Sunday, June 10, 2018

Thắc mắc về Hợp đồng kinh tế và Hợp đồng góp vốn


Hỏi: Kính gửi các luật sư, Hiện nay, tôi đang có một trường hợp thắc mắc về hợp đồng kinh tế, rất mong được các luật sư giải đáp:

Công ty A tham dự đấu thầu gói thầu cung cấp thiết bị do công ty B làm chủ đầu tư. Sau khi trúng thầu, Công ty A và Công ty B ký HĐKT số 01/2011 v/v cung cấp thiết bị trên, giá trị hợp đồng là 10 tỷ đồng. 

Tuy nhiên, trong nội dung hợp đồng lại quy định, tổng giá trị HĐ là 10 tỷ đồng, trong đó công ty A góp vốn bằng 50% giá trị hợp đồng, số còn lại Công ty B phải thanh toán cho Công ty A.

Tôi cho rằng, hoạt động mua bán và góp vốn giữa Công ty A và Công ty B phải được lập thành 2 hợp đồng khác nhau, tương ứng là HĐKT và hợp đồng góp vốn. Vì trong trường hợp 2 bên góp vốn thì cần phải ghi rõ mục đích góp vốn cũng như trách nhiệm, quyền lợi của từng bên.

Tôi muốn hỏi trong trường hợp trên, HĐKT hai bên đã ký có hợp pháp không? Và sự khác nhau giữa HĐKT và HĐ góp vốn? Xin chân thành cảm ơn! (Thanh H.)

Luật sư Trần Hồng Phong trả lời:

Trước hết, nhận định của bạn hoàn toàn đúng: cung cấp thiết bị (bán hàng) và góp vốn là hai việc có bản chất hoàn toàn khác nhau. Nên không thể nhập chung trong một hợp đồng. Và trong cả hai hợp đồng đều cần phải có những nội dung cơ bản về quyền lợi, nghĩa vụ của mỗi bên – phù hợp với bản chất của giao dịch.

Tuy nhiên, qua cách hỏi của bạn cũng cho thấy hình như bạn không phải là người trong cuộc, nên chưa nắm/hiểu được vì sao lại có tình tiết bất thường là thay vì phải thanh toán 100% tiền mua hàng, bên B lại chỉ thanh toán 50%, số còn lại thì “đổi” bằng hình thức góp vốn. Có thể giữa hai bên, hai “ông chủ” đã có sự thỏa thuận với nhau về vấn đề này chăng?

Về việc góp vốn, theo thấy có nhiều khía cạnh cần làm rõ như sau:

- Trước hết, hiểu một cách đơn giản thì khi A “góp vốn” vào B nghĩa là A đã mua lại một phần góp góp (hay cổ phần – nếu B là công ty cổ phần) từ B. Do vậy, A sẽ trở thành một thành viên góp vốn (hay cổ đông) trong B. Hoặc cũng có thể là A góp vốn vào B bằng hình thức làm “tăng vốn” điều lệ của B lên. Trong cả hai trường hợp này, công ty B đều phải làm thủ tục để ghi tên A vào Danh sách thành viên hoặc (Danh sách cổ đông) thì mới có giá trị pháp lý. Vì đây là trường hợp có sự thay đổi thành viên (hay cổ đông) trong công ty.

- Thứ nữa, nếu A chỉ góp vốn vào riêng một công trình mà B là chủ đầu tư ( chính là công trình mà A trúng thầu cung cấp thiết bị). Khi đó hai bên cần phải có một bản Hợp đồng hợp tác kinh doanh. Theo đó, thể hiện (theo thỏa thuận của hai bên) về bản chất của việc góp vốn. Nếu nay bên A góp vốn rồi sau này bên B sẽ trả lại, cộng thêm lợi nhuận, mà A không có quyền hành, không được can thiệp vào quá trình đầu tư, xây dựng và kinh doanh công trình – thì thực chất đây là quan hệ “vay mượn” vốn. Chỉ cần làm hợp đồng cho vay tài sản là đủ.

- Còn nếu A góp vốn vào (50%) và có quyền hành, nghĩa vụ tương ứng với phần vốn góp của mình, thì thực chất đây là việc A tham gia vào công ty B với tư cách là thành viên góp vốn như đã phân tích ở phần trên – dù là chỉ trong một công trình. Khi đó vẫn phải làm thủ tục đăng ký thành viên mới, hoặc là hai bên sẽ thống nhất thành lập một công ty con – để cùng quản lý, kinh doanh dự án.

Nói tóm lại, do thông tin của bạn không đầy đủ, nên tôi chỉ có thể trao đổi theo kiểu “trà dư tử hậu” cho “vui vẻ” mà thôi. Thân mến. www.ecolaw.vn



Chuyên mục Luật sư tư vấn Ecolaw do các luật sư của công ty luật hợp danh Ecolaw thực hiện. Quí vị hãy gửi câu hỏi theo địa chỉ ecolaw2@gmail.com để được giải đáp hoàn toàn miễn phí – trừ trường hợp câu hỏi quá phức tạp hoặc không rõ ràng. Thông tin càng chi tiết, cụ thể - nội dung tư vấn càng chính xác, hiệu quả. Phần lớn các câu hỏi – đáp (được mã hóa để bảo mật) sẽ được đăng trên website này nhằm mục đích phổ biến kiến thức pháp luật phổ thông cho mọi người.   
Quí vị có thể click vào menu “Luật sư tư vấn” để tìm đọc thêm các vấn đề mà mình quan tâm.
Lưu ý: bài viết trên thuộc lĩnh vực “Thương mại – Doanh nghiệp”

CÔNG TY LUẬT ECOLAW – ĐỊA CHỈ TIN CẬY CỦA MỌI NGƯỜI
23 Lê Lư, P. Phú Thọ Hoà, Q. Tân Phú, TP. Hồ Chí Minh 
Email: ecolaw1@ecolaw.vn - website: www.ecolaw.vn