu ông A - bà B đi ra đi vô bằng cửa hông này thì phải đi trên đất nhà Mẹ tôi).

Nay ông A -bà B đã ly dị, căn cứ theo quyết định của Tòa án Quận Gò Vấp khi xử ly hôn miếng đất nói trên thuộc quyền sở hữu của 2 đứa con chung của ông A - bà B và bà B là người đại diện vì 2 con dưới 18 tuổi + sống chung với mẹ sau khi cha mẹ ly hôn (đã làm thủ tục sang tên xác lập quyền sở hữu cho 2 đứa con).

Nay Mẹ tôi thay đổi ý định không cho mở cửa bên hông và không cho đi lại trên phần đất của Mẹ tôi nữa, nên Mẹ tôi có thương lượng với bà B là sẽ cho bà B số tiền 100 triệu đồng để xây lại nhà cho mấy mẹ con bà B ở. Đổi lại khi xây nhà bà B không mở cửa bên hông + không đi lại trên phần đất của Mẹ tôi, bà B đồng ý . Giao dịch này Mẹ tôi có nhờ Thừa phát lại lập vi bằng có nội dung: Mẹ tôi trả cho bà B 100 triệu đồng và bà B cam kết không mở cửa hông và không đi lại trên đất của Mẹ tôi. Xin cho tôi hỏi:

1/ Trong trường hợp này Bà B có quyền ký giao dịch liên quan tới miếng đất nêu trên với Mẹ tôi không? Việc ký giao dịch này có cần sự đồng ý của ông A - người giám sát việc giám hộ hay không?

2/ Khi Mẹ tôi cho mở cửa hông + đi lại trên đất Mẹ tôi thì sự thỏa thuận này có ghi trong Hợp đồng mua bán đất có công chứng, khi không cho mở cửa hông + không cho đi lại trên đất của Mẹ tôi thì có vi bằng của Thừa phát lại. Vậy việc này có chặt chẽ về mặt pháp lý không? Rất mong nhận được sự tư vấn của Luật sư, xin chân thành cảm ơn. (Chau T.)

Luật sư Trần Hồng Phong trả lời:

Qua những diễn biến mà bạn kể, có thể thấy giữa hai bên từ trước đến nay không có tranh chấp hiềm khích gì. Mọi sự thỏa thuận giữa hai bên tới nay đều được các bên tôn trọng thực hiện, nội dung thỏa thuận cũng không có gì vi phạm pháp luật. Đây là điều đáng “khen ngợi” nhất.

Điều đó cũng có nghĩa là, tôi cho rằng những nội dung mà hai bên đã thỏa thuận trong Vi bằng lập tại Văn phòng thừa phát lại là phù hợp với qui định của pháp luật, hai bên cùng đồng thuận và có giá trị pháp lý. Và do vậy, nói chung là đã chặt chẽ về mặt pháp lý. Trong trường hợp này, vì bà B là mẹ, lại đang nuôi hai con, nên bà B chính là người đại diện theo pháp luật của hai người con. Vì giao dịch chỉ liên quan đến tài sản của hai người con chứ không phải của ông A, nên không cần thiết ông A phải ký vào Vi bằng.

Tuy vậy, thực ra tôi cũng có một chút băn khoăn về chủ thể ký Vi bằng. Theo lời bạn thì bà B ký Vi bằng với tư cách là người đại diện cho 2 người con (là chủ sở hữu của căn nhà bên cạnh) liệu đã đúng luật chưa?

Theo qui định tại Điều 20 Bộ luật dân sự thì “Trong trường hợp người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi có tài sản riêng bảo đảm thực hiện nghĩa vụ thì có thể tự mình xác lập, thực hiện giao dịch dân sự mà không cần phải có sự đồng ý của người đại diện theo pháp luật”. Như vậy, về nguyên tắc nếu hai người con đã đủ 15 tuổi thì tốt hơn hết là phải hỏi ý kiến của họ trước hoặc thậm chí là Văn phòng thừa phát lại có thể yêu cầu họ cùng ký vào Vi bằng cho “chắc cú” hơn. Tuy nhiên, cũng có thể là tôi đã quá lo xa!

Việc bạn hỏi là hợp đồng mua bán đất thì có công chứng, còn Vi bằng thì ở Thừa phát lại thì có “sao” không ? Xin nói luôn là không sao cả. Vi bằng lập tại Văn phòng Thừa phát lại là “có giá trị pháp lý” và phần nào có thể xem như là đã có “công chứng” vậy.

Bất luận thế nào, tôi cho rằng để thực thi những điều đã thỏa thuận trong Vi bằng và ngăn chặn những khả năng tiềm ẩn có thể xảy ra tranh chấp, tốt nhất là Mẹ bạn nên xây bờ rào kiên cố, không cho nhà bên đi qua đất của mình nữa. www.ecolaw.vn

----------------------------------

Qui định của pháp luật:

Năng lực hành vi dân sự của người chưa thành niên từ đủ sáu tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi

1. Người từ đủ sáu tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi khi xác lập, thực hiện giao dịch dân sự phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý, trừ giao dịch nhằm phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày phù hợp với lứa tuổi hoặc pháp luật có quy định khác.

2. Trong trường hợp người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi có tài sản riêng bảo đảm thực hiện nghĩa vụ thì có thể tự mình xác lập, thực hiện giao dịch dân sự mà không cần phải có sự đồng ý của người đại diện theo pháp luật, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

(Điều 20 Bộ luật dân sự)


Chuyên mục Luật sư tư vấn Ecolaw do các luật sư của công ty luật hợp danh Ecolaw thực hiện. Quí vị hãy gửi câu hỏi theo địa chỉ ecolaw2@gmail.com để được giải đáp hoàn toàn miễn phí – trừ trường hợp câu hỏi quá phức tạp hoặc không rõ ràng. Thông tin càng chi tiết, cụ thể - nội dung tư vấn càng chính xác, hiệu quả. Phần lớn các câu hỏi – đáp (được mã hóa để bảo mật) sẽ được đăng trên website này nhằm mục đích phổ biến kiến thức pháp luật phổ thông cho mọi người.  
Quí vị có thể click vào menu “Luật sư tư vấn” để tìm đọc thêm các vấn đề mà mình quan tâm.
Lưu ý: bài viết trên thuộc lĩnh vực “Dân sự, tranh chấp dân sự”

CÔNG TY LUẬT HỢP DANH ECOLAW – ĐỊA CHỈ TIN CẬY CỦA MỌI NGƯỜI

843 Lê Hồng Phong, P.12, Quận 10, TP. Hồ Chí Minh
Email: ecolaw1@gmail.com - website: www.ecolaw.vn