Sunday, June 10, 2018

Tạm nhập, tái xuất: Hợp đồng sao cho ổn?


Hỏi: Em vừa mới ra trường, vào làm tại một công ty xuất nhập khẩu hàng đông lạnh gà và thủy hải sản từ nước ngoài. Sắp tới công ty em sẽ nhập khẩu từ Mỹ về một lô hàng gà đông lạnh, sau đó sẽ xuất nó sang Đài Loan. Như vậy công ty em đang theo phương thức "tạm nhập tái xuất".

Theo phương thức "tạm nhập tái xuất" thì công ty em sẽ phải làm 2 hợp đồng, một cái với Mỹ và một cái với Đài Loan. Và như vậy công ty em sẽ trả tiền cho Mỹ trước sau đó sẽ chờ thu hồi tiền từ Đài Loan, và như vậy rủi ro rất cao.


Vì vậy công ty em yêu cầu làm cách nào để giao dịch vẫn tiến hành theo thủ tục tạm nhập tái xuất mà chỉ cần làm một hợp đồng. Và theo hợp đồng đó Đài Loan sẽ chuyển thẳng tiền cho Mỹ và Mỹ sẽ chuyển tiền hoa hồng cho công ty em.

Sếp em muốn theo phương thức tạm nhập tái xuất vì thời gian có thể lưu kho tại cảng lâu nhất, giảm rủi ro cho công ty em. Em mới ra trường chưa có kinh nghiệm nhiều, vì vậy mong các luật sư giúp đỡ em. Em cám ơn mọi người rất nhiều ! (Thùy L.)

Luật sư Trần Hồng Phong trả lời:

Những vấn đề bạn hỏi tuy có liên quan đến pháp luật, nhưng thực chất thuần túy là “bí mật” kinh doanh nên “người bên ngoài” như chúng tôi không có đủ thông tin và cũng không nắm được phương thức, ý định kinh doanh của công ty bạn, nên chỉ có thể trao đổi theo kiểu góp ý như dưới đây mà thôi.

Muốn an toàn thì phải nắm trong tay một tài sản nào đó của đối tác – gọi là biện pháp bảo đảm thực hiện hợp đồng. Trong giao dịch ngoại thương quốc tế, người ta vẫn dùng hình thức thanh toán bằng tín dụng thư (LC) – cũng là một trong những biện pháp phổ biến và hữu hiệu để tránh rủi ro.

Ngoài ra, trong hợp đồng cũng nên qui định thật cụ thể về tiền đặt cọc, phạt do vi phạm hợp đồng, trách nhiệm bồi thường, luật áp dụng, bảo hiểm (hàng hóa và vận chuyển…)… - đây đều là những điều khoản mang tính ngăn chặn, hỗ trợ - có mục đích cứu vãn tình thế khi xảy ra sự cố không tốt.

Công ty bạn có ý định “tạm nhập, tái xuất” một lô hàng, nhưng theo lời bạn mô tả thì có vẻ giống như bên mình làm môi giới và hưởng hoa hồng. Nếu thực sự bản chất như vậy thì mình nên ký hợp đồng môi giới. Theo đó, bên công ty bạn (tạm gọi là công ty VN) sẽ đứng ra làm trung gian, giới thiệu công ty Mỹ và công ty Đài Loan ký hợp đồng mua bán hàng hóa. Và hàng sẽ đi thẳng từ Mỹ qua Đài Loan luôn, vừa nhanh chóng lại tiết kiệm chi phí …

Nhưng cũng có thể là công ty bạn không có ý định làm môi giới (không muốn cho công ty Mỹ “gặp” công ty Đài Loan). Trong trường hợp này, giao dịch mua – bán giữa công ty VN – công ty Mỹ và công ty VN – công ty Đài Loan là độc lập với nhau. Do vậy, cũng khó để mà “ràng buộc” hai hợp đồng này với nhau được.

Tuy nhiên, theo tôi nghĩ thì với những hợp đồng như trên, công ty bạn nhất thiết nên nhờ luật sư tư vấn, soạn thảo hoặc kiểm tra giúp trước khi chính thức ký kết. Chứ chuyện làm ăn lớn không đơn giản chỉ là vài dòng trao đổi như thế này là xem như OK. Thân mến. www.ecolaw.vn



Chuyên mục Luật sư tư vấn Ecolaw do các luật sư của công ty luật hợp danh Ecolaw thực hiện. Quí vị hãy gửi câu hỏi theo địa chỉ ecolaw2@gmail.com để được giải đáp hoàn toàn miễn phí – trừ trường hợp câu hỏi quá phức tạp hoặc không rõ ràng. Thông tin càng chi tiết, cụ thể - nội dung tư vấn càng chính xác, hiệu quả. Phần lớn các câu hỏi – đáp (được mã hóa để bảo mật) sẽ được đăng trên website này nhằm mục đích phổ biến kiến thức pháp luật phổ thông cho mọi người.   
Quí vị có thể click vào menu “Luật sư tư vấn” để tìm đọc thêm các vấn đề mà mình quan tâm.
Lưu ý: bài viết trên thuộc lĩnh vực “Thương mại – Doanh nghiệp”

CÔNG TY LUẬT ECOLAW – ĐỊA CHỈ TIN CẬY CỦA MỌI NGƯỜI
23 Lê Lư, P. Phú Thọ Hoà, Q. Tân Phú, TP. Hồ Chí Minh 
Email: ecolaw1@ecolaw.vn - website: www.ecolaw.vn