Sunday, June 10, 2018

Thời điểm chuyển giao quyền sở hữu hàng hóa trong hợp đồng đại lý



Hỏi : Tôi đã đọc bài Hợp đồng đại lý ký gửi của luật sư ở địa chỉ http://www.ecolaw.vn/vi/node/95. Nếu xét về vấn đề quyền sở hữu hàng hóa, người ta chia thành 2 dạng hợp đồng đại lý : hợp đồng đại lý mua đứt bán đoạn (tức là bên giao đại lý bán hàng cho bên nhận đại lý theo giá sỉ, và bên nhận đại lý tiếp tục bán hàng cho khách hàng của mình theo giá bán lẻ) và hợp đồng đại lý ký gửi như trong trường hợp ở bài viết này.


Theo tôi hiểu khi đọc bài viết, thì quyền sở hữu hàng hóa có thể chuyển giao cho bên nhận đại lý trong hợp đồng đại lý mua đứt bán đoạn. Tôi hiểu như vậy có đúng không? Tại điều 170 Luật Thương mại có quy định rằng quyền sở hữu hàng hóa là thuộc về bên giao đại lý. Như vậy liệu có mâu thuẫn không? Và có khi nào hai bên có thể thỏa thuận quyền sở hữu hàng hóa được chuyển giao từ bên giao đại lý cho bên nhận đại lý lúc giao hàng không ? Chân thành cảm ơn luật sư ( Lamnlaw).

Luật sư Trần Hồng Phong trả lời :

Tôi rất thú vị với câu hỏi của bạn và cũng muốn bàn thêm cho “ra ngô ra khoai” về vấn đề này.

Nguyên văn điều 170 Luật Thương mại 2005 như sau : “Bên giao đại lý là chủ sở hữu đối với hàng hoá hoặc tiền giao cho bên đại lý”. Và ý kiến của cá nhân tôi như sau :

Trước hết, tôi không đồng ý với điều 170 luật Thương mại. Tôi cho rằng nội dung điều luật này là chưa rõ và cũng không đúng trong mọi trường hợp – chí ít là không đúng với các nguyên tắc cơ bản được qui định trong bộ luật “nền” là Bộ luật dân sự. Nói một cách thẳng thắn, tôi cho rằng điều luật này không đúng … luật !

Để hiểu thế nào là quyền sở hữu đối với hàng hóa ( một dạng tài sản), chúng ta nên biết về những căn cứ xác định việc xác lập quyền sở hữu - qui định tại Bộ luật dân sự.

Việc một người (hoặc một tổ chức) xác lập quyền sở hữu đối với tài sản có thể bằng nhiều cách. Như từ việc mua bán, thu hoạch, trúng số, hưởng di sản thừa kế … Thời điểm xác lập quyền sở hữu thường là thời điểm hai bên giao – nhận hàng hóa. Ví dụ : Khi ông A trả tiền và mua một món hàng thì về nguyên tắc, quyền sở hữu món hàng được chuyển giao từ người bán hàng sang cho ông A tại thời điểm ông A nhận món hàng, nếu hai bên không có thỏa thuận khác.

Đối với những loại tài sản mà Nhà nước qui định phải đăng ký ( thường là bất động sản, ô tô, xe máy …) thì thời điểm chuyển giao quyền sở hữu là thời điểm đăng ký quyền sở hữu. Ví dụ: ông B mua một chiếc ô tô. Khi ông B đi đóng thuế trước bạ, làm thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký xe thì đó là thời điểm ông B chính thức sở hữu chiếc xe ô tô.

Tuy nhiên, từ năm 2005, khi Luật Nhà ở ra đời đã qui định mâu thuẫn với nguyên tắc cơ bản trên. Cụ thể theo Luật Nhà ở thì “Quyền sở hữu nhà ở được chuyển cho bên mua kể từ thời điểm hợp đồng mua bán nhà được công chứng”. Chính qui định này đã làm cho rất nhiều vụ tranh chấp về nhà đất càng thêm phức tạp, rắc rối. Người dân … than trời.

Hãy hình dung : ông C mua một căn nhà của ông A. Hai ông ra phòng công chứng ký hợp đồng mua bán nhà. Lúc này tiền mua nhà ông C vẫn chưa thanh toán hết, giấy tờ nhà vẫn đang đứng tên ông A. Vậy mà luật lại qui định là nhà đã thuộc sở hữu của ông C thì chẳng vô lý là gì. Lại nói tiếp : lúc này (theo luật Nhà ở) ông C đã có quyền sở hữu nhà nên có quyền … bán tiếp cho ông D ! Nhưng không/chưa có giấy sở hữu nhà thì ông D làm sao dám mua (!?). Chưa kể theo nguyên tắc chung thì khi có sự mâu thuẫn giữa luật chung với luật chuyên ngành thì luật chuyên ngành lại được ưu tiên áp dụng nên … càng rối.

Quay lại câu hỏi của bạn. Tôi cho rằng đối với trường hợp hợp đồng đại lý mua đứt bán đoạn, thời điểm chuyển giao quyền sở hữu đối với hàng hóa hợp lý và chặt chẽ nhất chính là thời điểm bên giao đại lý giao hàng cho bên nhận đại lý. Điều này không những hai bên có quyền thỏa thuận mà rất nên thỏa thuận như vậy. Điều này cũng hoàn toàn phù hợp với qui định tại Bộ luật dân sự.

Tôi là luật sư của công ty LaVie, lâu nay tôi vẫn luôn cho rằng khi công ty LaVie giao hàng ( nước khoáng) cho các Nhà phân phối (đại lý) và nhận tiền bán hàng thì hàng hóa đã thuộc về đại lý. Chứ nếu theo qui định tại điều 170 Luật Thương mại thì cả bên đại lý lẫn công ty LaVie đều không ai muốn. Vì chẳng có đại lý nào bỏ tiền ra mua hàng, đã giao tiền mà hàng hóa đó vẫn là của bên bán. Ngược lại, cũng chẳng có bên bán nào đã nhận tiền bán hàng, giao hàng, mà vẫn cứ phải lãnh nhận trách nhiệm là chủ của món hàng mà mình đã bán.

(Chúng ta cần lưu ý và phân biệt giữa quyền sở hữu và nghĩa vụ của nhà sản xuất đối với hàng hóa. Ví dụ : Những chiếc tivi Samsung tuy có thể thuộc quyền sở hữu của đại lý (trong trường hợp mua đứt bán đoạn), nhưng trách nhiệm về bảo hành vẫn thuộc về nhà sản xuất là công ty Samsung).

Trên thực tế, thời điểm chuyển giao quyền sở hữu đối với tài sản là một sự kiện pháp lý đặc biệt quan trọng. Vì vậy, pháp luật cũng cần phải qui định thật rõ ràng, cụ thể - đến mức cao nhất có thể. Chứ với kiểu qui định sơ sài, đại khái như điều 170 luật Thương mại – cá nhân tôi cho rằng không ổn và điều luật này cần sớm được bổ sung, sửa chữa cho phù hợp.

Chúng ta chắc chắn sẽ còn có nhiều dịp trao đổi về vấn đề này trên ecolaw.vn. Mong rằng những thông tin trên phần nào giải tỏa được những băn khăn của bạn. (www.ecolaw.vn)



Chuyên mục Luật sư tư vấn Ecolaw do các luật sư của công ty luật hợp danh Ecolaw thực hiện. Quí vị hãy gửi câu hỏi theo địa chỉ ecolaw2@gmail.com để được giải đáp hoàn toàn miễn phí – trừ trường hợp câu hỏi quá phức tạp hoặc không rõ ràng. Thông tin càng chi tiết, cụ thể - nội dung tư vấn càng chính xác, hiệu quả. Phần lớn các câu hỏi – đáp (được mã hóa để bảo mật) sẽ được đăng trên website này nhằm mục đích phổ biến kiến thức pháp luật phổ thông cho mọi người.   
Quí vị có thể click vào menu “Luật sư tư vấn” để tìm đọc thêm các vấn đề mà mình quan tâm.
Lưu ý: bài viết trên thuộc lĩnh vực “Thương mại – Doanh nghiệp”

CÔNG TY LUẬT ECOLAW – ĐỊA CHỈ TIN CẬY CỦA MỌI NGƯỜI
23 Lê Lư, P. Phú Thọ Hoà, Q. Tân Phú, TP. Hồ Chí Minh 
Email: ecolaw1@ecolaw.vn - website: www.ecolaw.vn