Friday, October 10, 2014

Làm thế nào để chấm dứt hợp đồng lao động đúng luật và không phải bồi thường chi phí đào tạo?


Hỏi : Khi vào làm tôi có ký văn bản thỏa thuận với công ty, trong đó quy định tôi phải làm việc 2 năm ở công ty, nếu nghỉ trước 2 năm thì tôi phải bồi thường gần 100 triệu đồng tiền chi phí đi đào tạo bên nước ngoài. Hiện tại tôi đang làm việc mới 1 năm thôi. Còn đúng 1 năm nữa mới hết hợp đồng đó.

Có cách nào để tôi có thể chấm dứt Hợp đồng lao động với công ty tôi sớm hơn mà không phải bồi thường chi phí đào tại không? Vì công ty không tuân thủ đúng luật về thanh toán lương cho nhân viên, luôn trả lương trễ từ nửa tháng đến 1 tháng . (Nguyen Th.)

Luật sư Trần Hồng Phong trả lời:

Tại khoản 3 điều 41 Bộ luật lao động quy định “Trong trường hợp người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động thì phải bồi thường chi phí đào tạo (nếu có)”.

Điều 13 Nghị định 44/2003-CP quy định “Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động phải bồi thường chi phí đào tạo, trừ trường hợp chấm dứt hợp đồng lao động mà thực hiện đúng và đủ các quy định tại Điều 37 của Bộ luật Lao động”.

Khoản 4 mục III Thông tư 21/2003 của Bộ LĐTBXH ngày 22-9-2003 “Người lao động tự ý bỏ việc hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, trừ các trường hợp quy định tại Điều 37 của Bộ Luật Lao động”.

Đối chiếu với trường hợp của chị, do công ty đã bỏ chi phí cho chị được đào tạo ở nước ngoài, và giữa chị với công ty lại có thỏa thuận làm việc trong 2 năm. Vì vậy, về nguyên tắc, khi chị nghỉ thì phải bồi thường cho công ty khoản chi phí mà hai bên thỏa thuận. Trừ khi chị chấm dứt hợp đồng lao động hợp pháp theo điều 37 Bộ luật lao động.

Điều 37 bộ luật lao động quy định “Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn từ đủ 12 tháng đến 36 tháng có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng trước thời hạn trong trường hợp không được trả công đầy đủ hoặc trả công không đúng thời hạn đã thoả thuận trong hợp đồng”.

Như vậy, nếu công ty chị thường xuyên trả lương không đúng thời gian đã thỏa thuận, thì cũng có thể xem đây là “cơ may”, chị có thể dựa vào đó để đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với công ty mà không phải bồi thường.

Về thủ tục: chị vẫn phải báo trước với công ty 30 ngày (đối với HĐLĐ xác định thời hạn từ 1 – 3 năm), 45 ngày (nếu là hợp đồng không xác định thời hạn). Lưu ý: Chị phải có bằng chứng chắc chắn về việc công ty “luôn trả lương trễ” ( ít nhất 2-3lần). Chúc chị mọi việc tốt đẹp.www.ecolaw.vn

Ghi chú: Phần trả lời câu hỏi này được thực hiện trước khi Bộ luật lao động 2012 ra đời, do vậy có một số điều luật không còn chính xác theo thứ tự nữa. Tuy nhiên xét về bản chất thì nội dung trả lời vẫn phù hợp, có giá trị tham khảo

-----------------------------

Qui định tại Bộ luật lao động:

Điều 41

(…)

2- Trong trường hợp người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật thì không được trợ cấp thôi việc và phải bồi thường cho người sử dụng lao động nửa tháng tiền lương và phụ cấp lương (nếu có).

3- Trong trường hợp người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động thì phải bồi thường chi phí đào tạo (nếu có) theo quy định của Chính phủ.

4- Trong trường hợp đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, nếu vi phạm quy định về thời hạn báo trước, bên vi phạm phải bồi thường cho bên kia một khoản tiền tương ứng với tiền lương của người lao động trong những ngày không báo trước."

Điều 37

1- Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn từ đủ 12 tháng đến 36 tháng, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng trước thời hạn trong những trường hợp sau đây:

A) Không được bố trí theo đúng công việc, địa điểm làm việc hoặc không được bảo đảm các điều kiện làm việc đã thoả thuận trong hợp đồng;

B) Không được trả công đầy đủ hoặc trả công không đúng thời hạn đã thoả thuận trong hợp đồng;

C) Bị ngược đãi; bị cưỡng bức lao động;

D) Bản thân hoặc gia đình thật sự có hoàn cảnh khó khăn không thể tiếp tục thực hiện hợp đồng;

Đ) Được bầu làm nhiệm vụ chuyên trách ở các cơ quan dân cử hoặc được bổ nhiệm giữ chức vụ trong bộ máy nhà nước;

E) Người lao động nữ có thai phải nghỉ việc theo chỉ định của thầy thuốc;

G) Người lao động bị ốm đau, tai nạn đã điều trị ba tháng liền đối với người làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn từ đủ 12 tháng đến 36 tháng và một phần tư thời hạn hợp đồng đối với người làm việc theo hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng mà khả năng lao động chưa được hồi phục.

2- Khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định tại khoản 1 Điều này, người lao động phải báo cho người sử dụng lao động biết trước:

A) Đối với các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và g: ít nhất ba ngày;

B) Đối với các trường hợp quy định tại điểm d và điểm đ: ít nhất 30 ngày nếu là hợp đồng xác định thời hạn từ đủ 12 tháng đến 36 tháng; ít nhất ba ngày nếu là hợp đồng theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng;

C) Đối với trường hợp quy định tại điểm e: theo thời hạn quy định tại Điều 112 của Bộ luật này.

3- Người lao động làm theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, nhưng phải báo cho người sử dụng lao động biết trước ít nhất 45 ngày; người lao động bị ốm đau, tai nạn đã điều trị sáu tháng liền thì phải báo trước ít nhất ba ngày."


Chuyên mục Luật sư tư vấn Ecolaw do các luật sư của công ty luật hợp danh Ecolaw thực hiện. Quí vị hãy gửi câu hỏi theo địa chỉ ecolaw2@gmail.com để được giải đáp hoàn toàn miễn phí – trừ trường hợp câu hỏi quá phức tạp hoặc không rõ ràng. Thông tin càng chi tiết, cụ thể - nội dung tư vấn càng chính xác, hiệu quả. Phần lớn các câu hỏi – đáp (được mã hóa để bảo mật) sẽ được đăng trên website này nhằm mục đích phổ biến kiến thức pháp luật phổ thông cho mọi người.  
Quí vị có thể click vào menu “Luật sư tư vấn” để tìm đọc thêm các vấn đề mà mình quan tâm.
Lưu ý: bài viết trên thuộc lĩnh vực “Lao động”

CÔNG TY LUẬT HỢP DANH ECOLAW – ĐỊA CHỈ TIN CẬY CỦA MỌI NGƯỜI

843 Lê Hồng Phong, P.12, Quận 10, TP. Hồ Chí Minh
Email: ecolaw1@gmail.com - website: www.ecolaw.vn