Thursday, October 9, 2014

Hỏi về việc đòi tiền có nguồn gốc từ việc hứa chia và người được chia nay đã qua đời


Hỏi: Xin kính chào các luật sư, tôi có một thắc mắc như sau mong được các luật sư giúp đỡ tư vấn. Năm 2002 Bố, Mẹ tôi có làm hợp đồng tặng cho người cháu 01 ngôi nhà. Việc tặng cho có làm hợp đồng công chứng và sau đó người cháu đã làm thủ tục chuyển quyền sở hữu đứng tên anh ta. Tuy nhiên sau đó do có mâu thuẫn nên năm 2004 bố mẹ tôi đã làm đơn khởi kiện ra Tòa án để đòi lại nhà. Bản án sơ thẩm năm 2005 đã bác yêu cầu đòi nhà của bố mẹ tôi.

Không đồng ý với bản án sơ thẩm nên bố mẹ tôi đã làm đơn kháng cáo để yêu cầu xét xử phúc thẩm. Lúc này người cháu nói với bố mẹ tôi là nếu bố mẹ tôi rút đơn kháng cáo anh ta sẽ bán nhà để chia giá trị ngôi nhà theo tỷ lệ bố mẹ tôi được hưởng 60%, anh ta hưởng 40%. Đề xuất này được bố mẹ tôi và anh ta đồng ý làm văn bản thỏa thuận tại UBND phường và có xác nhận của Ban tư pháp và Chủ tịch UBND phường.

Cuối năm 2005 bố tôi mất và không để lại di chúc, tôi và mẹ tôi là 02 đồng thừa kế duy nhất các tài sản do bố tôi để lại.

Năm 2009, người cháu bán ngôi nhà được tặng cho với giá 180 triệu đồng. Tuy nhiên anh ta chỉ đưa cho mẹ tôi 50 triệu, số tiền còn lại anh ta giữ lại từ thời điểm đó cho đến nay. Tôi và mẹ tôi đã nhiều lần đề nghị anh ta trả số tiền còn lại thuộc phần được hưởng của bố tôi nhưng anh ta không trả.

Vậy xin luật sư tư vấn giúp:

1/ Tôi có được hưởng số di sản thừa kế từ phần tài sản được chia của bố tôi hay không?

2/ Nếu tôi được hưởng thì tôi có thể yêu cầu anh ta trả phần di sản mà tôi được hưởng bằng cách nào ( theo quy định nào của pháp luật )?

3/ Tôi có thể căn cứ vào biên bản thỏa thuận giữa bố mẹ tôi và anh ta về việc bán nhà để chia tài sản để yêu cầu anh ta thực hiện nghĩa vụ hay không?

Kính mong các luật sư vui lòng giải đáp. Tôi xin chân thành cám ơn (Nguyen Ph.)

Luật sư Trần Hồng Phong trả lời:

Trước hết, cần minh định rõ là việc bố mẹ bạn kiện đòi lại tài sản đã cho, trong khi người nhận tài sản đã sang tên, hoàn tất thủ tục sở hữu – là không thể. Nghĩa là có kiện thì cũng sẽ thua kiện. Do vậy, cần “quên” đi việc này mà không nên “ấm ức” làm gì nữa. Xem như đây là một bài học kinh nghiệm vậy, vì đã chọn nhầm người mà cho tài sản.

Xét về bản thỏa thuận (về việc người cháu cam kết hứa bán nhà và chia cho bố mẹ bạn 60% giá trị) lập năm 2005 (trước khi bố bạn mất). Đây là thỏa thuận dân sự, các bên hoàn toàn tự nguyện, nội dung không trái luật, lại được UBND phường “chứng kiến” nên có giá trị pháp lý. Nay gia đình bạn có thể xem đây là bằng chứng để đòi quyền lợi của mình.

Như vậy, nếu người cháu vẫn tiếp tục không chịu thanh toán số tiền còn lại thì mẹ bạn có quyền và nên làm đơn khởi kiện, nhờ tòa án giải quyết, buộc người cháu phải trả khoản tiền mà anh ta đã cam kết chia. Ngoài việc đòi số tiền “gốc”, mẹ bạn còn có quyền đòi thêm tiền lãi phát sinh, do chậm thanh toán, tình từ thời điểm người cháu bán căn nhà. Mức lãi suất có thể tính theo lãi suất cho vay do Ngân hàng Nhà nước qui định tại thời điểm tương ứng.

Về việc bạn có hưởng “số di sản thừa kế từ phần chia của bố” hay không, ý kiến của tôi như sau:

Trước hết, tôi nghĩ rằng số tiền mà bố bạn được người cháu hứa chia (giả sử là 50%, mẹ bạn cũng 50%) “không” hay đúng hơn là “chưa” thể xem là “di sản thừa kế”. Vì “di sản” là tài sản do người có tài sản để lại sau khi đã qua đời. Theo qui định tại Bộ luật dân sự, tài sản có thể là những thứ sẽ “hình thành trong tương lai”. Tuy nhiên, tài sản gọi là “di sản” nhất thiết phải là tài sản có thật, hiện hữu tại thời điểm người có tài sản qua đời. Ở đây, số tiền mà người cháu hứa chia khi bán nhà thực chất chưa có tại thời điểm bố bạn qua đời, nên chưa thể xem là di sản thừa kế được.

Nhưng, với tư cách là “người thừa kế” của bố bạn, mẹ bạn (vợ) và bạn (con) có quyền thừa kế cả “quyền hưởng tài sản” của bố bạn. ( Cũng có thể gọi là “quyền tài sản” – tức là “quyền trị giá được bằng tiền và có thể chuyển giao trong giao dịch dân sự”, qui định tại Điều 181 Bộ luật dân sự). Theo đó, mẹ bạn và bạn có quyền đồng đứng đơn (với tư cách là nguyên đơn) khởi kiện người cháu để đòi tiền như tôi đã phân tích ở trên.

Cũng cần nói thêm cho rõ là ý kiến phân tích nêu trên là quan điểm cá nhân của tôi. Không loại trừ khả năng sẽ có người không đồng ý, cho rằng phải thế này thế khác. Việc này, nếu có, cũng là điều hết sức bình thường và thuần túy về mặt học thuật.

Và, qua những ý phân tích ở trên, tôi cũng cảm nhận rằng tuy về mặt “lý thuyết” là vậy, nhưng khi khởi kiện ra tòa, rất có thể cán bộ tòa án sẽ có cách hiểu và đánh giá khác. Bất luận thế nào, thì gia đình bạn vẫn có quyền và nên khởi kiện ra tòa để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Còn việc xác định số tiền đó là gì, nếu tòa từ chối không nhận đơn, hãy nhờ họ giải thích và hướng dẫn thêm. Chúc gia đình mọi việc thuận lợi, tốt đẹp. www.ecolaw.vn


Chuyên mục Luật sư tư vấn Ecolaw do các luật sư của công ty luật hợp danh Ecolaw thực hiện. Quí vị hãy gửi câu hỏi theo địa chỉ ecolaw2@gmail.com để được giải đáp hoàn toàn miễn phí – trừ trường hợp câu hỏi quá phức tạp hoặc không rõ ràng. Thông tin càng chi tiết, cụ thể - nội dung tư vấn càng chính xác, hiệu quả. Phần lớn các câu hỏi – đáp (được mã hóa để bảo mật) sẽ được đăng trên website này nhằm mục đích phổ biến kiến thức pháp luật phổ thông cho mọi người.  
Quí vị có thể click vào menu “Luật sư tư vấn” để tìm đọc thêm các vấn đề mà mình quan tâm.
Lưu ý: bài viết trên thuộc lĩnh vực “Dân sự, tranh chấp dân sự”

CÔNG TY LUẬT HỢP DANH ECOLAW – ĐỊA CHỈ TIN CẬY CỦA MỌI NGƯỜI

843 Lê Hồng Phong, P.12, Quận 10, TP. Hồ Chí Minh
Email: ecolaw1@gmail.com - website: www.ecolaw.vn