Thursday, October 9, 2014

Hỏi về việc bị bạn lấy trộm tài sản và vay tiền mà không trả


Hỏi: Em mong quí luật sư của Ecolaw giúp đỡ và tư vấn em về một việc mà em không biết nhờ ai giúp đỡ khi em ở Sài Gòn này một mình. Nội dung vụ việc như sau: Em có một người bạn nó mượn chiếc xe, em đã cho mượn. Lúc em không có ở trong phòng, bạn em đã lấy laptop của em và lấy thêm cái laptop của đứa bạn em. Sau khi vụ việc xảy ra người đó trốn mất và em đến gia đình bạn em để đòi và gia đình đã lấy lại được chiếc xe, đồng thời có đưa cho em 5 triệu đi chuộc lại một cái laptop của bạn em. Còn laptop của em thì bị bán đi mất tiêu. Ngoài ra, người đó có về quê em chơi và lên chùa em ( nơi em đang quy y tam bảo) nói với sư phụ của em là hứa xây dựng lại chùa. Mà xây chưa thấy đâu đã mượn sư phụ em 2 triệu đồng và mẹ em 5 triệu đồng (vì người dân quê ở chỗ em rất là tin người nên cho mượn). Bạn em có viết thư gửi cho sư phụ em mượn tiền và có thể lấy đây làm bằng chứng, còn mẹ em thì không.

Ngoài ra, lúc ở Sài Gòn bạn em có lấy của em 4,5 triệu khi em lãnh lương. Tổng số tiền em bị mất là 11, 5 triệu đồng và thêm một cái laptop trị giá 875USD lúc mới mua. Bây giờ gia đình em và sư phụ chùa em rất cần lấy lại số đó.

Gia đình bên bạn ấy chỉ đưa 5 triệu và bây giờ nói chỉ đưa nhiêu đó là đủ rồi không còn dính dáng gì nữa. Em rất tức vì sự nói ngang như thế, nên em muốn tìm một luật sư tư vấn cho em về việc này. Mọi vụ việc trên đều có người làm chứng và vật chứng nhưng em không biết về pháp luật. Rất mong quí luật sư đọc xong giúp đỡ cho em. Em rất biết ơn ! (Nguyen Kh.)

Luật sư Trần Hồng Phong trả lời:

Người bạn của bạn như vậy là rất xấu, không xứng đáng để gọi là “bạn”. Nói chung, những số tiền mà bạn nêu tuy không lớn lắm, nhưng cũng không thể gọi là nhỏ. Nhất là khi mình cũng đang trong hoàn cảnh khó khăn, chưa gọi là khá giả. Do vậy, việc phải giải quyết sự việc cho “đến nơi đến chốn” cũng là việc cần thiết, công bằng. Đó là lý do chúng tôi quyết định trả lời thư này cho bạn.

Trước hết, hành vi lấy tiền/tài sản của người bạn (tạm gọi là anh A), cần chia làm hai loại:

Thứ nhất: là hành vi “trộm cắp” (lấy cắp tài sản). Đó là việc lấy chiếc xe máy, hai chiếc máy laptop và tiền lương của bạn. Ngoại trừ việc lấy tiền lương xem ra bằng chứng chưa rõ lắm, thì việc lấy trộm 2 chiếc laptop và chiếc xe là hành vi đã rõ, đã hoàn thành. Theo qui định tại Bộ luật hình sự, người nào có hành vi trộm cắp, lấy tài sản có giá trị từ 2 triệu đồng trở lên là có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội trộm cắp. Do vậy, đối với hành vi này bạn có quyền và nên làm Đơn tố cáo gửi công an nơi sự việc xảy ra và nơi người bạn có hộ khẩu thường trú, để công an mời lên “làm việc”. Qua đó gây áp lực để anh chàng này phải trả lại số tài sản đã chiếm đoạt. Tuy nhiên, do giá trị tài sản cũng khá nhỏ, nên có thể công an sẽ “không nhiệt tình” lắm khi nhận và giải quyết đơn. Hoặc cũng có thể sẽ hướng dẫn bạn làm Đơn khởi kiện đòi nợ ở Tòa án.

Thứ hai: hành vi vay tiền. Cụ thể là anh A đã vay của sư phụ bạn 2 triệu đồng và mẹ bạn 5 triệu đồng. Để đòi tiền, sư phụ bạn và mẹ bạn phải cùng làm đơn khởi kiện, gửi tòa án nơi anh A đang cư trú để đòi nợ. Ngoài việc đòi tiền vốn, phía chủ nợ có quyền đòi thêm khoản tiền lãi phát sinh. Cả hai người có thể ủy quyền cho bạn đi kiện đòi nợ.

Như tôi đã nói ngay từ đầu, sự việc này giá trị không lớn lắm, và con đường tố cáo, kiện tụng chắc chắn cũng sẽ khá khó khăn, vất vả và tốn kém, nhưng nếu muốn giải quyết được thì cũng không có cách nào khác. Hoặc không, thì bạn và mẹ bạn đành phải chấp nhận mất tiền, xem như là một bài học kinh nghiệm cho mình về sau. Theo tôi nghĩ, ít nhất bạn cũng nên gửi Đơn tố cáo gửi tới cơ quan công an ( qua đường bưu điện cũng được rồi). Chúc bạn mọi việc tốt đẹp.www.ecolaw.vn

--------------------------------

Qui định của pháp luật:

Tội trộm cắp tài sản

1. Người nào trộm cắp tài sản của người khác có giá trị từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Tái phạm nguy hiểm;
d) Dùng thủ đoạn xảo quyệt, nguy hiểm;
đ) Hành hung để tẩu thoát;
e) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng;
g) Gây hậu quả nghiêm trọng.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm:
a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng;
b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân:
a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên;
b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng.

(Điều 138 Bộ luật hình sự)


Chuyên mục Luật sư tư vấn Ecolaw do các luật sư của công ty luật hợp danh Ecolaw thực hiện. Quí vị hãy gửi câu hỏi theo địa chỉ ecolaw2@gmail.com để được giải đáp hoàn toàn miễn phí – trừ trường hợp câu hỏi quá phức tạp hoặc không rõ ràng. Thông tin càng chi tiết, cụ thể - nội dung tư vấn càng chính xác, hiệu quả. Phần lớn các câu hỏi – đáp (được mã hóa để bảo mật) sẽ được đăng trên website này nhằm mục đích phổ biến kiến thức pháp luật phổ thông cho mọi người.  
Quí vị có thể click vào menu “Luật sư tư vấn” để tìm đọc thêm các vấn đề mà mình quan tâm.
Lưu ý: bài viết trên thuộc lĩnh vực “Hành chính – Hình sự”

CÔNG TY LUẬT HỢP DANH ECOLAW – ĐỊA CHỈ TIN CẬY CỦA MỌI NGƯỜI

843 Lê Hồng Phong, P.12, Quận 10, TP. Hồ Chí Minh
Email: ecolaw1@gmail.com - website: www.ecolaw.vn