Wednesday, September 10, 2014

Tranh chấp căn nhà người anh ở Mỹ bỏ tiền làm, nhờ người em đứng tên tại Việt Nam


Hỏi: Nhờ luật sư tư vấn dùm, sự việc như sau: Bác tôi ở Mỹ về có xây 1 căn nhà và nhờ ba tôi đứng tên sở hữu nhà (vì là Việt Kiều nên không được phép đứng tên) nhưng không may Bác tôi đã qua đời và có để lại di chúc (mà chỉ bằng miệng và không có ai làm chứng, chỉ có Bác và ba tôi thôi) nói là cho ba tôi căn nhà này để làm ăn và thờ cúng Bác nếu như Bác tôi mất. Nhưng nay bà vợ của Bác tôi đòi kiện ba tôi ra tòa vì chiếm dụng căn nhà và có mấy lần gọi điện cho ba tôi thỏa thuận bán căn nhà và chia hai (ba tôi một nửa và vợ bác tôi một nửa) và có ghi âm bằng điện thoại.


Giờ vợ bác tôi lấy đó làm bằng chứng và có nhờ anh chị em trong gia đình cùng ký tên xác nhận căn nhà đó là của Bác tôi chứ không phải của ba tôi để kiện. Nhờ luật sư tư vấn dùm nếu ra tòa thì ba tôi có giữ được căn nhà này không, xin cảm ơn luật sư nhiều. Tôi rất mong hồi âm. Xin chân thành cám ơn (Vi Ng.)

Luật sư Trần Hồng Phong trả lời:

Những thông tin chị nêu đều không có bằng chứng rõ ràng, nhưng vì căn nhà đang do ba chị là người đứng tên sở hữu – trong khi đây là điều kiện và bằng chứng pháp lý quan trọng nhất để xác định quyền sở hữu của một cá nhân đối với tài sản (nhà). Nên nếu xảy ra kiện tụng tranh chấp, phần “thắng” nghiêng về bên chị với khả năng thành công khoảng 80% (theo đánh giá của tôi), 20% còn lại phụ thuộc vào tài năng và kinh nghiệm của người luật sư phía người bác.

Tuy nhiên, liệu có cần thiết phải “thắng” hay “thua” ở đây hay không? Khi mà tất cả đều là bà con ruột thịt rất gần gũi. Giữa “tình” và “tiền” - cần suy nghĩ xem điều gì đáng nên chọn hơn.

Đi vào chi tiết một số vấn đề pháp lý, tôi có vài ý trao đổi như sau:

Thứ nhất, về bản “di chúc miệng” mà chị nêu ra (có nội dung bác chị hứa cho ba chị căn nhà khi ông qua đời) không có bằng chứng xác thực gì. Hơn nữa, theo qui định thì tuy là “miệng” thì vẫn phải được lập thành văn bản, có ít nhất 2 người làm chứng …. Ở đây các yếu tố đó đều không thỏa, nên có thể xem như đây là trường hợp không có di chúc.

Xét về mặt logic, trong khi người bác đang có vợ con, mà lúc lâm chung lại giao hết căn nhà của mình cho người em (ba chị), mà không “để lại” cho vợ con một phần nhỏ, cũng không một lời nhắn nhủ - thì liệu có hợp lý hay không?

(Cũng cần nói thêm là thậm chí cho dù bác chị có để lại di chúc bằng văn bản đi chăng nữa (về căn nhà do ba chị đang đứng tên) thì di chúc này cũng không có giá trị pháp lý, vì nội dung trái luật: bác chị không có quyền định đoạt (để lại) tài sản (căn nhà) cho người khác khi không có giấy tờ pháp lý chứng minh đó là tài sản hợp pháp của mình (giấy tờ nhà ba chị đứng tên).

Thứ hai, qua chính lời chị kể, có thể xác định căn nhà này có được thực sự là nhờ vào công sức (tiền bạc) của người bác. Chỉ có điều do vướng luật, nên người bác đành phải nhờ ba chị, là người em ruột, đáng tin cậy nhất để đứng tên sở hữu nhà. Nay, nếu xét trong bối cảnh không có di chúc, giấy tờ như nói trên, thì đúng là đã rơi vào cảnh “tình ngay lý gian”, phía bác chị rất khó để tranh chấp, giành lại quyền sở hữu.

Thứ ba, xét trong bối cảnh như trên, thì việc người vợ của người bác đưa ra đề nghị bán căn nhà chia đôi mỗi bên một nửa cho thấy đã có sự “chấp nhận thiệt thòi” do thiếu giấy tờ pháp lý. Điều này cũng nói nên rằng họ không phải là người quá “tham làm”, mà thực sự đã “biết mình biết ta”.

Thứ tư, quay lại vấn đề “tiền” và “tình”. Đây là vấn đề muôn thủa trong xã hội loài người, ai cũng có thể đưa ra lý lẽ của mình, tất cả đều có thể hợp lý. Tuy nhiên, ông bà ta vẫn có câu “giọt máu đào hơn ao nước lã”, “anh em như thể tay chân”, “pháp luật vô tình” - để chỉ nên giá trị của tình máu mủ ruột thịt và sự khắc nghiệt của pháp luật.

Theo đó, thay vì trả lời câu hỏi “nếu ra tòa ba chị có giữ được căn nhà hay không ?” tôi chỉ muốn gửi tới ba chị một lời nhắn nhủ: hãy suy nghĩ và hành động theo lẽ phải và đạo lý thông thường mà mọi người đều có thể tự mình hiểu được. Điều đó hoàn toàn không có nghĩa là mình dại dột, mà chính là để mơ ra những điều tốt đẹp hơn trong tương lai. Thân mến. www.ecolaw.vn


Chuyên mục Luật sư tư vấn Ecolaw do các luật sư của công ty luật hợp danh Ecolaw thực hiện. Quí vị hãy gửi câu hỏi theo địa chỉ ecolaw2@gmail.com để được giải đáp hoàn toàn miễn phí – trừ trường hợp câu hỏi quá phức tạp hoặc không rõ ràng. Thông tin càng chi tiết, cụ thể - nội dung tư vấn càng chính xác, hiệu quả. Phần lớn các câu hỏi – đáp (được mã hóa để bảo mật) sẽ được đăng trên website này nhằm mục đích phổ biến kiến thức pháp luật phổ thông cho mọi người.  
Quí vị có thể click vào menu “Luật sư tư vấn” để tìm đọc thêm các vấn đề mà mình quan tâm.
Lưu ý: bài viết trên thuộc lĩnh vực “Dân sự, tranh chấp dân sự”

CÔNG TY LUẬT HỢP DANH ECOLAW – ĐỊA CHỈ TIN CẬY CỦA MỌI NGƯỜI

843 Lê Hồng Phong, P.12, Quận 10, TP. Hồ Chí Minh
Email: ecolaw1@gmail.com - website: www.ecolaw.vn