Wednesday, September 10, 2014

Hỏi về việc không ký vào đơn ly hôn và quyền nuôi con


Hỏi: Xin luật sư vui lòng cho tôi xin hỏi một vấn đề như sau:

Chị gái tôi cưới đầu năm 2005 và cuối năm 2005 thì có sinh 01 bé trai và cho đến nay thì bé đã được 6 tuổi.

Khi lập gia đình thì chị gái về sống cùng với chồng ở quê, được một thời gian khoảng 2 năm, sau đó chị vào Nam sống cùng cha mẹ đẻ cho đến nay.


- Xin nói về phần chị. Chị là giáo viên dậy học cấp 1, do phía Bắc không có chỉ tiêu vào Biên chế Nhà nước dễ dàng nên chị đã xin vào phía Nam đi dạy học, sau 1 năm chị được vào biên chế. Chị gái mang con trai theo ( đã chuyển hộ khẩu của 2 mẹ con vào Nam) và sống ở Miền Nam cùng bố mẹ đẻ và các em ruột. Khi vào Nam sinh sống và đi làm đã có sự đồng ý của chồng, vì vợ chồng chị có ý định chị vào trước ổn định sau đó chồng sẽ vào sau.

Trong một thời gian dài sống xa cách, ý định của anh chị đã thay đổi, chồng ở ngòai Bắc lén lút quan hệ bất chính với người phụ nữ khác và đến nay anh đột ngột gửi đơn vào đòi ly dị. Chị rất bất ngờ và không ký đơn, anh hăm dọa nếu không ký anh sẽ vào đón con trai về nuôi. (Xin lưu ý là từ ngày chị vào Nam thì chị cùng gia đình mẹ đẻ vẫn chăm sóc con của chị, chồng chị không chu cấp gì cho cháu, giờ lại đòi nuôi cháu).

Xin luật sư cho biết nếu anh chị ly dị thì quyền nuôi cháu có hòan toàn thuộc về chị không. Vì theo như em hiểu người mẹ có quyền nuôi dạy con và người mẹ vẫn có nguồn thu nhập từ lương giáo viên thì sẽ dành phần nuôi con nhiều hơn.

Về phần chồng, gia đình nhà chồng rất đông anh em trai gái thế nên việc giống nòi là không quan trọng, cái quan trọng là anh muốn giải phóng để có thể lấy người anh đang lén lút quan hệ. Nhưng vì chị gái vẫn rất mực thương chồng, tuy ở xa nhưng chị vẫn thường quan tâm mua sắm quần áo... để gửi về cho anh. Chị vẫn rất thương anh nên nhất định không chịu ký đơn, mà mới đây chị mới biết anh chồng có quan hệ không đúng với người phụ nữ kia. Vậy nên chị để thời gian cho anh suy nghĩ không thể ký đơn ngay được và theo chị không ký đơn là để cho anh thấy được cái giá của ly dị cũng không dễ dàng như anh nghĩ.

Phần quan trọng lớn của chị nữa là: Khi sinh cháu trai chị phải mổ cấp cứu để cứu lấy mẹ và con thế nên chị đã bị cắt hết buồng trứng không thể sinh con tiếp được.

Vậy nên Luật sư cho em biết chị sẽ dành phần nuôi con chắc chắn hơn đúng không ạ. Còn chồng chị có thể lấy vợ khác và sinh con khác được chứ chị có lấy chồng khác thì được chứ không thể sinh thêm con mà chỉ có 1 đứa con duy nhất.

Xin luật sư bớt chút thời gian trả lời giúp vì giờ đây gia đình em đang rất lo lắng chỉ sợ chồng chị sẽ tìm cách bắt cháu về nuôi. ( Tran Ch.)

Luật sư Trần Hồng Phong trả lời:

Câu chuyện của chị khá dài, chi tiết và buồn. Tôi có vài ý trao đổi như sau:

1. Nếu như kết hôn dựa trên nguyên tắc tự nguyện thì ly hôn là quyền của mỗi bên trong quan hệ hôn nhân. Trong một cuộc hôn nhân, khi một bên đã có ý định và cương quyết ly hôn – thì cho dù điều đó là vô đạo đức hoặc người muốn ly hôn có lỗi (chẳng hạn như ngoại tình), thì cũng không có nghĩa là họ không được quyền ly hôn. Hay nói cách khác, dù không bênh vực gì người chồng và hoàn toàn thông cảm với người vợ, tôi vẫn không thể nói khác đi rằng việc ly hôn là quyền của người chồng, mà người vợ không thể ngăn cản – dù muốn hay không muốn.

Cũng cần nói thêm là ở nhiều nước, có qui định nếu hai vợ chồng sống xa nhau quá 2 năm, thì đó chính là lý do hợp pháp để làm cơ sở để Tòa án chấp nhận giải quyết ly hôn theo yêu cầu của một bên mà không cần xem xét đến các yếu tố khác.

2. Ly hôn có 2 dạng: thuận tình và đơn phương. Thuận tình tức là hai người cùng ký vào đơn ly hôn. Còn nếu người vợ không ký vào, thì người chồng vẫn có quyền tự mình nộp đơn ly hôn. Khi đó, tòa án vẫn thụ lý giải quyết và có thể xét xử (giải quyết cho ly hôn) vắng mặt người vợ. Do vậy, thay vì nghĩ rằng không ký vào đơn ( mặc dù đúng là nếu người vợ không ký vào đơn thì người chồng sẽ khó khăn hơn trong việc ly hôn), người vợ - nhất là khi đang “còn rất thương anh”, nên tìm ra phương cách để cứu vãn cuộc hôn nhân đang trong giai đoạn căng thẳng như chỉ mành treo chuông của mình. Chẳng hạn như có thể quay về Bắc chung sống với chồng, yêu cầu chồng chấm dứt quan hệ “ngoài luồng”, nhờ cha mẹ hai bên khuyên giải …vv.

3. Nếu hai bên vẫn phải dẫn đến cảnh ly hôn, thì qua những thông tin chị nêu ra, có thể thấy cơ hội dành được quyền nuôi con của người vợ là khá cao – vì khá hợp tình, hợp lý. Tất nhiên, khi ra Tòa cũng nên nhờ luật sư để hỗ trợ một cách hiệu quả hơn.

Tôi chúc người vợ sẽ có được những kết quả tốt và thuận lợi nhất. Thân mến. www.ecolaw.vn


Chuyên mục Luật sư tư vấn Ecolaw do các luật sư của công ty luật hợp danh Ecolaw thực hiện. Quí vị hãy gửi câu hỏi theo địa chỉ ecolaw2@gmail.com để được giải đáp hoàn toàn miễn phí – trừ trường hợp câu hỏi quá phức tạp hoặc không rõ ràng. Thông tin càng chi tiết, cụ thể - nội dung tư vấn càng chính xác, hiệu quả. Phần lớn các câu hỏi – đáp (được mã hóa để bảo mật) sẽ được đăng trên website này nhằm mục đích phổ biến kiến thức pháp luật phổ thông cho mọi người.  
Quí vị có thể click vào menu “Luật sư tư vấn” để tìm đọc thêm các vấn đề mà mình quan tâm.
Lưu ý: bài viết trên thuộc lĩnh vực “Hôn nhân gia đình – Quyền trẻ em”

CÔNG TY LUẬT HỢP DANH ECOLAW – ĐỊA CHỈ TIN CẬY CỦA MỌI NGƯỜI

843 Lê Hồng Phong, P.12, Quận 10, TP. Hồ Chí Minh
Email: ecolaw1@gmail.com - website: www.ecolaw.vn