Hỏi: Tôi và chồng đăng ký kết hôn được gần 2 tháng. Chồng tôi có mở 1 công ty TNHH, nhưng chồng tôi là người công nhân, viên chức không thể đứng tên Giám đốc nên mẹ chồng tôi đứng tên Giám đốc đồng nghĩa với việc là Chủ sở hữu tài sản.
Đất đai, nhà cửa mẹ chồng tôi đều là người đứng tên chủ sở hữu. Công ty đã đi vào hoạt động được hơn 5 năm, sau này khi chuẩn bị lấy tôi, chồng tôi có mở thêm 1 Địa điểm Kinh doanh mới và người đứng đầu Địa điểm Kinh Doanh là tôi. Địa điểm Kinh doanh này là 1 bộ phận của Công ty của chồng tôi.
Do bất đồng trong công việc, và không hợp nhau trong cuộc sống, dẫn đến mâu thuẫn. Nay tôi muốn ly hôn, nhưng chồng tôi không đồng ý (Chúng tôi không có con chung, không có tài sản chung) Chồng tôi đưa ra lý do là đang có nợ chung, trong thời gian đã kết hôn, chồng tôi là người chủ tài khoản công ty đứng ra nhận nợ để mua hàng hoá cho công ty. Hàng hoá đó nhập kho tại Địa điểm Kinh doanh do tôi là người đứng đầu. Tôi làm việc cho công ty với tư cách là Người quản lý (vì là công ty của chồng) nên không có bất cứ 1 văn bản nào.
Khi tôi quyết định nghỉ việc ở công ty, tôi đã bàn giao lại quỹ tiền mặt, hàng hoá có ở trong công ty lại cho chồng tôi và cũng bằng miệng, không có 1 văn bản, chứng từ nào. Giờ chồng tôi bảo là trong thời gian kết hôn, chồng tôi có giấy nhận nợ tức có nghĩa là nợ chung của 2 vợ chồng, nhưng trong giấy tờ pháp lý tôi chỉ là người đứng đầu địa điểm kinh doanh chứ không phải là người chủ sở hữu tài sản của công ty.
Trong hợp đồng cho vay vốn của Ngân hàng với công ty thì chỉ có chữ ký mẹ chồng tôi là có hiệu lực, tôi không ký kết bất cứ 1 chứng từ quan trọng nào liên quan đến vay vốn. Cho tôi hỏi, chồng tôi nói vậy có đúng không? Và tôi phải giải quyết sự việc này thế nào? Vì bây giờ toà án gọi hoà giải lần 1 và bảo 2 người hãy thương lượng, thoả thuận đồng nhất với nhau đi đã rồi tiếp tục làm thủ tục ly hôn? Rất mong các luật sư giải đáp thắc mắc của tôi. Xin Cảm ơn!( Tra Ph.)
Luật sư Trần Hồng Phong trả lời :
Điều đầu tiên mà tôi cảm thấy băn khoăn là bạn hỏi về việc ly hôn chỉ sau 2 tháng kết hôn. Như vậy liệu có quá sớm và thực sự chín chắn không? Cho dù là có mâu thuẫn, thì tại sao không giải quyết mà phải ly hôn. Đã ly hôn sớm như vậy thì kết hôn làm gì cho khổ?
Dù những tình tiết bạn nêu ra khá rõ ràng, nhưng câu hỏi của bạn trả lời không dễ - vì phải dựa vào các tài liệu, chứng cứ cụ thể và phụ thuộc vào quan điểm, nhận định của từng người. Và nếu “người” này là Tòa án thì Tòa án có quyền “quyết” (kết luận) mà không phụ thuộc vào ai khác.
Tuy nhiên, về nguyên tắc nói chung thì luật qui định như sau:
1. Trong thời kỳ hôn nhân, việc vay nợ (của vợ hoặc chồng hoặc cả hai vợ chồng) nhằm phục vụ cho mục đích chung sống (kinh tế chung) của hai vợ chồng thì được xem là khoản nợ chung. Như vậy, nếu chồng bạn vay nợ nhằm mục đích kinh doanh cho công ty, mà công ty lại do mẹ chồng đứng tên thì có thể xem như không phục vụ cho kinh tế chung của hai vợ chồng. Tuy nhiên, nếu chồng bạn vay “riêng” thì sau này nếu không trả nợ được (giả sử như vậy) thì chủ nợ sẽ có quyền kiện đòi nợ cả hai vợ chồng bạn ( giả sử là không/chưa ly hôn). Khi đó, việc xác định chồng bạn hay cả hai vợ chồng bạn nợ tùy thuộc vào lý lẽ, bằng chứng do vợ chồng bạn đưa ra và sự đánh giá của Tòa.
2. Việc ly hôn không phụ thuộc vào chuyện hai vợ chồng có mượn nợ hay không. Vay mượn tiền là quan hệ dân sự. Nếu không trả thì chủ nợ kiện đòi (như nói ở trên), còn việc ly hôn là quan hệ hôn nhân gia đình. Nếu hai bên có những mâu thuẫn không thể hàn gắn, mục đích hôn nhân không đạt thì Tòa giải quyết cho ly hôn. Hai nội dung trên hoàn toàn độc lập với nhau. Hay nói cách khác, chồng bạn nói như vậy là không đúng.
Nói tóm lại, vấn đề mà bạn cần giải quyết lúc này theo tôi là sớm rạch ròi tài sản vợ chồng - gia đình chồng.
Khi bắt đầu bước vào cuộc sống vợ chồng cần phải làm rõ – bằng văn bản pháp lý rõ ràng: công ty là của ai? Giá trị bao nhiêu? Công ty đang nợ bao nhiêu? Công ty đang có tài sản bao nhiêu? Trong số đó, phần nào là của chồng bạn, phần nào là của gia đình chồng (mẹ chồng)? Nếu không thể tách bạch, phân chia cụ thể thì cũng cần phải thỏa thuận rõ bằng văn bản. Vì rõ ràng bạn không thể lấy chồng, tự nuôi sống bản thân, mua sắm tài sản (nhà cửa, tiện nghi), rồi sinh con, nuôi con (về sau)…vv - mà không có sự rõ ràng về tiền bạc (tài sản), không có sự độc lập về kinh tế - mà lại “trộn lẫn” một cách rất phức tạp như bạn kể.
Còn nếu bạn vẫn “quyết tâm” ly hôn thì cứ nộp đơn ra Tòa, đơn phương. Thân mến. www.ecolaw.vn
Chuyên mục Luật sư tư vấn Ecolaw do các luật sư
của công ty luật hợp danh Ecolaw thực hiện. Quí vị hãy gửi câu hỏi theo địa
chỉ ecolaw2@gmail.com để được giải
đáp hoàn toàn miễn phí – trừ trường hợp câu hỏi quá phức tạp hoặc không rõ ràng.
Thông tin càng chi tiết, cụ thể - nội dung tư vấn càng chính xác, hiệu quả.
Phần lớn các câu hỏi – đáp (được mã hóa để bảo mật) sẽ được đăng trên website
này nhằm mục đích phổ biến kiến thức pháp luật phổ thông cho mọi người.
Quí vị có thể click vào menu “Luật sư tư vấn” để tìm đọc thêm các
vấn đề mà mình quan tâm.
Lưu
ý: bài viết trên thuộc lĩnh vực “Hôn
nhân gia đình – Quyền trẻ em”
|
CÔNG TY LUẬT HỢP DANH ECOLAW – ĐỊA CHỈ TIN CẬY CỦA MỌI NGƯỜI
843
Lê Hồng Phong, P.12, Quận 10, TP. Hồ Chí Minh
Email:
ecolaw1@gmail.com - website: www.ecolaw.vn
|