Friday, September 5, 2014

Tôi chỉ vay tiền và làm ăn thua lỗ, nếu công an bắt giam có phải là hình sự hóa việc dân sự?


Hỏi: Tôi làm ăn thua lỗ và có vay khoảng 3 tỷ đồng. Bạn thân tôi làm công chức Nhà nước tại một cơ quan của một huyện. Hiện nay số nợ đó tôi chưa có khả năng trả nợ, do vậy có một số chủ nợ đã kiện tôi ra cơ quan công an. Trong đó có một số vu khống tôi cầm tiền chạy công việc nhưng không có bằng chứng. Công an đã gọi tôi làm việc 3 buổi, có hỏi tôi về những vấn đề trên nhưng tôi không nhận vì tôi không làm việc đó mà chỉ là vay nợ (tôi vay nợ lãi cao). Điều tra viên có nói với tôi là qua Tết sẽ bắt tạm giam. Vậy tôi xin hỏi luật sư tư vấn cho như sau:


1. Tôi có thể bị bắt giam hay không?

2. Như vậy cơ quan công an có hình sự hóa việc dân sự hay không?

3. Nếu 5 người trở lên tố cáo tôi cầm tiền chạy việc tôi có bị kết án không ? (không có bằng chứng nào chứng minh tôi cầm tiền chạy việc)

Rất mong nhận được hồi âm của các luật sư công ty luật Ecolaw. Xin chân thành cám ơn (Vu Phong N.)

Luật sư Nguyễn Công Khán trả lời:

Vụ việc của anh công an mới chỉ mời lên làm việc, qua những thông tin anh kể, chưa đủ cơ sở để chúng tôi trả lời một cách chính xác được. Chỉ xin nêu dưới đây một số vấn đề thuộc về nguyên tắc như sau:

1. Nếu việc anh vay tiền có giấy tờ rõ ràng, anh thực sự mất khả năng trả nợ do làm ăn thua lỗ - nghĩa là anh không có hành vi gian dối gì, thì đây chỉ là quan hệ dân sự thuần túy. Các chủ nợ có quyền kiện anh ra tòa để đòi nợ ( chứ không phải là tố ra công an). Sau này, khi tòa án đã xử, mà anh vẫn không có tiền để trả nợ thì sẽ bị phát mãi tài sản để trả nợ.

2. Việc anh nói mình bị tố cáo ( nhưng anh không thừa nhận) là có hành vi “chạy việc” – chúng tôi chưa hiểu rõ cụ thể là việc gì. Nhưng cũng hình dung có thể là một dạng hối lộ - “mua quan, bán chức” chăng ? Tức là đưa tiền cho người có chức vụ, quyền hạn – để người này “ban” cho một chức vụ, công việc nào đó. Đối với việc này, nếu có thì sẽ có dấu hiệu của tội đưa hối lộ. Người nhận tiền cũng sẽ bị truy tố về tội nhận hối lộ. Dạng hành vi này là hành vi phạm tội, thuộc nhóm tội phạm về tham nhũng. Xã hội cực lực lên án tệ tham nhũng, mua bán chức quyền, nên mức hình phạt cũng rất cao.

3. Việc anh không nhận hay cho rằng “không có bằng chứng” về việc mình có “chạy việc” thực ra không quan trọng đối với cơ quan tiến hành tố tụng. Vì đó cũng chỉ là “lý lẽ” một chiều của anh mà thôi. Như trường hợp ông Huỳnh Ngọc Sỹ, có nhận tội đâu, cũng cho rằng không có bằng chứng – vậy mà vẫn bị kết án đấy thôi. Hay nói cách khác, bằng chứng có hay không, như thế nào là chuyện của cơ quan công an, tòa án. Nếu thực sự anh “không có làm việc ấy” thì anh cứ an tâm – vì chẳng ai có thể “bịa đặt” ra bằng chứng được. Còn nếu anh thực sự “có” – thì cũng nên suy nghĩ cho kỹ về việc này. Theo luật thì việc “thật thà khai báo” là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.

4. Việc anh có bị bắt tạm giam hay không phụ thuộc vào kết qua điều tra ban đầu và nhận định của cơ quan công an. Bắt tạm giam là biện pháp ngăn chặn. Do vậy, nếu cơ quan công an đánh giá anh có hành vi tội phạm, anh có khả năng bỏ trốn và tội phạm của anh ( nếu có – theo quan điểm của cơ quan công an) thuộc lại nghiêm trọng – thì cơ quan công an có quyền ra quyết định bắt tạm giam. Chúng tôi nghĩ rằng không thể đơn thuần chỉ qua việc anh bị bắt tạm giam là nói rằng công an đã “hình sự hóa việc dân sự”. Về nguyên tắc, nếu công an làm sai ( tức là “hình sự hóa việc dân sự”) – thì phải chịu trách nhiệm, phải xin lỗi, bồi thường cho người bị oan. Trong những năm gần đây, việc bắt tạm giam không có căn cứ, không đúng luật đã giảm nhiều và rất hiếm.

5. Việc có 5 người ( hay ít hơn, nhiều hơn – không quan trọng) tố cáo anh cầm tiền “chạy việc” là quyền của họ. Về nguyên tắc, mọi người dân đều có quyền tố cáo người có hành vi sai phạm. Hoàn toàn không có nghĩa là cứ nhiều người tố cáo thì anh bị kết án. Mà điều quan trọng là cơ quan công an có đủ căn cứ (qua điều tra, xác minh) để kết luận anh có hành vi phạm tội hay không. Nếu người nào tố cáo sai, đặt điều không đúng sự thật – thì anh có quyền khiếu nại, thậm chí đề nghị truy tố họ về tội vu khống.

Nói tóm lại, anh có “bị” gì hay không phụ thuộc vào bản chất của những hành vi, giao dịch do chính anh thực hiện. Chúng tôi chân tình chúc anh mọi việc tốt đẹp. www.ecolaw.vn


Chuyên mục Luật sư tư vấn Ecolaw do các luật sư của công ty luật hợp danh Ecolaw thực hiện. Quí vị hãy gửi câu hỏi theo địa chỉ ecolaw2@gmail.com để được giải đáp hoàn toàn miễn phí – trừ trường hợp câu hỏi quá phức tạp hoặc không rõ ràng. Thông tin càng chi tiết, cụ thể - nội dung tư vấn càng chính xác, hiệu quả. Phần lớn các câu hỏi – đáp (được mã hóa để bảo mật) sẽ được đăng trên website này nhằm mục đích phổ biến kiến thức pháp luật phổ thông cho mọi người.  
Quí vị có thể click vào menu “Luật sư tư vấn” để tìm đọc thêm các vấn đề mà mình quan tâm.
Lưu ý: bài viết trên thuộc lĩnh vực “Hành chính – Hình sự”

CÔNG TY LUẬT HỢP DANH ECOLAW – ĐỊA CHỈ TIN CẬY CỦA MỌI NGƯỜI

843 Lê Hồng Phong, P.12, Quận 10, TP. Hồ Chí Minh
Email: ecolaw1@gmail.com - website: www.ecolaw.vn